Đằng sau việc Iran bắt giữ tàu chở dầu Hàn Quốc

Thứ năm, 07/01/2021 17:20

Ngày 4-1, một tàu chở dầu treo cờ Hàn Quốc với 20 thành viên trên tàu, trong đó có 5 người Hàn Quốc và 2 người Việt Nam, đã bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ ở Vùng Vịnh. IRGC cho biết đã bắt giữ tàu Hàn Quốc với lý do tàu này làm rò rỉ hóa chất, gây ô nhiễm vùng biển. Tuy nhiên, có nhiều lý do đằng sau hành động này của Tehran. 

Tàu MT Hankuk Chemi của Hàn Quốc bị Iran bắt giữ hôm 4-1.  Ảnh: AP

Tàu MT Hankuk Chemi đã bị bắt sau khi đi vào vùng biển Iran khi đang trên đường từ Arab Saudi tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng thủy thủ đoàn gồm 20 người là công dân của nhiều nước. Truyền hình quốc gia Iran cho hay tàu Hankuk Chemi đã bị nhà chức trách Iran chặn lai với cáo buộc gây "ô nhiễm dầu" trên Vùng Vịnh và Eo biển Hormuz. Tuy nhiên, DM Shipping - công ty chủ quản của tàu MT Hankuk Chemi, có trụ sở tại thành phố Đông Nam Busan, đã bác bỏ cáo buộc tàu này gây ô nhiễm vùng biển, đồng thời đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của việc bắt giữ.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã xúc tiến những nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo tàu trên được trả tự do. Nhằm đối phó với căng thẳng gia tăng sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu MT Hankuk Chemi, đơn vị chống cướp biển của Hàn Quốc đã được triển khai và bắt đầu hoạt động tại Eo biển Hormuz,

Ngày 6-1, Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang xác minh các sự việc liên quan đến việc Iran bắt giữ tàu Hankuk Chemi để xem liệu động thái này của Tehran có dựa trên cơ sở hợp pháp hay không. Trong báo cáo gửi lên Quốc hội, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đang xác minh về việc con tàu này đang đi trong vùng biển quốc tế hay vùng lãnh hải của Iran, và liệu hành động bắt giữ này có được thực hiện theo cơ sở luật pháp quốc tế hay không.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hai bên đã đồng ý giải quyết vấn đề bằng ngoại giao và Hàn Quốc sẽ cử một phái đoàn tới Iran để đàm phán với Tehran. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran cho biết không có thỏa thuận với Hàn Quốc về chuyến thăm của đoàn và kêu gọi Seoul "giải quyết vấn đề kỹ thuật này một cách hợp lý và có trách nhiệm”. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục tham vấn với Iran về vấn đề này để phái đoàn có thể đến hiện trường sớm nhất.

Vì 7 tỷ USD?

Căng thẳng giữa Iran và Hàn Quốc xảy ra sau khi các khoản tiền của Iran bị đóng băng trong ngân hàng Hàn Quốc theo lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo Sky News, hành động bắt giữ tàu Hàn Quốc là phản ứng của nước này khi đang chịu sức ép. Do đó, động cơ thực sự của vụ Iran bắt giữ tàu Hàn Quốc là muốn phản ứng khi 7 tỷ USD tiền của Tehran bị Seoul đóng băng. Tehran cho biết mình cần số tiền này để mua trang thiết bị và vaccine nhằm đối phó với Covid-19. Trong những tháng gần đây, Iran đã tìm cách thuyết phục Hàn Quốc chấm dứt đóng băng số tiền trên, nhưng không thành công.

Thời điểm bắt giữ tàu Hàn Quốc cũng không phải tình cờ khi Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun có kế hoạch thăm Tehran trong ngày 9-1 tới để đàm phán về khoản tiền 7 tỷ USD. Do đó, động thái này có thể sẽ làm củng cố vị thế của Iran khi đàm phán.

Tuy nhiên, Iran bác bỏ cáo buộc sử dụng tàu chở dầu Hankuk Chemi và 20 thành viên thủy thủ đoàn bắt giữ trước đó để làm con tin. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Chính phủ Iran Ali Rabiei cáo buộc Hàn Quốc đóng băng hàng tỷ USD tiền và từ chối chuyển cho Iran với lý do tuân thủ theo lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Tehran, song khẳng định điều này không liên quan tới việc Iran bắt tàu của Hàn Quốc.

Răn đe Mỹ?

Vụ bắt giữ xảy ra trong bối cảnh Iran và Mỹ đang rơi vào giai đoạn căng thẳng khác. Mỹ không ngừng tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Ngoài ra, máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã được cử tới khu vực. Tàu sân bay USS Nimitz sẽ ở lại Vùng Vịnh lâu hơn, trái với kế hoạch ban đầu là rút về để tỏ dấu hiệu giảm căng thẳng.

Trong khi đó, Iran tuyên bố nước này đã nối lại hoạt động làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân Fordow. Trước đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 1-1 cho biết, Iran đã thông báo với IAEA về kế hoạch sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, vượt xa ngưỡng cam kết theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với các cường quốc năm 2015. Cấp độ này cho thấy Iran đang đẩy nhanh quá trình tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân, điều Tehran luôn cương quyết bác bỏ.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tìm cách ngăn chặn Tổng thống đắc cử Joe Biden xem xét lại thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ đã rút khỏi, động thái của Iran được cho là nhằm răn đe Mỹ. Như vậy, một lần nữa Iran và Mỹ lại đang ở trong tình huống “miệng hố chiến tranh”: một bên là một tổng thống sắp mãn nhiệm, sẵn sàng làm nhiều điều trước khi rời Nhà Trắng; và một bên là những người theo đường lối cứng rắn ở Iran muốn có động thái trước khi ông Biden lên nắm quyền. Động thái bắt giữ tàu Hàn Quốc chỉ là lời nhắc nhở tương đối nhẹ nhàng về ảnh hưởng tiềm tàng của Iran với tàu thuyền ở Vùng Vịnh.

AN BÌNH

Ngày 5-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin tàu Hankuk Chemi của Hàn Quốc cùng 20 thuyền viên, trong đó có 2 thuyền viên Việt Nam bị phía Iran bắt giữ, Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Đại sứ quán Hàn Quốc và Đại sứ quán Iran tại Hà Nội. Đồng thời, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc và Iran đã chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, công ty chủ tàu Hankuk Chemi để xác minh thông tin, yêu cầu đảm bảo an toàn cho các thuyền viên Việt Nam và đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc. Bộ Ngoại giao cũng liên hệ với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải để xác minh nhân thân các thuyền viên, yêu cầu các công ty phái cử đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Iran và Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc và sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, bảo vệ quyền và lợi ích của các thuyền viên Việt Nam.