Danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích cấp quốc gia đặc biệt

Thứ năm, 27/12/2018 10:25

Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ngày 26-12, UBND Q. Ngũ Hành Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Danh thắng Ngũ Hành Sơn (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Như vậy, sau Thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích thứ hai của Đà Nẵng được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn trải dài trên diện tích rộng lớn khoảng gần 2 km2, gồm 6 ngọn núi đá vôi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Tại đây có nhiều hang động đẹp như: Huyền Không, Huyền Vi, Vân Thông, Tàng Chơn, Quan Âm. Ngoài vẻ đẹp hiếm có, danh thắng Ngũ Hành Sơn còn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quý giá. Hồ sơ của Sở VH-TT đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng khẳng định những văn bia, hiện vật văn hóa Phật giáo... đang lưu giữ tại danh thắng cho thấy Ngũ Hành Sơn là mảnh đất có lịch sử lâu đời, vốn là một trung tâm cư trú, giao thương và trung tâm tín ngưỡng của người Chăm-cư dân bản địa trong lịch sử. Sau khi thuộc về Đại Việt, nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng...

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi - Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước, được mệnh danh  là "Nam Thiên Danh Thắng" là biểu tượng văn hóa của người dân xứ Quảng từ lâu. Với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời cùng tiềm năng phát triển du lịch, nơi đây đã được Bộ Văn hóa xếp hàng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1980. Tại đây, hằng năm đã có hàng triệu lượt khách đến tham quan, viếng cảnh, nghiên cứu khoa học và sáng tác, là nơi giao thao giữa các di sản văn hóa thế giới Huế - Hội An - Mỹ Sơn; đồng thời, là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trên hành trình đến với các di sản miền Trung - Tây Nguyên. "Năm cụm núi tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho TP Đà Nẵng, nơi ẩn chứa những điều thiêng liêng, kỳ diệu với hệ thống chùa chiền, hang động. Bên cạnh đó, những văn bia, ký tự và những di vật, cổ vật cùng những công trình kiến trúc được các vua triều Nguyễn chứng thực, sắc phong - tự nó đã nói lên những giá trị đích thực về tầng văn hóa, lịch sử của một di sản. Ngoài những giá trị đó, Ngũ Hành Sơn còn là nơi tồn tại những thảm thực vật và hệ cây xanh đa dạng. Những thảm thực vật và hệ cây xanh đó như tấm áo choàng che phủ những ngọn núi để Danh thắng mãi xanh tươi cùng nắng gió khắc nghiệt của miền Trung", bà Thi cho biết.

Đầu năm 2017, sau thời gian xét duyệt, thẩm định, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chính thức công nhận 4 loài, 7 cây tại ngọn Thủy Sơn khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn là "Cây di sản Việt Nam". Đó là cây đa sộp 610 năm tuổi, phân bố ở sườn Đông ngọn Thủy Sơn, sau lưng chùa Linh Ứng; cây Thị 205 năm tuổi, phân bố ở sườn nam ngọn Thủy Sơn, sau lưng chùa Tam Thai; 2 cây bàng ở sườn Nam ngọn Thủy Sơn, trước chùa Tam Thai; cụm 3 cây bồ kết nằm ở lối vào động Tàng Chơn ở sườn Nam ngọn Thủy Sơn... Ông Nguyễn Văn Hiền-Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, thời gian qua, Ban quản lý di tích phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện việc kiểm kê các di vật, cổ vật tại di tích; sao chụp, dập và biên dịch các tư liệu Hán Nôm. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp thực hiện bảng vẽ kỹ thuật các công trình kiến trúc cổ; đồng thời, tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện hữu, các công trình văn hóa - du lịch, các công trình phụ trợ; chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại di tích...             

"Giờ đây, khi danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn theo đúng Luật Di sản và tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả di tích. Cụ thể, chúng tôi tham mưu xây dựng bảo tàng trưng bày các hiện vật liên quan đến di tích, bao gồm các sản phẩm làng nghề qua các thế hệ để giới thiệu đến khách tham quan; kiến nghị nhanh chóng thực hiện giải tỏa, đền bù các hộ dân còn lại trên đường Huyền Trân Công Chúa để cải tạo không gian ngọn Thủy Sơn; tiến hành giai đoạn 2 mở rộng, phát triển động Huyền Vi, Tam Thanh và Quán Thế Âm (ngọn Hỏa Sơn, Kim Sơn) về phía tây của danh thắng", ông Hiền cho biết thêm.

L.HÙNG