Đằng sau vụ Đại sứ quán Mỹ giả tại Ghana
(Cadn.com.vn) - Một băng đảng có tổ chức tại Ghana đã điều hành một Đại sứ quán Mỹ giả cấp thị thực cho người dân địa phương với giá 6.000 USD trong “khoảng một thập kỷ qua”. Làm thế nào mà sự việc tưởng như đùa này lại không bị phát hiện?
Đường dây khép kín
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhóm tội phạm có tổ chức người Ghana và Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hành Đại sứ quán giả này mà không hề “bị ngăn cản... trong khoảng một thập kỷ”. Đây là tòa nhà 2 tầng màu hồng cũ kỹ, có treo cờ Mỹ và chân dung Tổng thống Barack Obama. Tòa nhà nhìn khác xa Đại sứ quán thật- một tòa nhà sang trọng kiên cố tọa lạc ở khu vực đắt đỏ nhất thủ đô Accra.
Nhà báo Sammy Darko giải thích, hầu hết người dân địa phương chưa từng đến một Đại sứ quán nào nên không biết mình bị lừa. “Họ thấy những người da trắng ở đó và cho rằng đó là Đại sứ quán Mỹ”, ông Darko cho biết.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Đại sứ quán giả không tiếp nhận yêu cầu xin thị thực của những người tự đến đây, mà thay vào đó, chúng đến những vùng xa xôi nhất của Tây Phi, gồm cả Ghana, Bờ Biển Ngà và Togo để tìm khách hàng. Dịch vụ làm thị thực này cũng được quảng cáo thông qua các tờ rơi. Khi tìm được khách, chúng sẽ đưa họ đến Accra, và thuê phòng khách sạn cho họ. Đường dây của nhóm tội phạm này sẽ đưa đón các nạn nhân đến và đi khỏi Đại sứ quán giả”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, những tên tội phạm này có thể đút tiền cho các quan chức tham nhũng “để qua mắt họ”.
Tòa nhà cũ kỹ (trái), nơi bọn tội phạm sử dụng làm Đại sứ quán giả, quá khác biệt so với Đại sứ quán thật. Ảnh: BBC |
Bắt giữ?
Bộ Ngoại giao Mỹ không nói rõ về điều này, chỉ cho biết “khi các lực lượng đặc nhiệm tiến hành các cuộc tấn công, họ bắt giữ một số nghi phạm”. Hôm 2-11, họ cho biết “một số kẻ tình nghi vẫn chưa bị bắt” và cảnh sát Ghana đang truy lùng chúng. Bộ Ngoại giao cho biết đang điều tra và tìm kiếm nhóm tội phạm có tổ chức người Thổ Nhĩ Kỳ. Khi tấn công vào tòa nhà Đại sứ quán giả, các quan chức tìm thấy 150 hộ chiếu từ 10 quốc gia.
Các vụ bắt giữ diễn ra từ tháng 6. Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tin tức về vụ việc hôm 2-11 nhưng hơn một tháng sau đó, vụ việc mới được công bố rộng rãi. Theo Bộ Ngoại giao, một người cung cấp tin báo cho các nhà điều tra về Đại sứ quán Mỹ giả này và một Đại sứ quán Hà Lan giả khác, song chính phủ Hà Lan chưa lên tiếng về thông tin này.
Cấp thị thực?
Đại sứ quán giả này cung cấp cho khách hàng “cả thị thực giả lẫn thị thực hợp pháp”, giấy tờ tùy thân giả (gồm cả hồ sơ ngân hàng, hồ sơ giáo dục, giấy khai sinh...). Các “nhân viên” Đại sứ quán giả chi đậm cho các quan chức tham nhũng để có được tài liệu và giấy tờ hợp pháp chưa được điền thông tin để có thể chỉnh sửa.
Hiện chưa rõ liệu các nạn nhân có biết đây là Đại sứ quán giả hay không. Nhưng dù có biết, họ vẫn làm bởi đến Mỹ là một mơ ước lớn đối với nhiều người Ghana. Họ tin sẽ có cuộc sống tốt hơn khi ở đó. Ngoài ra, những người bị Đại sứ quán thật từ chối cấp thị thực có thể tìm đến những kẻ lừa đảo này.
Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người có được thị thực giả và đến sống tại Mỹ trong cả thập niên qua và cũng không rõ liệu các nhà chức trách Mỹ sẽ có hành động chống lại họ hay không.
An Bình
(Theo BBC)