Đằng sau hợp đồng xây dựng mạng lưới vệ tinh do thám khổng lồ của tình báo Mỹ

Thứ hai, 18/03/2024 14:39
Tập đoàn Công nghệ Không gian SpaceX (Mỹ) đang xây dựng mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh do thám theo hợp đồng mật với cơ quan tình báo Mỹ.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng tại Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ ngày 14-2. Ảnh: Reuters
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng tại Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ ngày 14-2. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn 5 nguồn tin am hiểu chương trình ngày 16-3 cho biết, Dự án Starshield bí mật của tỷ phú Elon Musk và Lầu Năm Góc vào năm 2021 cho phép quân đội và các dịch vụ tình báo Mỹ theo dõi mục tiêu, đồng thời hỗ trợ lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh theo thời gian thực ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Kể từ năm 2020, SpaceX đã phóng các nguyên mẫu vệ tinh quân sự cùng với trọng tải dân sự bằng tên lửa Falcon 9 trước khi đạt được hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD với Cơ quan Trinh sát Quốc gia (NRO) vào năm 2021.

Mạng lưới vệ tinh trinh sát mật là một trong những năng lực không gian mà chính phủ Mỹ săn đón nhiều nhất vì được thiết kế để có thể theo dõi các hoạt động trên Trái đất với cường độ liên tục, phạm vi rộng khắp và nhanh chóng nhất. Các nguồn tin khẳng định chùm vệ tinh ở quỹ đạo Trái Đất thấp sẽ có thể theo dõi các mục tiêu trên mặt đất và cung cấp dữ liệu trong thời gian thực ở mọi ngóc ngách trên thế giới. Starshield cũng được cho là không dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của các cường quốc không gian đối thủ.

Vẫn chưa rõ có bao nhiêu vệ tinh Starshield hiện hoạt động và khi nào hệ thống này dự kiến hoạt động hoàn toàn. Trong khi SpaceX và Lầu Năm Góc đều chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận về thông tin trên song NRO xác nhận họ đang phát triển hệ thống trinh sát, giám sát và tình báo trên không gian có khả năng, đa dạng và linh hoạt nhất mà thế giới từng thấy. "Văn phòng Trinh sát Quốc gia đang phát triển hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát trên không gian có năng lực hiệu quả nhất, đa dạng và linh hoạt nhất mà thế giới từng thấy", người phát ngôn NRO cho biết. Trong khi đó, Giám đốc điều hành SpaceX trước đây đã thừa nhận sự phát triển của hệ thống quân sự thay thế cho hệ thống Starlink "dân sự", cho biết vào tháng 9 năm ngoái rằng nó sẽ "thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ" và do Bộ Quốc phòng kiểm soát.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhà sáng lập SpaceX Elon Musk đã cung cấp khoảng 20.000 thiết bị đầu cuối Starlink cho Ukraine. Kể từ đó, quân đội Kiev chủ yếu dựa vào hệ thống này để duy trì liên lạc và vận hành máy bay không người lái chiến đấu dọc tiền tuyến. Trong khi cam kết hỗ trợ Ukraine, ông Musk đã nhiều lần nói rằng ông ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Tỷ phú này đã bị các quan chức Mỹ chỉ trích sau khi từ chối yêu cầu của Kiev về việc sử dụng mạng Starlink để hỗ trợ các cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga. Tỷ phú Musk lập luận việc kích hoạt Starlink ở Crimea sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Doanh nhân này giải thích rằng trong trường hợp không có bất kỳ mệnh lệnh trực tiếp nào từ lãnh đạo Mỹ, SpaceX chọn không làm trái với các quy định bất chấp yêu cầu của Kiev.

Đầu tháng này, các nhà lập pháp Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra về SpaceX sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga sử dụng dịch vụ vệ tinh Starlink trên chiến tuyến xung đột. Tỷ phú Musk bác bỏ các cáo buộc, nhấn mạnh không có thiết bị Starlinks nào được bán trực tiếp cũng như gián tiếp cho Nga. Điện Kremlin cũng khẳng định quân đội Nga chưa bao giờ đặt mua thiết bị đầu cuối Starlink.

AN BÌNH