Đằng sau vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước: Nỗi đau và tình người xa xứ
(Cadn.com.vn) - 10 ngày trôi qua sau vụ thảm sát kinh hoàng, chúng tôi về Bình Phước trong một chiều mưa, vẫn nghe râm ran dư âm câu chuyện đau lòng. Anh Trần Công Cảnh, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng tại Bình Phước đưa chúng tôi đến thắp nhang cho các nạn nhân nhưng đã muộn vì tất cả bàn thờ 6 nạn nhân đều được gia đình đưa về chùa Thiên Hòa -Thủ Dầu Một - Bình Dương. “Làm sao gia đình tôi chịu nổi khi hàng ngày nhìn 6 di ảnh người thân thương ruột thịt đang mới đây cùng quây quần, ấm áp lại ra đi một cách oan nghiệt quá, nên phải đưa các con, các cháu về chùa!”-ông Nguyễn Dinh, cha của nạn nhân Nguyễn Ánh Nga thốt lên đau đớn.
Ông Nguyễn Dinh, cha của nạn nhân Nguyễn Ánh Nga. |
Cố nén nỗi đau tột cùng, ông kể cho chúng tôi nghe về quãng đời ly hương của mình. Năm 17 tuổi, ông rời quê hương Phước Kiều, Điện Phong, Điện Bàn (Quảng Nam) để vào Nam, nhưng vừa đến Tam Kỳ bị bắt quân dịch. Từ đây, cuộc sống đã đẩy đưa ông qua nhiều ngã rẽ, rồi ông giải ngũ về sống ở Nha Trang và lập gia đình. Năm 1976 ông dắt díu gia đình vào sống tại làng Dệt Bảy Hiền với cộng đồng người Quảng Nam. Thời gian sau ông lên vùng đất Hớn Quản, Chơn Thành làm nương rẫy và gắn bó với vùng đất hoang hóa này. Sau chiến tranh, ông còn làm nhiều nghề, từ làm nương rẫy, đến cắt tóc, mua ve chai nhưng vẫn không đủ nuôi sống gia đình với 7 đứa con nheo nhóc. Ông nói: “Cuộc đời tôi cực khổ lắm nhưng bằng bản tính cần cù chịu thương, chịu khó của người xứ Quảng, từ từ tôi đã nỗ lực gầy dựng lên cơ nghiệp. Đến nay gia đình có nhiều xưởng gỗ, cửa hàng vật liệu xây dựng, siêu thị Nguyễn Dinh... Tôi chỉ mới bớt nhọc nhằn và sung sướng được vài ba tháng đây thôi. Tôi cũng mới về lại quê hương Xuyên Châu, Duy Trinh làm mồ mả ông bà, tổ tiên. Hằng năm, tôi cũng hay về nhang khói cho ông bà nội tôi ở chợ Tân Lập, Thanh Khê (Đà Nẵng). Tôi muốn khi qua đời sẽ về yên nghỉ tại quê nhà nhưng không được nữa rồi, vợ tôi bệnh nặng và con cháu mới mất”.
Tuy xa quê đã lâu nhưng gia đình ông Dinh vẫn giữ cốt cách của người Quảng, nhất là có truyền thống hiếu học, con cháu thành đạt. Ông bảo, tài sản giao hết lại cho các con cháu, còn ông về lại với mái tranh vách đất như ngày xưa. Nói rồi ông đưa chúng tôi đến thăm căn nhà tranh vách đất của ông nằm sâu trong Quốc lộ 14, sát bên xưởng gỗ của con gái. “Tôi sống tha phương nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng nhớ về quê Cha đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn nên tôi làm mái nhà tranh xưa để lưu giữ hồn quê...”. Bên hiên nhà có hàng cau che bóng, bé Na người duy nhất còn sống sót sau vụ thảm sát, đang nằm ngủ say sưa trên võng, bên sự chăm sóc của người dì. Lòng ai nấy rộn lên niềm thương cảm khi nhìn cháu bé quá ngây thơ chưa biết gì về một đại họa vừa đi qua trong đời mình.
Chúng tôi ghé vào nghĩa trang Chánh Phú Hòa, một khuôn viên rộng lớn với nhiều ngôi mộ được xây dựng khá công phu, được phân theo từng lô của từng dòng tộc gia đình. Trước khu mộ Lê-Nguyễn đã được gia đình anh Mỹ, chị Nga xây dựng từ năm 2012, 6 nấm mồ vẫn còn vương những cành hoa, lặng lẽ, u buồn.
Ông Trần Công Cảnh, Chủ tịch Hội đồng hương QN-ĐN tại Bình Phước và ông Nguyễn Dinh. |
Anh Lê Công Trí, người gốc Điện Bàn đang phụ trách đồng hương QN-ĐN ở các huyện Hớn Quản, Chơn Thành cho biết: “Khi nghe tin gia đình anh Nguyễn Dinh bị nạn, ai nấy bàng hoàng, xót thương. Nhận tin báo, anh Trần Công Cảnh đang ở Mỹ cũng điện về căn dặn đồng hương chúng tôi lo thăm viếng gia đình các nạn nhân thật chu đáo. Sau đó anh Cảnh cũng về kịp ngày đưa tang các nạn nhân. Anh tâm sự: “Tình cảm của bà con QN-ĐN rất gắn bó, mỗi khi có gia đình nào gặp hoạn nạn, chúng tôi cũng đều chung sức giúp đỡ, sẻ chia để gia đình vượt qua khó khăn, lúc đau buồn hay khi làm ăn thất bại”. Theo anh Cảnh, hiện có khoảng 3.500 hộ gia đình gốc QN-ĐN vào sinh sống và lập nghiệp trên quê hương Bình Phước, chủ yếu sống bằng nông nghiệp và làm các dịch vụ. Bà con làm ăn khấm khá, luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng cuộc sống mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương. Và dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào họ vẫn giữ gìn cốt cách của người QN-ĐN, nhất là truyền thống hiếu học và cần cù, chịu thương chịu khó làm ăn. Riêng anh Trần Công Cảnh cũng đã hỗ trợ 2,5 tỷ đồng xây dựng ngôi trường tiểu học mang tên Trần Cao Vân trên quê hương Hớn Quản và đang chuẩn bị kinh phí khoảng 500 triệu để thực hiện các chương trình khuyến học khuyến tài năm học tới.
Trở lại câu chuyện đau lòng của gia đình ông Nguyễn Dinh, anh Cảnh nói rằng nỗi đau này quá lớn. Cộng đồng bà con QN- ĐN tại Bình Phước sẽ động viên anh Dinh tham gia vào các hoạt động chung để một phần nào vơi đi nỗi xót thương của gia đình.
Mai Phúc