Đằng sau chiếc ba lô cho mượn và câu chuyện tình dang dở xúc động!

Thứ năm, 31/10/2024 08:25

Chiếc ba lô mà đồng đội tìm thấy trong tư trang của chị Nguyễn Thị Hoài – một trong 13 thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh vào ngày 31-10-1968 tại Truông Bồn là của đồng đội Nguyễn Hữu Võ cho mượn. Đằng sau chiếc ba lô ấy là một câu chuyện tình yêu dang dở đầy xúc động “xong nghĩa vụ, chúng ta sẽ về quê tổ chức đám cưới”.

Mỗi lần nghe ông Võ nhắc đến câu chuyện tình yêu năm xưa, bà Sửu vô cùng đồng cảm.
Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn nơi tưởng niệm 13 chiến sĩ TNXP.

Chúng tôi tìm về Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) một ngày cuối tháng 10 nắng vàng ươm. Truông Bồn nay đã khoác lên mình một màu xanh của cỏ cây, hoa lá mướt mát đầy sức sống. “Túi bom” ngày nào đã thực sự hồi sinh qua bàn tay chăm sóc của con người…

Trong câu chuyện về những TNXP tham gia làm nhiệm vụ thông đường, chúng tôi được ông Phan Trọng Lộc – Giám đốc Khu di tích Quốc gia Truông Bồn tiết lộ chi tiết về chiếc ba lô mà chị Nguyễn Thị Hoài sử dụng trong ngày cuối cùng trước lúc hy sinh là của ông Nguyễn Hữu Võ – một đồng đội ở tiểu đội 6, Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An.

Nhà ông Nguyễn Hữu Võ (1949) nằm trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương. Nhắc đến câu chuyện về chiếc ba lô năm xưa cùng mối tình TNXP thuở nào, ông Võ kể lại trong nghẹn ngào.

Hình ảnh Liệt sĩ Nguyễn Thị Hoài – một trong 13 TNXP hy sinh tại “tọa độ lửa” Truông Bồn.

Năm 1967, cùng lớp lớp TNXP tỉnh Nghệ An, chàng trai Nguyễn Hữu Võ tình nguyện lên đường phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước. Anh tham gia vào Tiểu đội 6, Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An. Trong thời gian sống và chiến đấu tại Truông Bồn, chàng thanh niên mới 19 tuổi ấy đã phải lòng cô gái mới vào Nguyễn Thị Hoài. Lúc này, chị Hoài mới tròn 17 tuổi, trẻ nhất Tiểu đội 2. Hai người thầm thương trộm nhớ nhưng vì nhiệm vụ ưu tiên cho cuộc chiến nên chuyện tình yêu không dám thổ lộ với ai. “Trong thời gian yêu nhau, chúng tôi đã hứa hẹn với nhau rằng “xong nghĩa vụ về quê chúng ta tổ chức đám cưới”. Lúc đó tôi chỉ dám tâm sự với chị Nguyệt (quê ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, chị kết nghĩa) là người chuyên làm công tác hậu cần cho Đại đội. Đây cũng là người duy nhất biết được câu chuyện tình yêu của chúng tôi. Sau đó Hoài được thủ trưởng cho về phép. Do mới vào đơn vị chưa được phát quân trang nên Hoài đã mượn chiếc ba lô của tôi về quê. Sau một tuần về phép, Hoài trở lại đơn vị, chưa kịp trả ba lô thì được điều động làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến đường huyết mạch 15A. Và cũng thời khắc ấy, Hoài cùng 12 chiến sĩ đã hy sinh trong một trận bom…” – ông Nguyễn Hữu Võ nghẹn ngào nhớ lại.

Thời điểm các TNXP hy sinh, ông Võ đang nằm viện điều trị do bị thương vào ngày 29-10 trước đó. “Trong quá trình làm việc, tôi vấp phải mảnh bom và bị thương ở chân nên đơn vị đưa đi điều trị ở xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương” – ông Võ nói.

