Đằng sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Thứ bảy, 27/07/2019 11:29

Reuters ngày 26-7 dẫn lời các nhà phân tích cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ trích Hàn Quốc đầy phẫn nộ khi ông giám sát vụ phóng tên lửa mới nhất hôm 25-7, vụ việc vốn đặt ra những câu hỏi mới về vai trò của Seoul trong nỗ lực làm trung gian thỏa thuận hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng tên lửa mới nhất là “lời cảnh báo nghiêm khắc” đối với Hàn Quốc.   Ảnh: AFP

Trong một tuyên bố hôm 26-7, Triều Tiên đã nói rằng, vụ phóng “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới” của Chủ tịch Kim Jong-un là “lời cảnh báo nghiêm khắc” đối với những kẻ hiếu chiến” Hàn Quốc trong bối cảnh Seoul tiếp tục tập trận quân sự thường niên với Mỹ bất chấp cảnh báo của Bình Nhưỡng.

Bình Nhưỡng bất mãn điều gì?

Sau vụ thử tên lửa bất ngờ hôm 25-7, Triều Tiên ngày 26-7 lại đe dọa sẽ đáp trả “không thương tiếc” bất kỳ cuộc tấn công nào của kẻ thù, trước thềm lễ kỷ niệm 66 năm ngày ký kết Hiệp định đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Phát biểu trong cuộc họp được Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên phát sóng, ông Kim nhấn mạnh: “Chúng ta phải mở các cuộc tấn công không thương tiếc để nghiền nát những kẻ dám xâm chiếm dù chỉ 0,001mm vùng trời, vùng đất và biển đảo thiêng liêng của chúng ta”. Ông Kim cũng khẳng định Bình Nhưỡng sẽ giữ vững tinh thần tự lực của đất nước trước các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan các vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này. Hiệp định đình chiến được ký ngày 27-7-1953, khiến hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, Triều Tiên coi ngày này (27-7) là Ngày Chiến thắng.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ Bình Nhưỡng bất ngờ lớn giọng như vậy có thể là do bất mãn với việc Mỹ - Hàn vẫn tiếp tục tập trận quân sự thường niên, mà Triều Tiên cáo buộc là hành động chiến tranh nhằm vào họ. “Hành động phóng tên lửa của Bình Nhưỡng là động thái phản ứng trực tiếp với các cuộc tập trận Mỹ - Hàn dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới”, một chuyên gia nói. Được biết, cả Washington và Seoul đều không từ bỏ kế hoạch này mặc quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra.

Trong khi đó, Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc dẫn nguồn The Washington Post của Mỹ viện dẫn phân tích của các chuyên gia Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết, có khả năng Triều Tiên đã sản xuất thêm được 12 vũ khí hạt nhân kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore năm 2018.

Cơ hội nào cho đàm phán Mỹ-Triều?

Trong cuộc gặp ngẫu hứng tại khu vực biên giới liên Triều hôm 30-6, lãnh đạo Mỹ- Triều nhất trí nối lại đàm phán cấp chuyên viên. Cả Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều tuyên bố đàm phán sẽ được khởi động lại vào giữa tháng 7 này. Nhưng hồi tuần trước Triều Tiên cảnh báo đàm phán sẽ tùy thuộc vào việc Seoul và Washington có tập trận chung dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới hay không.

Và sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, các chuyên gia Mỹ bi quan về khả năng nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa này. Chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Triều Tiên của Trung tâm Lợi ích Quốc gia nhấn mạnh, ông không nhận thấy bất cứ con đường khả thi nào dẫn tới các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai gần. Theo ông, trên thực tế, Bình Nhưỡng có thể thử nhiều tên lửa hơn trước khi các cuộc tập trận bắt đầu và thậm chí nhiều hơn nữa sau khi các cuộc tập trận kết thúc.

Bất chấp những đám mây u ám này, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ hy vọng đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên sẽ được nối lại trong vài tuần tới. Ông Pompeo nhấn mạnh: “Mọi người đều cố gắng sẵn sàng đàm phán và tạo đòn bẩy cũng như rủi ro cho phía bên kia. Chúng tôi tin rằng có con đường ngoại giao phía trước, một giải pháp có thể thương lượng được cho vấn đề này”.

KHẢ ANH