Đằng sau kế hoạch lập căn cứ quân sự tại Nam Thái Bình Dương của Trung Quốc

Thứ bảy, 14/04/2018 12:29

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực tiếp cận Vanuatu nhằm mục đích thiết lập một căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương, một kế hoạch quan trọng giúp Bắc Kinh quan sát rõ hơn các tàu chiến lớn ra vào vùng biển Australia.

Bến cảng Luganville trên đảo Santo, Vanuatu. Đây là một trong những dự án lớn nhất được Trung Quốc tài trợ.   Ảnh: SMH

Theo tờ Sydney Morning Herald, đã có những cuộc thảo luận sơ bộ giữa chính phủ Trung Quốc và Vanuatu về việc thiết lập căn cứ quân sự tại quốc đảo Thái Bình Dương này. Mặc dù hiện không có những đề xuất chính thức nào được đưa ra cho chính phủ Vanuatu, các nhà quan sát quân sự tin rằng, Bắc Kinh có kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự hoàn chỉnh ở đây.

Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Vanuatu đều bác bỏ thông tin về kế hoạch này.

Tiền đồn quân sự ngay sát vách Australia?

Nếu được thiết lập, Trung Quốc sẽ có một căn cứ quân sự chỉ nằm cách bờ biển Australia chưa đến 2.000km và cách New Zealand 3.000km. Nếu được xác nhận, đây sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và là căn cứ quân sự ngoài Trung Quốc thứ hai trên thế giới (sau căn cứ ở Djibouti).

Các thông tin tình báo và an ninh của Australia, cùng với các đối tác Mỹ và New Zealand đang theo dõi diễn biến vụ việc với nhiều lo ngại, nhất là khi Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng với chính phủ các quốc đảo ở Thái Bình Dương thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cho vay. Trung Quốc “đang tắm” Vanuatu, quốc gia vốn có dân số khoảng 270.000 người, bằng hàng trăm triệu USD tiền phát triển cơ sở hạ tầng. Mới đây, Trung Quốc cũng đã cam kết xây dựng dinh thự mới cho Thủ tướng Charlot Salwai cũng như các tòa nhà chính phủ khác.

Nhiều nguồn tin khác cho biết, kế hoạch quân sự của Bắc Kinh ở Vanuatu có lẽ sẽ được hiện thực hóa theo từng bước, có thể bắt đầu bằng một thỏa thuận cho phép các tàu hải quân Trung Quốc cập cảng định kỳ để tiếp liệu. Sự sắp xếp này sau đó chắc chắn sẽ tiến thêm nhiều bước. Hiện nay, một trong những dự án lớn nhất được Trung Quốc tài trợ ở Vanuatu là bến cảng mới trên hòn đảo phía bắc Espiritu Santo: bến cảng Luganville.

Jonathan Pryke, một chuyên gia về Thái Bình Dương của Viện Lowy, cho rằng, dù Trung Quốc chưa có căn cứ quân sự ở Vanuatu nhưng bến cảng Luganville cũng đủ khiến các ngành quốc phòng, tình báo và ngoại giao của Canberra phải “nhíu mày” lo ngại. Nguyên nhân là trong khi mục đích sử dụng của bến cảng Luganville là để phục vụ các tàu du lịch, nó có khả năng phục vụ cả các tàu hải quân. Bến cảng này cũng gần sân bay quốc tế mà Trung Quốc đang giúp Vanuatu nâng cấp.

Australia lo ngại

Viễn cảnh về một tiền đồn quân sự của Trung Quốc ngay sát vách Australia đã được thảo luận ở cấp cao nhất tại Mỹ và Australia.

Cũng đã có những so sánh ở Canberra và Washington về các phương pháp mà Bắc Kinh đã sử dụng ở Ấn Độ Dương, nơi mà Trung Quốc gần đây thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti và được cho là đang xem xét các cơ sở quân sự ở Pakistan và Sri Lanka. Căn cứ ở Djibouti có cảng, cơ sở cho máy bay trực thăng, nhà máy bay và chỗ ở cho 10.000 binh sĩ. Các chuyên gia quốc phòng nói rằng, nếu có một căn cứ quân sự ở Vanuatu, Trung Quốc có khả năng nhiều hơn trong việc thách thức sự thống trị ở Thái Bình Dương của Australia và Mỹ.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực tiếp cận Vanuatu nhằm mục đích thiết lập một căn cứ quân sự ở Nam Thái Bình Dương, một kế hoạch quan trọng giúp Bắc Kinh quan sát rõ hơn các tàu chiến lớn ra vào vùng biển Australia. Và sự hiện diện của Trung Quốc ở Vanuatu chính là một mối đe dọa đối với phương pháp tiếp cận phía bắc của Australia. Một chuyên gia nhận định, điều này cũng sẽ thay đổi môi trường an ninh bên ngoài Australia theo một cách chưa từng thấy từ những năm 1940.

Trung Quốc, Vanuatu bác bỏ

Khi những thông tin Bắc Kinh đang thúc đẩy đề xuất thiết lập một căn cứ quân sự ở Vanuatu đang gây lo ngại tại Australia, trong tuyên bố hôm 10-4, Vanuatu mạnh mẽ bác bỏ. Phát biểu trên Đài ABC, Ngoại trưởng Vanuatu Ralph Regenvanu chỉ trích mạnh mẽ thông tin trên và nhấn mạnh: “Không ai trong chính phủ Vanuatu từng đề cập đến một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Vanuatu dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi là một nước không liên kết. Chúng tôi không quan tâm đến quân sự hóa và bất cứ dạng căn cứ quân sự nào trên đất nước của chúng tôi”.

Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra từ chối bình luận về thông tin này trong khi Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, đây chỉ là tin đồn.

KHẢ ANH