“Đánh thức” vùng Tây Bắc

Thứ ba, 21/06/2022 14:13
25 năm trước, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng là thời điểm Liên Chiểu - quận cửa ngõ Tây Bắc thành phố được “khai sinh”. Nắm bắt nhiều thời cơ, vận hội trên chặng đường dài vượt khó, hôm nay Liên Chiểu đang là địa phương chuyển mình phát triển khởi sắc, trở thành quận động lực của thành phố biển...
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT và TP Đà Nẵng trong một lần đi thực tế, nghe báo cáo về dự án xây dựng cảng Liên Chiểu.

Đi lên từ gian khó...

Vỏn vẹn chỉ với 3 xã gồm Hòa Hiệp, Hòa Khánh và Hòa Minh từ ngày đầu thành lập, nay Liên Chiểu đã trở thành quận công nghiệp tiềm năng với 5 phường. Vượt mọi khó khăn, cán bộ và nhân dân nơi đây luôn sát cánh, đồng lòng dựng xây quê hương ngày một đổi mới, đáng nhớ nhất là mốc son: Trở thành Quận đô thị loại I năm 2017. Cũng từ đó, diện mạo đô thị Liên Chiểu ngày một khang trang. Bao cung đường huyết mạch được tân trang, mở rộng. Từng công trình, khu đô thị xanh dần dần hình thành, khoác thêm “chiếc áo mới” trẻ trung, năng động, mà dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến công trình huyền thoại Hầm đường bộ Hải Vân, Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, Trục I Tây Bắc và nhiều công trình trọng điểm khác được “khai sáng”.

Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận: 25 năm qua, quận đã thẩm định, triển khai xây dựng trên 1.000 công trình, hạng mục công trình với tổng mức đầu tư trên 1.136 tỷ đồng. Nhiều công trình dân sinh cũng được triển khai, góp phần phục vụ và đảm bảo đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân. “Có được những thành tựu lớn trong quá trình chỉnh trang đô thị, sự đồng thuận của người dân chính là yếu tố quyết định thành công. Từ sự vận động thấu tình đạt lý, bà con đã một lòng ủng hộ chủ trương và có được cuộc sống tươi mới. Tương lai không xa, Liên Chiểu hứa hẹn sẽ vươn mình cùng những dự án lớn đã, đang và sắp triển khai thực hiện” - ông Huy nói.

Đến năm 2022, quy mô nền kinh tế của quận tăng gấp 26 lần so với những năm đầu thành lập. Nếu như trước đây Nông nghiệp là ngành kinh tế chính, thì nay Công nghiệp và Thương mại dịch vụ là then chốt. Thời điểm năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt gần 481 tỷ đồng, đến năm 2022, giá trị tăng thêm công nghiệp đạt trên 9.400 tỷ đồng. Từ 34 doanh nghiệp năm 1997, nay đã cán mốc con số trên 4.700. Hay tổng thu ngân sách quận 6 đến 7 tỷ đồng những năm 1997-1998, thì năm 2021-2022, thu ngân sách đạt mức trên dưới 440 tỷ đồng, tăng gần 737 lần. Thương mại dịch vụ cũng vươn tầm và khẳng định nhiều thành tựu nhất định. Hệ thống nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp dần hình thành, tạo ra nét chấm phá độc đáo, mới lạ, phục vụ đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao cho người dân. Đến năm 2022, TMDV với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 5.235 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với thời điểm năm 1997. Hiện toàn quận có 10 chợ truyền thống lớn nhỏ, trong đó chợ Hòa Khánh được xem là trung tâm giao thương kinh doanh buôn bán lớn nhất toàn quận, quy mô trên 1.000 hộ kinh doanh. Các mô hình kinh tế mới cũng dần được tiếp cận, thay thế cho nền nông nghiệp truyền thống, góp phần tạo nên những gam màu tươi mới…

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT và TP Đà Nẵng trong một lần đi thực tế, nghe báo cáo về dự án xây dựng cảng Liên Chiểu.

Kỳ vọng những dự án động lực

Thực tế hiện tại, Liên Chiểu có khá nhiều dự án đã và đang triển khai. Chỉ 5 năm trở lại đây, có trên 70 dự án phát triển đô thị khởi động với gần 5.000 hồ sơ trong diện giải tỏa đền bù. Chính sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đa phần người dân trong vùng dự án đồng tình ủng hộ, góp phần tạo động lực phát triển KT-XH cho địa phương.

Ông Trần Phước Sơn, nguyên Bí thư quận ủy Liên Chiểu, nay là Phó Chủ tịch UBND thành phố nhìn nhận: Tất cả các dự án đang triển khai tại Liên Chiểu đều là dự án động lực, là cơ hội tốt cho quận chuyển mình, bứt phá. Sau khó khăn do COVID-19, bước qua năm 2021-2022, chính quyền và nhân dân nơi đây đã lạc quan hơn nhiều, nhất là quận chọn năm 2021 là năm khôi phục phát triển kinh tế và đẩy mạnh công tác giải tỏa đền bù, đầu tư xây dựng các dự án. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ quần thể Đà Nẵng Resort và Spa của Mikazuki Nhật Bản với tổng nguồn vốn lên đến 150 triệu USD, năm 2021, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án phát triển du lịch tại Nam Ô do Cty CP Trung Thủy làm chủ đầu tư cũng được thực hiện, trong đó Cty Trung Thủy cam kết đầu tư toàn bộ kinh phí 3 sản phẩm du lịch không thu phí, gồm: Ngắm bình minh, hoàng hôn trên vịnh Nam Ô bằng thuyền thúng; tắm biển tại bãi tắm Nam Ô; đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô. Sau một thời gian dài tháo gỡ các vướng mắc, điều chỉnh quy hoạch, Cty này cũng đã khởi động dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô.

Hay dự án Làng Vân “đắp chiếu” gần 10 năm, đến cuối tháng 3-2021 đã tái khởi động trở lại, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình triển khai dự án quy mô gần 1.000ha tại khu vực trọng điểm phía Bắc thành phố. Dự án hoàn thành trong tương lai góp phần hình thành cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, đô thị cao cấp, đáp ứng nhu cầu ở và các nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tạo thêm sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương. Mới đây nhất, dự án cảng Liên Chiểu cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa X, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng nhằm tạo tuyến đường vận tải độc lập kết nối đường nội bộ cảng Liên Chiểu đi QL1A mới. Bên cạnh xây dựng tuyến đường chiều dài 2,95km, mặt cắt ngang 30m, bảo đảm quy mô 6 làn xe, dự án còn xây dựng 2 nút giao khác mức bằng cầu vượt, gồm 1 nút giao đầu tuyến với QL1A cũ và đường sắt Bắc - Nam hiện hữu; 1 nút giao cuối tuyến với đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan, cầu qua kênh theo quy hoạch, mở rộng cầu Liên Chiểu cũ và đường dẫn hai đầu cầu. Cùng với đó, xây dựng hầm chui đường vào suối Lương; mở rộng đường Nguyễn Văn Cừ. Trước đó, cuối tháng 3-2021, nhân dịp Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trực tiếp thị sát địa điểm xây dựng cảng Liên Chiểu, lãnh đạo thành phố và quận Liên Chiểu đề xuất Bộ trưởng xem xét và bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (500 tỷ đồng) để triển khai dự án Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu. Bộ trưởng cho rằng, việc đầu tư cho cảng Liên Chiểu sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho Đà Nẵng và cả vùng kinh tế miền Trung.

CÔNG HẠNH