Đằng sau vụ sa thải Cục trưởng tình báo Algeria

Thứ hai, 21/09/2015 10:23

(Cadn.com.vn) - Việc Cục trưởng Cục tình báo quân đội (DRS) Mohamed Mediene bị sa thải là một trong những động thái chính trị nổi bật nhất gần đây ở quốc gia Bắc Phi Algeria.

Được biết đến với bí danh “tướng Toufik”, ông Mediene, 76 tuổi, được cho là một trong những lãnh đạo tình báo phục vụ lâu đời nhất trên thế giới. Được Tình báo Liên Xô (KGB) đào tạo trong những năm 1960, tướng Toufik lãnh đạo DRS trong 25 năm qua. Điều này khiến cho 16 năm lãnh đạo của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika là quá “nhạt” so với tướng Toufik. Hiện chưa rõ vị tướng bị sa thải hay phải “nghỉ hưu”, nhưng đây được xem là động thái mới nhất nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của ông - một trong những nhân vật bí ẩn và quyền lực nhất ở Algeria, trên chính trường nước này.

Cuộc chiến chống khủng bố

Tướng Toufik trở thành người đứng đầu DRS vào năm 1992 sau khi một đảng Hồi giáo giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử nhưng bị quân đội bác bỏ. Hoạt động tình báo đóng vai trò hàng đầu trong cuộc nội chiến sau đó vốn khiến hơn 150.000 người thiệt mạng.

DRS, giống như các cơ quan tình báo khác ở các nước láng giềng Bắc Phi và Trung Đông, nổi tiếng là cơ quan có uy tín. Các giám đốc cơ quan tình báo thường không phải là một nhân vật bí mật, nhưng có lẽ không giống như lãnh đạo tình báo khác trong khu vực, mức độ ảnh hưởng của tướng Toufik và quyền lực của ông ở Algeria đạt đến mức độ gần như thần thoại.

Ông hầu như chưa hề xuất hiện trên báo chí và chỉ những lãnh đạo hàng đầu đất nước mới đích thân gặp hay nói chuyện với ông. Điều này khiến ông càng trở nên bí ẩn và đầy quyền lực. Một nhà quan sát từng châm biếm trên Twitter: “Bouteflika đã sa thải Toufik, người không bao giờ xuất hiện ở nơi công cộng”.

Báo chí Algeria đăng tin tướng Toufik bị sa thải. Ảnh: BBC

Chiến dịch thanh trừng

Vì sao ông tướng Toufik bị sa thải? Hiện đang xảy ra cuộc thanh trừng dần các lãnh đạo an ninh ưu tú của đất nước trong hơn 2 năm qua. Nhiều tướng lĩnh cao cấp nhất của DRS đã bị sa thải, bị bắt hoặc “bị thay thế” trong những tháng gần đây. Thay thế vị trí tướng Toufik là thiếu tướng Athmane Tartag, người được xem là đồng minh thân cận của Tổng thống Bouteflika và từng là cố vấn an ninh của ông trong năm qua.

Các quan sát viên cho rằng, việc sa thải lãnh đạo DRS có liên quan đến tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay tại Algeria: Điều gì sẽ xảy ra sau khi Tổng thống Bouteflika qua đời? Để có được quá trình chuyển quyền lực êm xuôi, những trở ngại tiềm năng phải được gỡ bỏ. Thay thế một thế hệ các nhân vật quân sự và tình báo “bị chính trị hóa” từ thời nội chiến sẽ là chìa khóa để thực hiện điều này. Tuy nhiên, có người cho rằng, các vụ sa thải gần đây là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm “làm suy yếu quân đội” đất nước bằng cách hạn chế quyền lực tuyệt đối của các cơ quan an ninh. Tuy nhiên, lịch sử của Algeria, trong đó quân đội ở vị trí trung tâm, cho thấy đây là một điều rất khó để thực hiện.

Cũng có tin cho rằng, tướng Toufik phản đối quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 vào tháng 4-2014 của Tổng thống Bouteflika mặc dù ông Toufik chưa từng công khai bày tỏ quan điểm của mình.

Tạo ra các cuộc đối đầu nguy hiểm

Nhiều người lo lắng về những thay đổi này vì cho rằng, nó đang mở đường cho việc tập trung quyền lực hơn nữa vào tay của một số người. “Những động thái gần đây có thể tạo ra các cuộc đối đầu nguy hiểm trong nước”, một chuyên gia nhận định.

Theo ông, nó sẽ phá vỡ sự cân bằng quyền lực tinh tế ở Algeria, vốn tồn tại giữa tổng thống, quân đội và cơ quan tình báo từ xưa tới nay. Ông Meddi cho rằng, những động thái mới nhất có thể tạo ra một tổng thống bị các nhà tài phiệt hoặc các đồng minh nước ngoài kiểm soát, chẳng hạn như chính quyền thực dân Pháp trước đây, một viễn cảnh vẫn còn nhạy cảm tại Algeria.

An Bình
(Theo BBC)