Đằng sau việc Triều Tiên muốn Mỹ thay đổi đội ngũ đàm phán

Thứ bảy, 20/04/2019 11:53

Dù quan chức Triều Tiên này không nói rõ đó là nhận xét gì, giới phân tích cho rằng, ông dường như đề cập đến việc ngoại trưởng Mỹ nhất trí cho rằng, ông Kim Jong-un là “một nhà lãnh đạo độc tài” tại một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ hồi tuần trước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong lần đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng.   Ảnh: CNN

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 18-4 đưa tin về việc Bình Nhưỡng đã thẳng thắn nói không còn muốn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân và đề nghị Washington cử ai đó “cẩn thận và chín chắn hơn trong giao tiếp” thay thế vị thủ lĩnh ngoại giao của họ.

Động thái này của Bình Nhưỡng được đưa ra đúng thời điểm nước này tuyên bố thử vũ khí mới, làm dấy lên nhiều lo ngại cho bàn đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều trong tương lai cũng như bùng nổ nhiều câu hỏi đằng sau việc Triều Tiên muốn Mỹ thay đổi đội ngũ đàm phán.

Bất cẩn trong lời nói...

Và lý do mà Triều Tiên đưa ra là do ông Pompeo không hiểu lập trường của Bình Nhưỡng và khiến cho quá trình đàm phán rơi vào bế tắc.

KCNA dẫn lời Tổng giám đốc phụ trách các vấn đề về Mỹ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong-gun nói rằng, nếu ông Pompeo tiếp tục dẫn dắt đoàn đàm phán phía Mỹ quá trình đàm phán sẽ tiếp tục rối ren, không lối thoát và không thể đạt kết quả gì ngay cả khi đã gần tới đích. “Không ai có thể đoán trước tình hình trên bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ không từ bỏ “nguyên nhân sâu xa” buộc Bình Nhưỡng phải phát triển chương trình hạt nhân”, ông Kwon Jong-gun nói nhưng không tiết lộ thêm chi biết. Mặc dù ông Kwon không nói rõ lý do tại sao Triều Tiên cảm thấy bắt buộc phải phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng từ lâu họ đã nói về sự cần thiết phải tự bảo vệ mình khỏi những gì họ xem là “sự xâm lược của Mỹ”.

Ông Kwon cũng nói về việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều có mối quan hệ tốt, ngay cả khi ông chỉ trích ngoại trưởng Pompeo về “những câu chuyện bịa đặt” như là một phần của một “trò quảng cáo”. Ông Kwon cho biết, ông Pompeo đưa ra những nhận xét thiếu thận trọng làm tổn hại đến phẩm giá của lãnh đạo tối cao của chúng tôi. “Tôi sợ rằng, nếu ông Pompeo lại tham gia vào đàm phán, bàn đàm phán sẽ một lần nữa ồn ào, và cuộc đàm phán sẽ lại rối lên”, ông Kwon nói và nhấn mạnh: “Bởi vậy, ngay cả trong trường hợp có nối lại đối thoại với Mỹ, thì tôi mong là đối tác của chúng tôi sẽ không phải là ông Pompeo mà là một người khác cẩn trọng và chín chắn hơn trong các trao đổi với chúng tôi”.

...về ông Kim Jong-un?

Dù ông Kwon không nói rõ đó là gì, giới phân tích cho rằng, vị quan chức Triều Triên này dường như đề cập đến việc Ngoại trưởng Pompeo từng cho rằng, ông Kim Jong-un là “một nhà lãnh đạo độc tài” tại một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ. “Tôi chắc chắn từng nói như vậy”, Ngoại trưởng Pompeo trả lời như vậy trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ  khi được hỏi rằng liệu ông có mô tả lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “bạo chúa” giống việc từng cáo buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hay không.

Bình Nhưỡng từ lâu xem ông Pompeo và ông Bolton là những người thúc đẩy mục tiêu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt - cách tiếp cận khiến đàm phán giữa hai bên rơi vào bế tắc. Hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nói rằng, đổ vỡ trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ - Triều có nguy cơ làm bùng phát căng thẳng và ông đã đưa ra thời hạn cuối năm nay để Washington thay đổi thái độ.

Sau khi ông Kim ra thời hạn trên, ông Pompeo nói nhà lãnh đạo Triều Tiên đã hứa rằng, Bình Nhưỡng sẽ phi hạt nhân hóa và “chúng tôi đang hợp tác với Triều Tiên để vạch ra con đường đi đến mục tiêu đó”. “Ông ấy nói muốn hoàn tất việc đó trước cuối năm nay. Tôi muốn xong sớm hơn”, ông Pompeo nói. Tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng cáo buộc ông Pompeo chỉ “nói bừa” khi cho rằng, cuộc đàm phán ở cấp công tác giữa hai nước sẽ hoàn tất trong năm nay.

KHẢ ANH