Đằng sau vụ ngưng hợp đồng mua Boeing của Brazil

Thứ năm, 26/12/2013 10:50

(Cadn.com.vn) - Trong nhiều năm qua, Brazil luôn do dự trong việc chọn đối tác cung cấp các máy bay chiến đấu trị giá 4 tỷ USD, một trong những hợp đồng mà bất kỳ Cty nào cũng mong muốn có được.

Giao dịch quốc phòng này cũng sẽ giúp xác định liên minh chiến lược của đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Dilma Rousseff quyết định chọn tập đoàn Saab của Thụy Điển, quyết định gây bất ngờ lớn bởi trước đó, hợp đồng béo bở này được Boeing của Mỹ nắm giữ.

Tổng thống Dilma Rousseff, người được cho là khá cách biệt với các nhà lãnh đạo nước ngoài ban đầu chọn Tập đoàn Boeing của Mỹ làm đối tác cung cấp máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet. Nhưng một sự cố đã xảy ra. Đó là Edward Snowden.

Do bê bối nghe lén

Những tài liệu mật của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) do cựu nhân viên tình báo này công bố “giúp” chấm dứt kế hoạch của bà Rousseff. Bà khiến các nhà quốc phòng và ngoại giao thế giới ngạc nhiên bằng cách chọn Tập đoàn Saab của Thụy Điển cung cấp các máy bay chiến đấu. Quyết định này là một trong những hậu quả lớn nhất và đắt giá nhất mà NSA gây ra.

Tức giận với hoạt động do thám của NSA không phải là lý do duy nhất dẫn đến quyết định của bà Rousseff. Saab đề nghị mức giá tốt hơn, cam kết chuyển giao công nghệ cho các Cty Brazil và có chi phí bảo trì thấp so với hai ứng viên khác, Boeing và Dassault Aviation của Pháp.

Nhưng rõ ràng, những tài liệu của NSA là yếu tố quyết định hành động của bà Rousseff, vì cả lý do chính trị và cá nhân sâu sắc. Theo tài liệu của Snowden, Washington do thám thông tin liên lạc cá nhân của bà Rousseff, Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras và cả công dân Brazil.

Bà Rousseff phản ứng bằng cách hủy bỏ chuyến thăm Nhà Trắng, bất chấp những nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình của Tổng thống Mỹ Obama.

Brazil quyết định mua máy bay của Tập đoàn Saab của Thụy Điển thay vì Beoing của Mỹ.
Ảnh: Getty Images

Một thập kỷ chọn lựa

Theo kế hoạch, quyết định cuối cùng về hợp đồng máy bay phản lực sẽ được đưa ra vào năm tới, vì vậy các Cty đấu thầu rất ngạc nhiên khi nó được công bố sớm.

Tại thời điểm khi Washington và các nước Châu Âu đang thắt chặt ngân sách quốc phòng, hợp đồng này được coi là một giải thưởng đặc biệt hấp dẫn. Đối với các nhà ngoại giao Pháp, Mỹ và Thụy Điển tại Brasilia, thúc đẩy hợp đồng này luôn là chương trình nghị sự hàng đầu của họ trong hơn một thập kỷ qua. Năm 2009, người tiền nhiệm của bà Rousseff, Lula da Silva cho biết, Brazil sẽ chọn máy bay chiến đấu Rafale của Dassault. Nhưng cuộc đàm phán về giá cả và chuyển giao công nghệ - vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Brazil, vì nước này muốn gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của mình bằng cách xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng tự lập-khiến thỏa thuận không có kết quả.

Một thời gian ngắn sau khi bà Rousseff nhậm chức vào tháng 1-2011, Thượng nghị sĩ John McCain đến Brasilia, thuyết phục bà Rousseff về F/A-18, cho rằng nó là loại máy bay phản lực tốt nhất. Boeing cũng cam kết sẽ thúc đẩy chuyển giao bí quyết công nghệ cho Brazil. Và bà Rousseff xem Mỹ như một đối tác thương mại có thể giúp Brazil. Các nhà ngoại giao Mỹ cũng vui mừng không kém bởi có thể ký kết thỏa thuận chiến lược với một cường quốc đang lên.

Nhiều người thậm chí còn kỳ vọng bà Rousseff sẽ công bố lựa chọn Boeing trong chuyến thăm chính thức tới Washington vào tháng 10. Nhưng chuyến đi bị hủy bỏ.

Đổ vỡ tất cả

Sự lạc quan mờ dần chỉ trong 5 tuần sau đó, khi các tài liệu NSA liên quan đến Brazil được công bố. Sau đó, vào ngày 1-9, khi một báo cáo cho biết bà Rousseff cũng là một mục tiêu do thám, cổ phiếu Boeing lập tức sụt giảm nghiêm trọng.

Bà Rousseff yêu cầu một lời xin lỗi từ ông Obama, một tia hy vọng mong manh nhằm xoa dịu tình hình, nhưng thay vào đó, ông Obama chỉ nói rằng, ông sẽ xem xét lại các thông tin tình báo Mỹ thu thập.

Quá tức giận, bà Rousseff ngày 17-9 thông báo hủy bỏ chuyến thăm nhà nước tới Washington. Trong khi đó, thời hạn để bà Rousseff đưa ra quyết định mua máy bay của ai là trước cuối năm 2013. Vì vậy, bà quyết định chọn Saab. Boeing bị hất cẳng, Rafale có giá quá đắt, nên Gripen được chọn. Nhiều nhà phân tích quốc phòng cho rằng, đó là sự lựa chọn đúng đắn.

An Bình

(Theo Reuters)