"Đánh thức" những miền di sản Chăm

Thứ bảy, 26/08/2017 10:13

Việt Nam là một trong những quốc gia kế thừa nhiều những giá trị văn hóa lâu đời từ Ấn Độ. Trong số đó, di sản văn hóa Chăm là nền móng, kết tinh nên những nét tương đồng của văn hóa Việt Nam - Ấn Độ. Đặc biệt, tại Quảng Nam - Đà Nẵng hiện nay vẫn còn nguyên vẹn những giá trị cổ từ các công trình, hiện vật mang đậm nét văn hóa Ấn Độ. Thế nhưng, làm thế nào để bảo tồn, phát huy những giá trị đó cho tương xứng với sự phát triển kinh tế hiện nay là bài toán nan giải. Đó cũng là nội dung chính được bàn thảo tại  Tọa đàm "Di sản văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ" do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP Đà Nẵng ngày 25-8.

Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn là công trình mang đậm kiến trúc Chăm.

Kế thừa giá trị văn hóa Chăm

Nhiều dấu tích lịch sử có giá trị để lại đã chứng minh văn hóa Việt Nam được kế thừa và có nhiều nét tương đồng với nền văn hóa Ấn Độ. Từ các công trình kiến trúc hàng ngàn năm trước được xây dựng dựa trên nhiều nét độc đáo, tinh hoa của văn hóa Chăm, kiến trúc Phật giáo đến những giá trị văn hóa được bảo tồn trong đời sống hằng ngày của đồng bào Chăm tại Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa, văn hóa Chăm chính là cơ sở hình thành nên nền văn hóa Việt Nam. "Nhiều công trình kiến trúc được đầu tư xây dựng, đến những điệu múa, sinh hoạt hằng ngày từ văn hóa Ấn Độ đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Chúng ta phải tự hào về điều đó. Bởi, văn hóa Chăm được kế thừa và phát huy hiệu quả đã là nền móng vững chắc để chúng ta hội nhập văn hóa với bạn bè quốc tế", ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP Đà Nẵng nhận định. Cũng theo ông Thắng, hiện nay, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn lưu giữ hơn 500 hiện vật lớn, nhỏ mang đậm nét di sản văn hóa Chăm và là Bảo tàng Chăm quy mô lớn nhất Việt Nam. Tại đây, các hiện vật được phân chia theo các gian phòng tương ứng với các khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện gồm: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫn và các hành lang Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định. "Những dấu tích văn hóa Chăm được phát hiện ở nhiều nơi. Điều đó chứng tỏ văn hóa Chăm đã thật sự ăn sâu vào tiềm thức người Việt và là minh chứng sống động cho sự tiếp xúc văn hóa đan xen giữa Việt Nam - Ấn Độ", ông Thắng cho hay.

Phát huy hết tiềm năng kinh tế từ các di tích văn hóa

Hiện nay, vấn đề kế thừa, phát huy hết giá trị văn hóa vào phục vụ du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn một cách khoa học các di tích văn hóa là câu chuyện luôn được quan tâm. Có thể thấy, di sản văn hóa Chăm có mặt ở khắp nơi. Song, điểm nhấn vẫn là các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Thực tế, nhiều các giải pháp bảo tồn đã được đưa ra, tiến hành áp dụng và đã phát huy hiệu quả. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho biết: "Việc bảo tồn và trùng tu di tích Chăm tại Quảng Nam mà cụ thể là Thánh địa Mỹ Sơn luôn đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Làm thế nào để giữ vững giá trị văn hóa lịch sử vốn có mà vẫn nâng tầm, phát huy hiệu quả, thu hút đầu tư du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế mới là điều cần hướng đến".

Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm chính của Ấn Độ giáo tại khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Trong các năm qua, nhờ thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn di sản gắn với hợp tác quốc tế sâu rộng đã góp phần phát huy nhiều giá trị của khu di tích tại khu tháp cổ. "Rất nhiều công trình tại đây đã được trùng tu, phục dựng thông qua sự trợ giúp của nhiều đơn vị quốc tế khác nhau. Kể đến như: Lerici, ILO, MAG, JICA, văn phòng UNESCO... và một số quốc gia khác trên thế giới như: Ấn Độ, Italy, Nhật Bản... Tất cả đều hướng tới nâng cao giá trị văn hóa kế thừa từ kiến trúc điêu khắc Ấn Độ", ông Tịnh giải thích. Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam cũng đã ký biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn do Viện Khảo cổ Ấn Độ tiến hành. Theo đó, nguồn kinh phí khoảng 2,5 triệu USD sẽ do Ấn Độ viện trợ và triển khai trong vòng 5 năm. Các khu đền tháp cổ tại Mỹ Sơn sẽ được đầu tư, tôn tạo nhằm đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch.

Có thể thấy, kế thừa những di sản văn hóa vô giá từ nền văn hóa Ấn Độ là cơ sở để phát huy tiềm năng phát triển kinh tế từ du lịch. Việc bảo tồn các di sản không chỉ đặt ra thuần túy với mục đích văn hóa tín ngưỡng mà còn hướng đến những giá trị kinh tế và đem lại những lợi ích cụ thể trong đời sống của cộng đồng hôm nay. Điều quan trọng bây giờ là phải biết "đánh thức" những giá trị di tích văn hóa tiềm năng, không để các di tích văn hóa bị "ngủ quên".

Phi Nông