Đằng sau sự táo bạo của Israel
(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây lại làm dậy sóng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế khi tuyên bố Cao nguyên Golan - nơi Tel Aviv đang giành quyền kiểm soát trái phép của Syria - sẽ “vĩnh viễn thuộc sự kiểm soát của Israel” và nước này sẽ không bao giờ rút khỏi khu vực này.
Tuyên bố quá táo bạo và gây tranh cãi gay gắt này, được đưa ra trong một cuộc họp nội các được tổ chức lần đầu tiên tại Cao nguyên Golan, đã tạo ra sự hỗn loạn trong khu vực Trung Đông vốn chưa bao giờ yên ả. Bởi thực tế cho thấy, tuyên bố này của Tel Aviv vấp phải làn sóng chỉ trích và bác bỏ mạnh mẽ của hầu hết các cường quốc trong khu vực và trên khắp thế giới. Tất cả đều nhấn mạnh, dải đất mà Israel đang chiếm đóng là của Syria.
HĐBA LHQ ngay lập tức ra tuyên bố bác bỏ khẳng định của Thủ tướng Israel về chủ quyền vĩnh viễn đối với Cao nguyên Golan. Hội đồng gồm 15 nước thành viên nhất trí, vị thế của Cao nguyên Golan “vẫn không thay đổi”. Trong phản ứng nhanh chóng, một phát ngôn viên của Nhà Trắng tuyên bố, quan điểm của Mỹ về tình trạng của Cao nguyên Golan là không thay đổi và khẳng định, vùng lãnh thổ này không phải là một phần của Israel. Nga, Trung Quốc cũng ra tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, điều mà người ta lo ngại là cuối cùng HĐBA không đưa ra bất kỳ tuyên bố mạnh mẽ nào, chẳng hạn như kêu gọi Israel rút khỏi khu vực vốn của Syria nhưng bị Israel chiếm đóng từ năm 1967.
Israel hứng chịu chỉ trích bởi một thực tế đơn giản là Cao nguyên Golan đã bị Tel Aviv chiếm đóng trong 40 năm qua mà không được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Mặc dù cụm từ “không thay đổi” rõ ràng là từ khóa mà cộng đồng quốc tế liên tục nhấn mạnh khi nói về việc chiếm đóng Cao nguyên Golan, Israel dường như không quan tâm quá nhiều bởi họ từng có những vi phạm tương tự mà không bị trừng phạt gì. Quốc gia Do Thái này dường như không quan tâm đến những bản án, pháp luật, chính trị hoặc các vị trí ngoại giao với nhận thức, thế giới Arab không thể làm gì họ.
Những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ của Israel đối với Cao nguyên Golan có lẽ được thúc đẩy bởi tình trạng hỗn loạn tại nhiều quốc gia Arab như Syria, Iraq, Libya và Yemen. Chính phủ Israel đang nỗ lực lợi dụng tình hình chính trị và an ninh hiện nay ở khu vực Arab để làm thay đổi hiện trạng pháp lý và nhân khẩu tại khu vực chiếm đóng này.
Tuyên bố của ông Netanyahu rõ ràng cho thấy sự lo ngại của Israel về vấn đề Syria trong bối cảnh các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc chiến tại quốc gia Arab đang được thúc đẩy. Israel tất nhiên rất quan tâm đến sự hiện diện của Nga tại Syria và việc Moscow có 2 căn cứ quân sự tại các vùng lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này. Giữa tất cả điều này, Tel Aviv lo ngại, Syria có thể nghĩ đến việc khôi phục lại Cao nguyên Golan, mặc dù thực tế là Damascus có quá nhiều vấn đề trong nước. Vì vậy, mục đích chính của các tuyên bố của Israel là chấm dứt vấn đề Cao nguyên Golan và thậm chí ngăn Syria suy nghĩ về nó.
Thanh Văn