"Đánh thức" vùng đất hoang hóa

Thứ ba, 25/02/2020 19:50

Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) Nguyễn Tân xác nhận, thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú) có diện tích rừng trồng hơn 200ha phục vụ mục đích phát triển kinh tế ở địa phương. Người dân đã nỗ lực đầu tư cho công tác trồng rừng, không chỉ khai thác tối đa diện tích đất lâm nghiệp mà còn đầu tư thâm canh ở các khâu sản xuất rừng. Hiện nay, phần lớn hộ dân trong thôn đều gắn bó với kinh tế rừng, dựa vào rừng để thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đời sống người dân thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú) ổn định với nghề ươm giống cây trồng, phát triển kinh tế rừng.

Trước đây, nhiều hộ dân Hòa Hải trồng rừng theo kiểu "nhờ trời", không bón phân, ít chăm sóc nên chất lượng rừng không tốt, thời gian trồng rừng kéo dài và năng suất vào thời điểm khai thác cũng không cao nên nguồn thu nhập không đáng kể. Khi chính quyền các cấp triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển mạnh do áp dụng nhiều biện pháp khoa học - kỹ thuật nên các hộ dân dần thay đổi phương pháp canh tác từ hình thức quảng canh sang chuyên canh. Với việc thực hiện giải pháp trồng rừng chuyên canh dựa trên cơ sở áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp và liên hoàn để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hiệu quả kinh tế không chỉ nâng cao thu nhập cho người trồng rừng mà còn bồi dưỡng được chất đất và môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển trồng rừng ổn định lâu dài và bền vững. Ông Trần Văn Lân nhớ lại, lúc đó đất rừng nơi đây chủ yếu là những dãy đồi trọc, chuyện làm giàu từ rừng chưa được người dân nghĩ tới. Đến khi kinh tế rừng bắt đầu phát triển ở một số địa phương, chuyện trồng rừng nguyên liệu giấy (keo lai) đem lại thu nhập khá đã thức tỉnh người dân nơi đây. Bà con đã nhận ra thế mạnh của vùng đất hoang hóa này và đã đầu tư khai hoang, cải tạo đất để trồng rừng.

Theo ông Võ Sơn - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải, đòn bẩy để phát triển kinh tế hộ trong thôn là từ việc trồng rừng và ươm giống cây lâm nghiệp. Không giống như trồng rừng phòng hộ, người dân trồng rừng sản xuất hiện nay đã đầu tư chuyên canh lớn để nâng cao chất lượng rừng và rút ngắn chu kỳ canh tác, tăng cao hiệu quả kinh tế. Việc đầu tư trồng rừng chuyên canh đã giúp người dân có được nguồn thu nhập đáng kể và yên tâm với nghề rừng. Đặc biệt là nghề ươm giống cây tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, không chỉ đáp ứng đủ cây giống chất lượng cao tại chỗ mà bà con còn xuất bán cho nhiều địa phương ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế... Năm 2019, bình quân mỗi hộ ươm giống cây trồng thu lãi khoảng 100 triệu đồng... "Nếu không mạnh dạn mở ra hoạt động ươm cây và triển khai trồng rừng, có lẽ đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong thôn còn cao. Hiệu quả từ việc trồng rừng nguyên liệu theo hình thức chuyên canh đã được khẳng định, nhưng hiệu quả sẽ còn tăng lên, giá trị từ đất rừng sẽ thu về xứng đáng một khi bà con tiếp thu và áp dụng kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc để khép kín quy trình sản xuất", ông Sơn cho biết thêm.

Quả thực, có dịp đi, tìm hiểu và nghe nông dân vùng núi kể chuyện phát triển kinh tế rừng đã đọng lại trong chúng tôi biết bao niềm vui, bởi người dân đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình phát triển kinh tế bền vững. Việc triển khai xây dựng nông thôn mới đã mang lại luồng sinh khí mới, mang đến niềm vui cho người dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Cùng với đó, một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm xuất hiện ngày càng nhiều. Với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, họ đã "đánh thức" những vùng đất đồi hoang hóa.

VY HẬU