Đằng sau chiến dịch chống khủng bố của Mỹ - Malaysia

Thứ năm, 26/11/2015 10:51

(Cadn.com.vn) - Hợp tác giữa Washington và Kuala Lumpur diễn ra nhanh chóng và lặng lẽ. Trong vài tháng qua, Malaysia trở thành một trong những đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến tranh chống IS. Những cam kết hiện tại của Kuala Lumpur, được nhấn mạnh thời gian gần đây trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến nước này, phản ánh mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa khủng bố.

Các mối đe dọa

Các quan chức Mỹ ước tính, hơn 30.000 phiến quân nước ngoài từ 100 quốc gia đến Iraq và Syria, gấp đôi so với số đến Afghanistan trong những năm 1980.

Trong khi đó, các quan chức Malaysia tuyên bố bắt giữ hơn 100 người bị nghi ngờ có liên quan đến IS, trong đó có 39 người dự định đến Trung Đông để gia nhập nhóm cực đoan này. Đáng báo động là những người này không chỉ là công dân bình thường, mà còn là các giảng viên, cán bộ công chức, và thậm chí cả lực lượng an ninh.

Với nhiều âm mưu bị phát hiện và việc các phiến quân tìm cách đoàn kết các nhóm ở Malaysia, Indonesia và Philippines để tạo thành nhánh IS khu vực Đông Nam Á, khả năng xảy ra tấn công lớn chỉ là vấn đề thời gian. “Tôi nghĩ, vụ khủng bố Paris cũng có thể xảy ra ở đây, trong khu vực Đông Nam Á”, Nur Jazlan Mohamed, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia, cho biết trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm tại Kuala Lumpur hôm 20-11. Ảnh: AFP

Gia nhập Liên minh Toàn cầu

Malaysia, cùng với Nigeria và Tunisia mới đây chính thức trở thành 3 thành viên mới của Liên minh Toàn cầu chống IS do Mỹ dẫn đầu gồm 65 thành viên trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm ở New York. Đây là sự phát triển đáng kể vì một trong 3 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số ở Đông Nam Á trở thành một phần của liên minh (Indonesia và Brunei vẫn chưa tham gia).

Tại thời điểm này, Malaysia chỉ được chào đón như một quan sát viên và ủng hộ của liên minh. Nhưng trong tương lai, Nhà Trắng hy vọng, Kuala Lumpur sẽ trở thành một thành viên và sau đó là đồng lãnh đạo của 1 trong 5 nhóm, mỗi nhóm có một chiến lược hay phương pháp cụ thể: chính trị-quân sự; các tay súng chiến đấu khủng bố nước ngoài; hỗ trợ tài chính; hỗ trợ ổn định; và tuyên truyền.

Malaysia xác định phù hợp với nhóm tuyên truyền - hiện đang đồng dẫn đầu bởi Mỹ, Anh, và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Nhiệm vụ của nhóm là tìm cách làm xói mòn sức hấp dẫn của IS bằng cách phơi bày thông điệp hận thù và bạo lực trong khi công bố tầm nhìn khác và toàn diện về một tương lai tốt hơn. Điều này phù hợp với vai trò của Malaysia. Nó cũng ăn khớp với ý tưởng về Phong trào Ôn hòa toàn cầu của Thủ tướng Najib mà ông kêu gọi trong bài phát biểu LHQ vào năm 2010.

Là một phần của nhiệm vụ tuyên truyền, Malaysia cũng đồng ý thành lập Trung tâm Truyền thông tuyên truyền Kỹ thuật số khu vực (RDC3) liên kết với Mỹ. Malaysia sẽ trở thành trung tâm điều phối và thúc đẩy hoạt động tuyên truyền chống IS trong khu vực.

Tương lai không chắc chắn?

Một phần quan trọng của hợp tác chống IS của Mỹ - Malaysia là chương trình miễn thị thực (VWP). Ngoài việc cho phép người Malaysia đến Mỹ mà không cần thị thực trong 90 ngày đối với du lịch và kinh doanh, nó còn tạo ra một số thuận lợi trong việc hợp tác chống IS.

Trên thực tế, Malaysia nổi lên như một trong những đối tác quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống IS và vấn đề này trở thành trụ cột trung tâm của sự hợp tác hai bên đang diễn ra. “Malaysia là một phần của liên minh chiến đấu chống IS”, Obama thừa nhận sau cuộc họp với ông Najib. Tuy nhiên, tương lai là không chắc chắn. Tương lai chính trị của ông Najib đang bị lung lay bởi vụ bê bối tham nhũng lớn trong khi nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama sắp hết.

An Bình
(Theo Diplomat)