Khi nghe thông tin một trận bom đã thả xuống Truông Bồn, nhiều chiến sĩ đã hy sinh, người nhà ông Nguyễn Hữu Võ đã lập tức chạy đến “tọa độ lửa” này. Nhìn thấy chiếc ba lô mang tên ông được đặt ngay ngắn trên bàn thờ cùng 12 chiếc ba lô của các TNXP vừa ngã xuống khác, bố và chị gái khóc ngất tưởng rằng ông Võ đã hy sinh. Sau khi nghe kể ông Võ đang nằm viện, mọi người mới bình tĩnh lại.

“Nằm ở bệnh viện, nghe tin Hoài cùng đồng đội hy sinh, cảm giác như trái tim ứa máu. Tác dụng của thuốc điều trị và nỗi đau tinh thần khiến tôi mê man thiếp đi. Không ngờ, lần trao chiếc ba lô cho Hoài mượn lại là lần cuối chúng tôi được gặp nhau” – ông Võ xúc động.

Mỗi lần nghe ông Võ nhắc đến câu chuyện tình yêu năm xưa, bà Sửu vô cùng đồng cảm.

Nhớ thương đồng đội nhiều hơn

Sau nhiều lần chuyển ngành, công tác ở nhiều địa phương khác nhau theo yêu cầu của nhiệm vụ công việc, ông Nguyễn Hữu Võ được chuyển đến xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu trồng cây đặc sản. Năm 1969, ông Võ trở về quê nhà và tổ chức đám cưới với bà Nguyễn Thị Sửu (cùng tuổi, cùng quê). Đây cũng là mối lương duyên mà hai bên gia đình ông Võ, bà Sửu đã sắp đặt từ trước khi ông Võ đi làm nhiệm vụ. Hai người xây dựng cuộc sống mới trên quê hương và lần lượt sinh được 7 người con đủ nếp, đủ tẻ.

Gánh nặng cơm áo không làm ông Nguyễn Hữu Võ quên đi mối tình năm xưa nơi “tọa độ lửa”. Lúc còn khỏe, ông Võ đạp xe lên Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn để thắp hương cho các đồng đội đều đặn. Mấy năm nay, sức khỏe ông yếu dần nên được con cháu chở đi. Mỗi lần đi qua đến khu tưởng niệm TNXP, ông lại dừng chân, cúi đầu khóc trước ngôi mộ chung của 13 chiến sĩ TNXP. “Có lần ông ấy lên Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn với đứa cháu, khi đến bức tượng của chị Hoài, ông ấy đứng khựng lại, đưa tay lên xoa đầu tượng chị ấy rồi hai hàng nước mắt giàn giụa. Nghe đứa cháu kể, tôi không hề trách móc ông ấy mà thấy đồng cảm với nỗi đau bao năm chồng phải chịu. Ông Võ vẫn hay nói đùa với tôi rằng “nếu Hoài còn sống chắc tôi với bà không lấy nhau đâu?”, lúc đó hai vợ chồng chỉ biết cười trừ với nhau” – bà Nguyễn Thị Sửu thổ lộ.

Những đồng đội năm xưa của ông Võ giờ đều đã già và lần lượt ra đi. Giờ đây, ông Võ cũng không biết được ai còn, ai mất. Người ông mong muốn được gặp lại nhất là chị Nguyệt – người chị kết nghĩa năm xưa trên “tọa độ lửa”. “Chiến tranh đã lùi xa, những TNXP tuổi 18, đôi mươi như Hoài đã ngã xuống vì nền độc lập của đất nước. Càng nhớ, càng thương đồng đội bao nhiêu, tôi lại càng răn mình phải sống tốt để làm gương cho con cháu, để xứng với máu xương của đồng đội. Tôi thường dạy các con, cháu, chắt rằng, dù làm gì cũng không bao giờ được quên công ơn của thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ vì hòa bình. Phải biết tri ân, sống tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội” – ông Võ bộc bạch.

Dương Hóa