Đảo Bé thiếu nước ngọt trầm trọng

Thứ ba, 30/04/2019 13:45

Người dân đảo Bé thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Những ngày này, hơn 100 hộ dân ở đảo Bé, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đối mặt với tình cảnh thiếu nước sinh hoạt và phải mua nước ngọt từ đảo Lớn, xã An Vĩnh, với giá đắt hơn 26 lần. Sau Tết Nguyên đán đến nay, đảo Bé không "đón" đợt mưa nào nên người dân không trữ được nguồn nước mưa. Trong khi đó, nhà máy nước của xã chỉ cấp nước “nhỏ giọt” mỗi ngày. Gia đình nào nằm gần nhà máy thì may ra lấy được 2, 3 xô nước; những gia đình xa nhà máy thì không lấy được nước dùng. Anh Nguyễn Văn Được cho hay, nhà anh nằm xa nhà máy nước nên mỗi ngày không lấy được lít nào. Từ Tết đến nay anh phải mua nước ngọt từ đảo Lớn về dùng. Được biết, nước ngọt được mua từ đảo Lớn với giá 220.000 đồng/m3, chưa tính chi phí vận chuyển từ bến cập đảo Bé về từng hộ gia đình nhưng đã cao gấp hơn 26 lần so với giá nước của nhà máy nước xã An Bình bán ra (chỉ 8.200 đồng/m3).

Tháng 8-2012, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở đảo Bé được đưa vào sử dụng. Sau 7 năm hoạt động, hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt đã có dấu hiệu xuống cấp. Sau Tết Nguyên đán, thiết bị bơm tổ máy số 1 bị hỏng. Khi khắc phục được tổ máy số 1 thì tổ máy số 2 tiếp tục hỏng nặng. Mỗi ngày, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt chỉ lọc trong 10/24 giờ. Ông Ngô Văn Lộc – công nhân Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt xã An Bình, H. Lý Sơn cho biết, hiện mỗi ngày nhà máy chỉ lọc được 20m3 nước, không đủ cung cấp cho người dân sử dụng, nhất là lâu nay không có mưa. Trong khi đó, hoạt động của hệ thống lọc nước biển phụ thuộc nhiều vào thủy triều và nguồn điện trên đảo nên không chạy hết công suất. Công suất lọc hiện tại thấp hơn 9 lần so với công suất lọc vốn có của hệ thống. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND H. Lý Sơn cho hay, khi nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt đi vào hoạt động đã cơ bản cung cấp được nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, do điều kiện vùng biển đảo khắc nghiệt nên sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hệ thống lọc có dấu hiệu xuống cấp. Hiện nay, một tổ máy bị hỏng, huyện đã đề nghị xã An Bình có khảo sát và mời Công ty Doosan Vina tiếp tục khảo sát, đánh giá thiết bị. Sau đó, huyện nhờ cung cấp kỹ thuật để sửa chữa, khắc phục, nhất là trong mùa hè, nguồn nước đang cạn kiệt và du khách đến đảo Bé nhiều. “Về lâu dài, rất cần sự đầu tư của các cấp các ngành, nhất là các nhà khoa học nghiên cứu phương thức nào để có nguồn nước ngọt cho  xã An Bình nói riêng và đảo Lớn nói chung”–bà Hương nói.

QUỲNH NHƯ