Đằng sau “cái bắt tay” giữa Iran và Venezuela

Thứ bảy, 06/06/2020 10:21

Sự xuất hiện của 5 tàu chở dầu Iran tại ở Venezuela chắc chắn sẽ làm dịu bớt sức nóng của cuộc khủng hoảng xăng dầu tại quốc gia Nam Mỹ, đồng thời thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào cả hai nước.

Tàu chở dầu của Iran hướng đến Venezuela.  Ảnh: AFP

Các tàu chở dầu của Iran bắt đầu đến Venezuela vào tuần trước dưới sự bảo vệ của các lực lượng quân sự Venezuela, trong đó chuyến tàu thứ 5 đã đến nơi an toàn hôm 31-5, vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tàu chở dầu thứ 5 mang theo chuyến hàng cuối cùng trong số hơn 1,5 triệu thùng xăng dầu được Iran gửi đến Venezuela. Theo RT, tàu chở dầu Clavel đã đến bờ biển Venezuela để cung cấp xăng dầu cho quốc gia Nam Mỹ này. Đợt giao hàng cuối cùng diễn ra chỉ 3 ngày sau khi tàu chở dầu thứ 4 cập cảng. Trong một tuyên bố, các quan chức Venezuela cho biết, số dầu đến từ Iran được chuyển đến hàng trăm trạm xăng trên khắp đất nước.

Thách thức Mỹ

Venezuela nằm trong khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Các nhà máy lọc dầu của nước này cũng có thể sản xuất hơn 1,3 triệu thùng mỗi ngày. Nhưng hiện nay ngành dầu mỏ Venezuela bị thiệt hại nặng nề sau nhiều năm bất ổn chính trị và kinh tế. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Cty dầu mỏ quốc doanh Venezuela PDVSA cũng làm tê liệt khả năng nhập khẩu một số loại nhiên liệu từ nước ngoài của Venezuela, và chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro chuyển sang nhập nhiên liệu và các sản phẩm hóa dầu của Iran.

Khó khăn đặt ra là hiện cả 2 nước này đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ. Giới quan sát cũng cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Iran và Venezuela xích lại gần nhau hơn về kinh tế và chính trị. “Iran và Venezuela luôn hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn”, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela, ông Jorge Arreaza, viết trên Twitter tuần trước. Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, động thái của Iran để vận chuyển dầu đến Venezuela là nhằm thách thức Mỹ. Alireza Mehrabi, một nhà phân tích chính trị ở Tehran cho biết, động thái này rất có ý nghĩa. Theo ông, nó gửi thông điệp rằng: “lệnh cấm của Mỹ chẳng là gì cả” và các quốc gia nên tăng cường quan hệ và phá vỡ các mối đe dọa và trừng phạt do Washington áp đặt thông qua việc xây dựng các mối quan hệ chiến lược.

Áp lực bủa vây

Kể từ năm 2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm mục tiêu vào Venezuela với các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ để ngăn chặn các nguồn xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên liệu đến quốc gia Caribbean này. Những tháng gần đây, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với 2 chi nhánh của Cty năng lượng khổng lồ Rosneft của Nga - đơn vị mua đến hơn 60% sản lượng dầu thô của Venezuela.

Washington tuyên bố sẵn sàng ngăn chặn tàu chở dầu của Iran. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump thậm chí cảnh báo các chính phủ nước ngoài, cảng biển, Cty vận tải và Cty bảo hiểm rằng họ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ nếu hỗ trợ tàu chở dầu Iran đến Venezuela.  “Chúng tôi đã cảnh báo các cộng đồng vận chuyển trên toàn thế giới, chủ tàu, thuyền trưởng, Cty bảo hiểm tàu biển và các cảng dọc đường giữa Iran và Venezuela”, Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Venezuela, nói với Reuters.

Đáp trả, trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Venezuela Maduro nhấn mạnh, nước này có quyền mua bất cứ thứ gì họ muốn. Venezuela có kế hoạch mua thêm dầu của Iran sau khi nhận được 5 lô hàng đầu tiên từ quốc gia Trung Đông.

Không mong muốn xung đột?

Các nhà quan sát tin rằng, Washington không muốn bắt đầu một cuộc xung đột với Venezuela vì mọi việc có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Trong các tình huống, việc các tàu chở dầu Iran đến Venezuela được xem là điểm yếu đối với Mỹ. Ông Cameron Toro Hardy, nhà kinh tế học nổi tiếng của Venezuela nhận định rằng: “Tôi nghĩ vì lý do nhân đạo, người Mỹ sẽ để cho tàu chở dầu đi qua. Tôi cũng nghĩ họ có thể đã dừng để kiểm tra một số tàu chở dầu để đảm bảo số hàng duy nhất họ mang theo là dầu”. Washington ủng hộ đối thủ của Tổng thống Maduro, nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido và coi ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela sau cuộc khủng hoảng tổng thống vào tháng 1-2019. Yousof Azizi, trợ lý nghiên cứu tại trường đại học Virginia Tech, cho biết trong khi giao dịch dầu giữa Iran và Venezuela này không đáng kể và không có vai trò lớn trong nền kinh tế bị trừng phạt của Iran, thì nó có thể có động cơ chính trị đằng sau. Có lẽ, Teheran đã đánh giá tỉ mỉ bầu không khí chính trị của Mỹ trong những tháng trước thềm cuộc bầu cử quan trọng và quyết định thách thức Washington.

Và nếu chính quyền ông Trump quyết định thực hiện bất kỳ hành động ngay lập tức nào đối với Iran, căng thẳng leo thang rõ ràng sẽ không có lợi cho nhà lãnh đạo này trên con đường tái đắc cử.

KHẢ ANH