Đằng sau thỏa thuận trao đổi tù nhân Xô - Mỹ

Thứ sáu, 08/01/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Bộ phim gần đây nhất của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg có tựa đề “Bridge of Spies” (Người đàm phán) kể về câu chuyện trao đổi tù nhân trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Thỏa thuận này cho phép phi công lái máy bay do thám của Mỹ Gary Powers trở về nhà - nhưng sau đó ông phải đối mặt với điệp khúc của những lời chỉ trích.

Tai nạn bất ngờ

Gary Powers – viên phi công 30 tuổi của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dự kiến sẽ bay qua Liên Xô đến một căn cứ ở Na Uy mà không xảy ra sự cố gì.

Nhưng khi đang bay trên bầu trời thành phố Sverdlovsk của Nga, sự cố đã xảy ra. Máy bay do thám U2 của ông bị trúng tên lửa của Liên Xô. Tại phiên điều trần một ủy ban Thượng viện Mỹ năm 1962, Powers cho biết không thể tiếp cận với cơ chế tự hủy trên bảng điều khiển của máy bay. Và sau khi nhảy dù xuống đất, ông bị bắt đưa về trụ sở Cục tình báo Liên Xô (KGB).

Những gì xảy ra tiếp theo là một sự kiện quốc tế lớn. Lúc đầu, Mỹ phủ nhận Powers đang làm nhiệm vụ do thám. Washington bịa ra câu chuyện Powers đang nghiên cứu mô hình thời tiết cho Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và chỉ đơn thuần đang đi lạc. Mỹ còn cố gắng che đậy vụ việc với truyền thông bằng cách đăng hình máy bay U2 được sơn logo NASA và số serial giả. Nhưng vụ việc được làm sáng tỏ khi Moscow tiết lộ họ không chỉ bắt giữ Powers mà còn phục hồi các mảnh vỡ của máy bay, thu được thông tin về hành trình của nó trên khắp Liên Xô.

Vụ việc khiến Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình giữa hai siêu cường Chiến tranh Lạnh thất bại, và Nga rút lại lời mời Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đến thăm Moscow. Powers bị đưa ra xét xử về tội gián điệp và bị kết án 10 năm tù. Nhưng vào năm 1962, Xô-Mỹ đàm phán trao đổi tù nhân. Powers được trao đổi với sĩ quan tình báo Liên Xô, Vilyam Fisher - còn được gọi là Rudolf Abel - người chịu án 30 năm tù vì các hoạt động gián điệp chống lại Mỹ tại một trại cải tạo ở Georgia. Vụ trao đổi diễn ra trên cây cầu Glienicke nổi tiếng ở Berlin.

Powers sử dụng một mô hình máy bay U2 để giải thích trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ năm 1962. Ảnh: BBC

Không được chào đón

Liệu Powers có được chào đón sau khi trở lại Mỹ? Câu trả lời là không.

“Khi cha tôi trở về nhà, ông bị sốc khi phát hiện các bài xã luận viết về ông khi ông ở trong tù. Những bài xã luận trên báo chí Anh và Mỹ cho rằng ông đã đào thoát”, Gary Powers Junior, con trai của Powers cho biết. “Các tờ báo nói rằng ông đã hạ cánh máy bay còn nguyên vẹn và khai với Liên Xô tất cả mọi điều mình biết, hoặc đã không tuân theo mệnh lệnh và không tự sát. Tất cả đều không đúng sự thật”, Junior cho biết. Tại sao Powers không tự tử? Tại sao ông không phá hủy máy bay trước khi rơi? Nhiều cuộc tranh luận nổ ra xung quanh những câu hỏi mà các phương tiện truyền thông Mỹ đặt ra đối với Powers.

Thật ra, trong túi của Powers luôn có pin độc nhưng ông không nhận được yêu cầu phải tự sát. Và, giống như phi công U2 khác, CIA nói với Powers rằng, ông không cần che giấu thông tin về nhiệm vụ của mình nếu rơi vào tay Liên Xô. Phiên điều trần của một ủy ban Thượng viện Mỹ năm 1962 giúp Powers khôi phục hình ảnh trong mắt công chúng. Ông hoàn toàn được xóa tội và thậm chí còn nhận được 50.000 USD cho khoảng thời gian bị giam giữ ở Nga. Trong động thái bất thường, CIA thậm chí còn công bố báo cáo riêng về Powers, cho rằng, ông hành động đáng được tôn vinh và hoàn toàn phù hợp yêu cầu mà cơ quan này đưa ra.

Nhưng Powers không bao giờ có thể hoàn toàn lấy lại niềm tin của người dân. Ông qua đời vào năm 1977 trong vụ máy bay trực thăng bị rơi khi đang quay cảnh một đám cháy rừng ở Santa Barbara.

An Bình 
(Theo BBC)