Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam (2)
Kỳ 2: Nghi ngờ có lợi ích nhóm?
(Cadn.com.vn) - Sau khi được Bộ Tài chính hủy quyết định truy thu 250 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng đối với hai Cty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, Besra lại tiếp tục đề nghị miễn thuế và phí các loại với số tiền hơn 300 tỷ đồng mà các Cty này nợ trong những năm qua. Đề nghị “xóa nợ” đã vấp phải nhiều chỉ trích của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.
Vàng làm ra hàng tấn mỗi năm nhưng thuế lại không chịu nộp. |
Đóng cửa nhà máy để gây sức ép
Mọi người cứ nghĩ sau khi được Bộ Tài chính “ưu ái” hủy nộp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, Besra Việt Nam sẽ khôi phục sản xuất kinh doanh và đóng các khoản thuế, phí khác phải nộp cho chính quyền địa phương Quảng Nam. Nhưng ngược lại, đơn vị này lại “chây ì” khiến Cục Thuế tỉnh Quảng Nam quyết định phong tỏa tài khoản và thông báo hóa đơn của Cty Vàng Phước Sơn không còn hiệu lực nhằm thu hồi các khoản thuế quá hạn từ đầu tháng 4 vừa qua.
Bị Cục Thuế vô hiệu hóa, Besra Việt Nam tiếp tục la làng. Trao đổi với P.V, đại diện Besra Việt Nam cho biết, sở dĩ đơn vị nợ thuế là do từ năm 2013 đến nay, chi phí lương, vật tư, nhiên liệu... đều tăng lên trong khi đó giá vàng trên thế giới từ hơn 1.800/ounce rớt xuống còn hơn 1.000 ounce dẫn đến Cty khó khăn.
Bên cạnh đó, Besra cho rằng ngành khai khoáng phải đầu tư lớn, thăm dò, phát triển hầm lò trước khi thu được sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra hàm lượng vàng làm ra không ổn định... Tuy nhiên, ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho rằng nguyên nhân phía Cty đưa ra thật vô lý, bởi doanh nghiệp này xuất khẩu 100% lượng vàng khai thác được. Thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp là được thu trên sản lượng vàng xuất khẩu. Thế nhưng vàng đã bán ra nước ngoài mà doanh nghiệp vẫn than không có tiền để nộp là hết sức vô lý.
Vì không đạt được “thỏa thuận” để Cục Thuế Quảng Nam xóa nợ thuế, phía Besra Việt Nam ra thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất tại hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Cụ thể, trong thông báo nêu rõ: Dưới sức ép của các biện pháp cưỡng chế thuế bao gồm việc phong tỏa tài khoản ngân hàng và vô hiệu hóa hóa đơn do Cục Thuế Quảng Nam áp dụng đối với hai Cty vàng Phước Sơn và vàng Bồng Miêu từ tháng 4-2014 đến nay, Besra Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất tại mỏ vàng Bồng Miêu vào ngày 18-7-2014 và tại mỏ vàng Phước Sơn vào ngày 22-7-2014 cho đến khi các biện pháp cưỡng chế thuế được gỡ bỏ. Theo đó, hơn 1.000 người lao động của Besra Việt Nam cũng bị tạm hoãn hợp đồng lao động...”.
Để giải quyết vấn đề trên, ngày 24-7 Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với 2 Cty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Tại đây, Cục Thuế cho rằng sẽ hoãn cưỡng chế các biện pháp thuế nếu phía Cty nộp đủ thuế phát sinh và phải trả một phần nợ cũ khi hoạt động lại. Tuy nhiên, cả 2 Cty chỉ đồng ý nộp đủ thuế phát sinh trong quá trình hoạt động chứ không chịu trả nợ thuế cũ.
Ông Đặng Văn Chương |
Chủ tịch Liên đoàn Lao động lên tiếng
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 29-7, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với ông Đặng Văn Chương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, ông Chương cho biết: “Trước đây tôi làm Phó Bí thư H. Phước Sơn nên tôi nắm tương đối rõ về quá trình hình thành, phát triển của Cty này. Ban đầu, Cty Vàng Phước Sơn chỉ xin thuê 5ha để thăm dò tại xã Phước Đức, rồi xin thuê tiếp 10ha. Nhưng sau đó Bộ TN&MT lại cấp đến 2.500ha, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh do Bộ NN&PTNT quản lý(?!). Tại sao Bộ TN&MT lại cấp chồng lấn lên diện tích rừng quốc gia như vậy? Những năm qua, tỉnh kiến nghị trả lại diện tích rừng trên giao cho địa phương quản lý nhưng không thấy T.Ư trả lời”.
