Dang rộng vòng tay
(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ làm gì tiếp theo để giúp Myanmar tiếp tục phát triển dân chủ ngoạn mục trong thời gian qua?
Vào cuối tháng này, Myanmar sẽ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại thủ đô Nay Pyi Taw. Các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự, mang theo một số thông điệp quan trọng, gần như tất cả trong số đó sẽ liên quan đến sự tiến bộ trong quá trình chuyển đổi dân chủ của nước chủ nhà.
Đây là lần thứ hai, ông chủ Nhà Trắng đến Myanmar sau lần công du cuối năm 2012, trong đó ông có bài phát biểu quan trọng tại Đại học Yangon: "Tôi đứng đây với sự tự tin, một cái gì đó đang xảy ra ở đất nước này là không thể đảo ngược, và ý chí của người dân có thể nâng tầm đất nước và thiết lập ví dụ tuyệt vời cho thế giới. Và các bạn sẽ luôn có nước Mỹ là đối tác trên cuộc hành trình dài này".
Thật sự, quốc gia Đông Nam Á này rất cần cường quốc số 1 thế giới với tư cách là đối tác trên "hành trình dài" để thay đổi dân chủ "chính hãng". Vì thế, còn nhiều thách thức và một số vấn đề cơ bản mà Tổng thống Obama cần phải làm rõ tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới. Để bắt đầu, Myanmar sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi hoàn toàn chuyển đổi dân chủ vào cuối năm 2015.
Nhiều vấn đề quan trọng cần được giải quyết khẩn cấp. Thứ nhất, Ủy ban bầu cử Myanmar cần phải được cải cách sao cho có đầy đủ các thành viên từ tất cả các đảng chính trị lớn. Không cải cách nào có thể được thực hiện ngay lập tức, bởi vì Quốc hội vẫn đang xem xét những gì hệ thống bầu cử quốc gia sẽ áp dụng cho cuộc bầu cử năm 2015: bầu cử qua thùng phiếu, tỷ lệ đại diện...
Thứ hai, tiến trình hòa bình vẫn là con đường gập ghềnh. Đã có những báo cáo gần đây về những cuộc đụng độ mới giữa quân đội Myanmar và phiến quân sắc tộc trên cả nước Nếu không có hòa bình, dân chủ của Myanmar không thể thành công. Đảm bảo nền hòa bình lâu dài đòi hỏi phải thay đổi cơ bản của cả hai bên. Chẳng hạn, chính phủ cần giới thiệu những thay đổi cấu trúc vốn cung cấp cho cộng đồng dân tộc tính tự chủ thực sự. Các mối quan hệ thể chế phức tạp giữa quân đội và chính phủ mới cũng sẽ cần phải được làm rõ, đặc biệt là vấn đề giám sát dân sự.
Thách thức thứ ba là bạo lực xã hội. Myanmar đang trải qua bạo lực xã hội chưa từng có chống lại các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân số Hồi giáo.
Thứ tư là cải cách kinh tế. Chính phủ phải tham gia vào cải cách ruộng đất hiệu quả để mang lại lợi ích nông dân chứ không chỉ là giới thượng lưu tinh hoa. Với 2/3 dân số là nông dân, cải cách ruộng đất không hiệu quả có thể làm mất ổn định đất nước, làm chệch con đường dân chủ hóa.
Với những thách thức này, liệu ông Obama có thể làm gì cho Myanmar? Bước đầu tiên, nhà lãnh đạo này cần sử dụng Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham gia vào các vấn đề này. Chẳng hạn, ông Obama có thể yêu cầu các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ trong vấn đề đất đai, yếu tố rất quan trọng để giảm nghèo. Ông cũng có thể cảnh báo các nhà lãnh đạo Myanmar về hậu quả có thể nếu quá trình dân chủ chết yểu.
Myanmar đang thay đổi, đó là điều không còn gì nghi ngờ. Nhưng con đường dân chủ dự báo nhiều khó khăn. Và họ thật sự đang cần các nước dang rộng vòng tay.
Thanh Văn