Đằng sau phản ứng của Hàn Quốc với dịch Ebola

Thứ ba, 04/11/2014 11:41

(Cadn.com.vn) - Quyết định gửi nhóm y tế gồm các tình nguyện viên dân sự và nhân viên y tế quân sự do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyển dụng giúp chống lại dịch Ebola bùng nổ đang tàn phá Tây Phi, không những được xem như là phản ứng tốt đối với lời kêu gọi quốc tế giúp đỡ mà còn mang đến nhiều lợi ích cho Seoul. Liệu động thái này chỉ đơn thuần nhằm mục đích nhân đạo hay còn mang động cơ chính trị nào khác?

Hàn Quốc đang nỗ lực phòng dịch Ebola. Hãng hàng không Hàn Quốc, Korean Air, vừa qua gây ra làn sóng phản đối khi thông báo ngừng các chuyến bay trực tiếp đến Sân bay quốc tế Jomo Kenyatta tại Nairobi, Kenya. Seoul cũng không mấy chào đón các nhà quan sát, các phái viên nước ngoài từ khu vực Tây Phi đến nước này. Nhưng, các cư dân ở thành phố cảng miền nam Busan đang lo sợ các biện pháp phòng ngừa của chính phủ đối với dịch Ebola là không đủ bởi thành phố sẽ tổ chức hội nghị quốc tế trong đó có khoảng 140 đại biểu đến từ các nước Tây Phi, đặc biệt là 28 người từ ổ dịch Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Hàn Quốc muốn cử nhóm y tế đến Tây Phi chống dịch Ebola.

Xây dựng hình ảnh

Nỗ lực lần này của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye được cho là nhằm xóa bỏ những lo lắng của công dân Hàn Quốc đối với dịch Ebola. Đó cũng là biện pháp hữu ích làm giảm mối lo ngại về việc các tàu Hàn Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp tại khu vực.

Việc Seoul đồng ý tham gia cuộc chiến chống Ebola không tránh khỏi những nghi vấn, đặc biệt là khi Australia không sẵn sàng làm như vậy. Theo tờ Sydney Morning Herald, Thủ tướng Australia, Tony Abbot cho biết, chính phủ Canberra sẽ không cử bác sĩ và y tá đến Tây Phi cho đến khi có thể "hoàn toàn tự tin", tất cả các rủi ro được quản lý đúng cách. Gần đây, Canberra thông báo sẽ ngưng cấp thị thực cho những người đến từ các khu vực bị ảnh hưởng trong tuần này và sẽ từ chối bất kỳ đơn xin cấp visa nào trong tương lai cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát-  động thái vấp phải những lời chỉ trích gay gắt từ Sierra Leone và Liberia.

Hàn Quốc sẽ có được lợi ích chính trị và kinh tế trong việc hỗ trợ 2 nước này. Ngoài việc thể hiện mình là công dân toàn cầu có trách nhiệm, Seoul sẽ còn được nhiều hơn nữa. Nhiều người cho rằng, có 3 yếu tố thúc đẩy sự tham gia của Hàn Quốc tại khu vực: "đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, thành lập các thị trường mới đối với hàng hóa, và tăng cường các thông tin quan trọng chứng tỏ sức mạnh toàn cầu, đặc biệt là chống lại chính sách ngoại giao của Triều Tiên".

Giành ảnh hưởng hay xoa dịu dư luận?

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mục đích sâu xa nhất trong động thái này của Hàn Quốc có lẽ là nhằm xoa dịu dư luận đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trong khu vực.

Hàn Quốc trong những năm qua ngày càng đẩy mạnh các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở Tây Phi, và gần đây bị trừng phạt vì các chính sách đánh bắt không rõ ràng trong vùng biển ở Đông Phi và ngoài khơi bờ biển Puntland. Hầu hết các chính phủ Tây Phi thiếu năng lực và nguồn lực giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, và tàu thuyền nước ngoài đang lợi dụng những hạn chế này. Hành vi của Hàn Quốc nghiêm trọng đến nỗi cuối tháng 11-2013, EU rút "thẻ vàng" đối với nước này. EU cấm 28 quốc gia thành viên nhập khẩu cá từ các tàu Hàn Quốc, hoạt động thương mại trị giá khoảng 100 triệu USD mỗi năm.

Ngoài ra, mối quan tâm của Hàn Quốc đối với Châu Phi bắt đầu từ những năm 1960-1970, khi Seoul tìm kiếm sự công nhận chính trị và cố gắng chống lại ảnh hưởng của Triều Tiên tại lục địa này. Vào thời điểm đó, Triều Tiên có 23 đại sứ quán ở châu Phi, trong khi Hàn Quốc chỉ có 10.

An Bình
(The Diplomat)