Ông Chương cho biết thêm: “Cty Vàng Phước Sơn chính thức được cấp phép hoạt động năm 2012. Thế nhưng trước đó, trong quá trình thăm dò, Cty đã thuê hàng chục xe tải của Cty Tân Nhật Minh chở quặng vàng từ Phước Sơn về Bồng Miêu để tuyển lấy vàng. Tôi đi kiểm tra thực tế, người dân nhận rửa xe tải thuê chở quặng, trong quá trình rửa họ mót lấy số quặng vàng bám vào xe mà mỗi chiếc đã được khoảng 500.000 đồng rồi. Như vậy là đủ biết sản lượng vàng tại mỏ Phước Đức lớn thế nào. Khi vào hầm, tôi thấy có những vỉa quặng vàng chạy dài trong vách đá hàng trăm mét, chiều ngang cả mét. Và hơn 5 năm vận chuyển quặng để về chế biến tại Bồng Miêu, không biết bao nhiêu tấn vàng tại mỏ Phước Đức chảy vào túi ai? Sau đó chính quyền và người dân Phước Sơn không cho chuyển quặng về Bồng Miêu nữa nên đề nghị Cty Vàng Phước Sơn xây dựng nhà máy chế biến tại Phước Đức. Sau khi phía Cty xây dựng nhà máy tuyển vàng tại Phước Đức, họ tiếp tục xây dựng 3 hồ chứa để xử lý chất độc thải ra. Theo nguyên tắc, hồ cuối cùng nước chảy ra có thể nuôi cá được. Nhưng trận mưa năm ngoái bờ hồ bị bể, nước chảy xuống suối bò uống phải lăn đùng ra chết. Vậy hỏi có nguy hiểm không?”.
Các vỉa quặng vàng dày đặc trong hầm Cty Vàng Phước Sơn. |
Không nên để Cty gây sức ép
* Theo các chuyên gia, mỏ vàng Phước Sơn công suất 1.000 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 92-95%. Mỏ vàng Bồng Miêu 500 tấn quặng/ngày, tỷ lệ thu hồi vàng là 88%. Về mặt lợi nhuận của Besra Việt Nam từ khi được cấp phép khai thác hai mỏ vàng lớn nhất ở Quảng Nam cho đến nay vẫn là một bí ẩn. |
Là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, ông Chương luôn thắc mắc, đặt dấu hỏi lớn là tại sao Cty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu đóng trên địa bàn tỉnh lâu nay mà tỉnh không nắm được chính xác sản lượng vàng phía Cty khai thác được bao nhiêu. “Trước sự chất vấn của tôi, UBND tỉnh có văn bản gửi hỏi Bộ TN&MT chuyện này, nhưng Bộ nói Bộ vẫn không nắm được Cty đã vận chuyển, bán ra nước ngoài bao nhiêu tấn vàng mỗi năm”.
Cty Vàng Phước Sơn còn làm cho tổ chức Công đoàn tại Cty tê liệt, số tiền phí đến nay đã 1 tỷ đồng nhưng không đóng. “Trước đây Công đoàn của Cty Vàng Phước Sơn kết nạp được 87 đoàn viên, nhưng 3 năm trở lại đây chưa kết nạp thêm đoàn viên nào. Trong khi đó đoàn phí tính đến nay Cty đã nợ 1 tỷ đồng... Trước sự việc này, Liên đoàn Lao động H. Phước Sơn đã có văn bản kiện Cty Vàng Phước Sơn ra TAND huyện về việc không đóng đoàn phí, không nộp kinh phí theo quy định và nợ BHXH của người lao động hơn 20 tỷ đồng...”, ông Chương bức xúc.
Nói về chuyện chây ì nợ Cục Thuế hơn 300 tỷ đồng, ông Chương cho biết: “Để miễn 250 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng, Cty đã tìm cách gây sức ép lên Nhà nước. Bây giờ nợ Quảng Nam 300 tỷ đồng tiền thuế vậy mà còn tìm cách gây sức ép là không được. Lấy vàng đem bán, nghĩa vụ đã ít giờ còn gây sức ép đòi miễn thuế. Không được nhân nhượng chuyện này nữa”.
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại lâu nay tại Cty Vàng Phước Sơn, ông Chương đề nghị: Tôi đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra các vấn đề mập mờ lâu nay tại Cty này nhằm xác định lại hoạt động của Cty. Nếu Cty không chấp hành các quy định của tỉnh thì phải xử lý đúng theo pháp luật. Không lý gì Cty hoạt động trên địa bàn tỉnh mình mà mình không quản lý được.
“Mỗi lần Cty đưa ra yêu sách, mình không đáp ứng thì Cty đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc để gây áp lực. Thế là không được, không nhân nhượng nữa. Nếu cần đưa quỹ hỗ trợ thất nghiệp ra giúp người lao động. Không được xóa khoản nợ thuế đó cho Cty nữa. Không tạo tiền lệ cho Cty gây sức ép. Tôi nghi ngờ ở trong vấn đề này có lợi ích nhóm. Cty không tuân thủ các nghĩa vụ pháp luật với Nhà nước thì chính quyền tỉnh Quảng Nam có quyền đóng cửa, đề nghị Chính phủ can thiệp giải quyết chứ không nên tạo điều kiện cho Cty gây sức ép” - ông Chương kiến nghị.
(còn nữa)
Nhóm PVĐT