Đảo Bé mùa biển động

Thứ bảy, 02/01/2016 11:55

(Cadn.com.vn) - Đảo Bé thuộc xã An Bình, H. Lý Sơn (Quảng Ngãi) tách biệt với đất liền. Nằm lẻ loi ở khơi xa, đảo Bé càng trở nên nhỏ bé hơn vào mỗi mùa biển động vì thường xuyên bị chia cắt, biệt lập, thời điểm này cuộc sống người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, trắc trở. Tình trạng "khát" lương thực trên đảo cũng thường xuyên xảy ra. Đặc thù của địa phương là một xã đảo, từ xa xưa người dân đảo Bé đã tự biết "cứu mình" bằng cách hình thành tính chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men để sử dụng trong mỗi mùa biển động, trở thành một tập quán sinh sống bao đời của cư dân xã đảo. Những ngày cuối đông, các chuyến tàu sang đảo Bé cũng thưa dần vì sóng lớn, chỉ có cán bộ từ đảo Lớn sang công tác và những người dân đảo Bé qua đảo Lớn để mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cùng những vật dụng khác.

Mùa biển động năm 1999, đảo Bé đã bị cô lập với bên ngoài gần 1 tháng khiến cuộc sống người dân đảo vô cùng khó khăn nhưng nhờ tinh thần đùm bọc, nhường nhịn, san sẻ cho nhau từng cái ăn, cái ở nên đã phần nào giúp người dân nơi đây vượt qua. Năm ấy cũng nhờ sự viện trợ lương thực bằng đường không của Quân khu V đã cứu đói cho người dân nơi này. Từ đó đến nay, không có năm nào người dân đảo Bé lại chủ quan về khâu dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm mùa biển động. Họ cũng không trông chờ, ỷ lại vào chính quyền địa phương. Không những khó khăn về lương thực, điện thắp sáng, người dân đảo Bé còn đối mặt với tình trạng thiếu thốn về dịch vụ y tế. Hiện nay đảo Bé có duy nhất Trạm Y tế xã, chỉ chữa trị các bệnh thông thường, còn các ca cấp cứu nghiêm trọng đều được chuyển về đảo Lớn hoặc vào đất liền. Mùa biển động công tác khám chữa bệnh ở đây còn khó khăn gấp bội, vì đội ngũ y bác sĩ hầu hết từ đảo Lớn sang công tác nên người dân đảo  rất lo lắng khi bị đau nặng, hay tai nạn xảy ra trong những ngày mưa bão. Việc học của học sinh cũng gặp nhiều trắc trở khi ở đảo chỉ có một trường Mầm non và một trường Tiểu học. Khi lên cấp II các em ở đảo Bé phải sang đảo Lớn ở nhờ nhà người thân để đi học tiếp lớp trên.

Để giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản trong mùa biển động, mưa bão, người dân đảo phải chủ động chằng chống nhà cửa từ rất sớm, bằng cách dùng cây cối, đá vôi và cát được lấy từ dưới biển gia cố ở những nơi có nguy cơ sạt lở bờ biển và đắp lên mái nhà hay chằng lại cửa nẻo. Để chống chọi với bão gió, những năm gần đây nhiều gia đình có điều kiện kinh tế ở đảo Bé bắt đầu xây dựng những ngôi nhà cấp 4 khang trang, mái bằng bê tông cốt thép vững chắc, nhưng họ cũng không thể bỏ ngỏ việc chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa biển động.

Ngoài 5 tấn gạo được huyện Lý Sơn bố trí cho đảo Bé dự trữ hàng năm để có thể cứu đói cho người dân mỗi khi đảo bị cô lập dài ngày, chính quyền đảo Bé còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong xã chủ động dự trữ lương thực trong mùa biển động, trong đó chủ yếu là trữ gạo, mỗi gia đình tự dự trữ gạo có thể sử dụng được khoảng 15-20 ngày khi đảo bị cô lập với bên ngoài, và tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà dự trữ, đồng thời tuyên truyền người dân chủ động ứng phó với mưa bão khi có bão đổ bộ bằng cách chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão hay áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại đến tài sản. Ngoài ra, hàng năm địa phương cũng xây dựng phương án PCLB và TKCN phù hợp với xã đảo, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt chú trọng đến công tác dự trữ cơ số thuốc, y bác sĩ túc trực Trạm Y tế, công tác cấp cứu bệnh nhân tuyến trên cũng được chính quyền địa phương xây dựng phương án khá chu đáo.

Đảo Bé, hiện có hơn 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu sinh sống, người dân trên đảo mưu sinh chủ yếu là nông nghiệp và đánh bắt hải sản một cách manh mún, song nông nghiệp thì thường xuyên mất mùa khiến đời sống người dân nơi đây càng cơ cực hơn nhiều. Những năm gần đây dù đã được Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ về mặt an sinh xã hội, song cuộc sống người dân đảo Bé vẫn còn nhiều khó khăn. Với tinh thần đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, những con sóng dữ vẫn không sao nhạt được ý chí của người dân đảo Bé. Họ tiếp tục bám đảo, cùng Đảng, chính quyền xây dựng xã đảo ngày một giàu mạnh.

Phương tiện chở khách, lương thực, nhu yếu phẩm sang đảo Bé.

Quỳnh Như