Đánh án giữa đại dịch

Thứ bảy, 12/02/2022 16:35

Trong quá trình đánh án, ngoài triển khai nghiệp vụ để đấu tranh với tội phạm gian manh, lực lượng Cảnh sát Hình sự (CSHS) còn phải triển khai thêm “nghiệp vụ” ngoài chuyên môn, đó là… chống dịch. Đây là điều chưa từng có tiền lệ, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cao hơn. Tuy nhiên, với quyết tâm và ứng phó linh hoạt, CSHS Đà Nẵng đã triệt phá được nhiều vụ án lớn, tạo dấu ấn đậm nét.

“ Năm 2021 dù đại dịch diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt tại Đà Nẵng nhưng lực lượng CSHS đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, vừa phối hợp làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện hiệu quả công tác tấn công, trấn áp tội phạm, đạt nhiều kết quả quan trọng."

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng

Đối tượng lừa đảo người dân đi xuất khẩu lao động “chui” tại Hàn Quốc rồi bỏ rơi ở Đà Nẵng bị bắt giữ.

Nghiệp vụ “kép”

Trở về từ Hà Nội sau chuyến công tác bắt giữ 2 đối tượng lừa đảo, Thượng tá Trần Quang Minh - Phó phòng CSHS đến thẳng khu cách ly thay vì về nhà hay đơn vị như thường lệ. Đấy là “nghiệp vụ” phát sinh trong bối cảnh mới. Hai đối tượng mà Thượng tá Minh cùng đồng đội di lý về Đà Nẵng là Đinh Hồng Quang (1979) và Vũ Đức Minh (1982) đều trú Hà Nội, lừa đảo hàng trăm người với chiêu trò đi xuất khẩu lao động “chui” tại Hàn Quốc. Chúng sử dụng chứng minh thư giả, tên giả, lên mạng xã hội dụ dỗ người dân chiếm đoạt số tiền khoảng 1,8 tỷ đồng, sau đó bỏ rơi nạn nhân tại Đà Nẵng, trở về Hà Nội lẩn trốn trong vỏ bọc kín kẽ. Quá trình truy lùng, bắt giữ chúng vốn đã khó khăn, trong điều kiện dịch bệnh càng khó hơn. “Chúng tôi phải lên phương án chi tiết hơn, cần nhiều thời gian và thao tác hơn. Trong đó, vấn đề an toàn khi đánh án giờ không chỉ là sự chống đối, phản kháng của các đối tượng, mà phải thêm cả phần chống dịch để đảm bảo an toàn tuyệt đối”, Thượng tá Minh chia sẻ. 

Có lẽ trong các giáo trình nghiệp vụ khi đánh án chưa từng đề cập tình huống đại dịch, buộc phải áp dụng các biện pháp phòng chống ngặt nghèo. Điều này ít nhiều ảnh hưởng, gây khó khăn hơn cho các trinh sát. Nhớ lại vụ bắt giữ 14 đối tượng từ Hà Nội vào Đà Nẵng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê có tính chất xã hội đen đầu tháng 6-2021, Thượng tá Minh bảo đó là thời điểm mà dịch bệnh tại Đà Nẵng rất căng thẳng. Nhóm đối tượng này do Phạm Quốc Đạt (1991) cầm đầu, thuê 2 căn nhà, sử dụng 2 ô-tô hạng sang để đi thực hiện hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê với tổng số tiền cho vay hơn 10 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 3,7 tỷ đồng. Quá trình phá án ngoài khó khăn bởi thủ đoạn tinh vi (cho vay, thu tiền hoàn toàn qua các tài khoản mang tên giả) còn vì đối tượng di chuyển nhiều địa điểm, trinh sát bám theo phải tuân thủ quy định phòng dịch rất vất vả. Đặc biệt khi triển khai phương án đồng loạt đột nhập các địa điểm bắt 14 đối tượng, trong đó có cả địa điểm nơi công cộng, như sân bay, làm sao bắt đối tượng an toàn, nhưng vẫn phải phòng dịch, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh quả không đơn giản.

2 đối tượng truy nã quốc tế bị CSHS Đà Nẵng bắt giữ bàn giao cho Cảnh sát Hàn Quốc.

Tội phạm ẩn... dịch

Những ngày đại dịch ở Đà Nẵng phức tạp, nhiều hoạt động phải tạm dừng, “ai ở đâu ở yên đó” cũng là lúc tội phạm truy nã lợi dụng ẩn mình trong nhà tránh dịch, tránh sự truy bắt của Công an. Trung tá Trương Như Hòa - Đội trưởng, Phòng CSHS kể, Trần Quang Bảo Vân (2002, trú Q. Ngũ Hành Sơn) bị truy nã vì không thi hành án tù 6 tháng. Vân tìm tới nhà bạn ở Sơn Trà tá túc và không bước ra khỏi cửa nửa bước. Thời điểm này cũng chỉ đại diện hộ gia đình ra ngoài xét nghiệm. Những tưởng ở yên trong nhà, bặt vô âm tín là có thể ung dung kê cao gối ngủ, nhưng Vân đâu biết rằng chính những lúc dịch bệnh căng thẳng nhất thì các trinh sát truy nã vẫn miệt mài tìm kiếm. Trung tá Hòa kể, xác minh, truy bắt đối tượng truy nã trong thời gian này khó khăn gấp bội vì chúng ẩn náu kỹ hơn, đồng thời lại phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu chống dịch. Khi bắt đối tượng ở chung cư, khu nhà trọ, ngoài phương án nhanh gọn, an toàn, không làm ảnh hưởng những người xung quanh, phải đặc biệt chú ý việc tiếp xúc gây nguy cơ bệnh. “Sau khi bắt đối tượng truy nã Nguyễn Vẫn về hành vi lừa đảo ở Liên Chiểu, chúng tôi phải thực hiện quy trình phòng dịch chặt chẽ trước khi bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Ngãi tại chốt kiểm dịch cửa ô Hòa Phước. Bởi lẽ thời điểm đó Đà Nẵng giãn cách chống dịch, việc ra vào thành phố quy định ngặt nghèo”, Trung tá Hòa kể. 

Trần Quang Bảo Vân

Nếu trước đây đánh án chỉ thuần túy áp dụng các biện pháp nghiệp vụ Công an thì nay phải linh hoạt kèm thêm phương án chống dịch. Trung tá Trần Viết Đức - Đội trưởng, Phòng CSHS kể, quá trình triệt phá đường dây cá độ bóng đá qua mạng giữa tháng 7-2021 do Nguyễn Anh Tùng (1984, trú Q. Sơn Trà) cầm đầu với tổng số tiền khoảng 300 tỷ đồng đã phải triển khai những “nghiệp vụ” ngoài giáo án. Việc đối tượng sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi vốn đã gây khó khăn thì nay, thời đại dịch, việc theo dõi di biến động của đối tượng cũng nhiều trở ngại. Trung tá Đức nói: “Dù diễn ra trên không gian mạng nhưng đầu tuần chúng thường gặp gỡ để trả kết quả cá độ bằng tiền mặt. Khi đi “giao dịch”, chúng thường xuyên thay đổi phương tiện, trang phục, đi nhanh vào kiệt hẻm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ để thoát khỏi sự đeo bám của trinh sát. Chưa kể, bám theo đối tượng thời đại dịch, dù khó mấy cũng phải tuân thủ quy định chống dịch, bỏ qua thao tác này sẽ khiến đối tượng nghi ngờ ngay”. 

HẢI QUỲNH