Dạt dào niềm vui miền chân sóng
Tại cảng cá Cửa Việt, nơi vừa diễn ra cuộc gặp gỡ xúc động giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ngư dân Gio Linh (Quảng Trị) vào trung tuần tháng 5 - 2018 vẫn ăm ắp những câu chuyện trong lòng người dân vùng biển chưa kịp sẻ chia hết. Bao gian nan đã dần qua, tâm tư của người dân và hình ảnh những làng chài, bãi ngang hôm nay chính là thước đo rõ ràng nhất về sự nỗ lực bền bỉ của người dân cùng chính quyền Quảng Trị sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con ngư dân Cửa Việt. |
1. Chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện của chàng trai Lê Lịch vui tính quê Vĩnh Linh đi bạn trên tàu cá đánh bắt ngư trường Trường Sa. Lịch kể, vừa học xong 12 thì đúng phải sự cố môi trường biển 2 năm trước mà cậu ví như cơn bão mùa hè. "Không đỗ đại học, biển chưa biết khi mô mới "gọi", rứa mi muốn làm chi?", Lịch nhớ lại lời cha hỏi lúc đó. "Hay cha cho con học nghề lái xe hử?", Lịch quyết định lên bờ như thế...Hành trang vào đời ở tuổi 19 là tấm bằng lái xe, Lịch bắt đầu mưu sinh. Nhưng nỗi nhớ biển cứ len lỏi, nhiều lúc lái xe nhấn phanh gấp mà cậu tưởng sóng đang đổ dồn. Tháng 3-2017, hình ảnh về mẻ cá bè vàng kỷ lục 150 tấn mà tàu cá của ngư dân Lê Văn Tuấn (xã Gio Việt, H.Gio Linh) khai thác cách đảo Cồn Cỏ 10 hải lý cứ lấp lánh trong suy nghĩ Lịch. "Biển hồi sinh thực sự rồi, cha cho con vô Cửa Việt đi bạn nghe, trong nớ đóng mới nhiều tàu lớn, đang cần bạn thuyền nhiều lắm", một lần nữa Lịch xin cha. Sau cái gật đầu của cha, thế là Lịch được đón tuổi 20 trên những con sóng xa bờ, theo tàu tận ngư trường vịnh Bắc Bộ, tới Trường Sa. Được vùng vẫy giữa biển khơi, Lịch càng thấm thía nỗi khó khăn sau sự cố biển của những ngư dân đánh bắt gần bờ với vô vàn nỗi niềm. Mới đây thôi, đọng lại trong trái tim nhiệt huyết của chàng trai tuổi đôi mươi ấy lại là cuộc gặp tình cờ bên cảng cá Cửa Việt. Lịch kể, dù đã được nghe không ít giai thoại về những "dị nhân" có thể "bắt sóng" được tiếng cá nhưng không nghĩ gặp họ ngay tại chân cảng này.
Một góc cảng cá Cửa Tùng. |
Chính trong buổi chiều đón Thủ tướng về thăm, lão ngư Thụy cũng có mặt. Bạn thuyền đều dành cho lão ngư tuổi ngoài 70 ấy sự trân trọng đặc biệt, bởi ngoài đức tính khiêm tốn, hồn hậu, biệt tài của ông chính là cơ duyên sâu nặng với biển, cho dù máy móc hiện đại thì biệt tài ấy vẫn chưa bao giờ lỗi thời, nhất là khai thác hiệu quả tại vùng lộng, ven bờ. Thế nhưng, điều Lịch nghe được ở lão ngư ấy không phải là những câu chuyện khó tin về nghề nghe tiếng cá để thả lưới trúng, bắt đúng cá mà chính là lời sẻ chia từ tận đáy lòng. "Ngẫm mình tuổi đã cao, sự cố biển nghiêm trọng ri, có khi mô tui không còn cơ hội để nghe tiếng cá nữa", ông lão đánh cá kể như hỏi mà cũng như muốn tri ân. Nỗi nhớ nghề của lão ngư này khác hẳn nỗi nhớ của ngư dân, bởi cái nghề của ông có sự gắn kết đặc biệt với cá, như nghe được lời cá. Ông đoán được luồng cá, sản lượng cá, cá to, cá nhỏ để "phát lệnh" buông lưới hay không. Thế nên trải qua nhiều tháng không xuống biển, lòng ông như có băng giá, day dứt, thấp thỏm. Đợi mùa xuân đến, hôm đó ông nổ máy dông thuyền hướng về phía mặt trời mọc. Gió yên, biển lặng, ông dừng thuyền nghe ngóng biển cả. Nhận ra thanh âm quen thuộc vọng lên từ đáy nước, ông reo lên rồi lao xuống làn nước biển xanh biếc như để được đến gần hơn với đàn cá đang trở lại. Dấu hiệu tốt đẹp này ông mang ngay vào đất liền với một niềm tin mãnh liệt: biển bắt đầu hồi phục. Đến cuối năm 2017, ông dày chuyến ra biển hơn, cá theo ông trở về nhiều hơn. Qua giám sát các chỉ tiêu an toàn của Bộ Y tế, hải sản vùng biển bị ảnh hưởng đã đảm bảo càng khiến ngư dân như ông thêm động lực. "Con cháu tui đứa thì được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nuôi gà, đứa trồng ném, trồng sả, đứa cho con đi xuất khẩu lao động... kinh tế dần ổn định, nhưng chúng vừa đóng thêm thuyền để ra khơi. Tui còn khỏe, còn giúp được", ông Thụy khoe với chàng trai tuổi đôi mươi.
2 năm sau sự cố biển, nhiều làng chài, bãi ngang Quảng Trị đã thay đổi, hoạt động đánh bắt hải sản ổn định trở lại. Không chỉ nhờ biển mà lòng dân càng vững vàng trước bao khó khăn, biến cố. Có được điều đó, một phần nhờ sự quan tâm, chủ động tích cực của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã linh hoạt, chủ động giải quyết các vấn đề cấp bách, ổn định đời sống người dân, đảm bảo ANTT. Ngay như tìm biện pháp, chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển, Quảng Trị cũng là địa bàn triển khai sớm nhất, đưa một lực lượng lớn kỹ sư nông nghiệp về tận các xã bị ảnh hưởng để giúp dân. Từ đây, màu xanh của ruộng hoa màu đã điểm dày trên vùng cát trắng bạc màu...77 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi trên cát đã mang lại kết quả tích cực, đem lại nguồn thu nhập trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là tạo niềm tin cho nhân dân.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi tắm Cửa Việt trở lại sự nhộn nhịp. |
2. "Cháy phòng ở Cửa Việt rồi", người bạn đến từ Hà Nội la lên trong điện thoại khiến chúng tôi choáng. Hóa ra là "cháy" phòng nghỉ, khách sạn. Bạn tôi vào Quảng Trị không phải dịp nghỉ lễ nhưng đúng tuần nóng đỉnh điểm. Hỏi ra mới hay khách đến lưu trú phủ kín, không chỉ từ miền Bắc vào mà còn từ Lào qua. Biển như hội, quán xá đông như nêm. Một hình ảnh khiến bất kỳ ai từng nhói đau với người kinh doanh dịch vụ, du lịch tại bãi tắm Cửa Việt, Gio Hải (H.Gio Linh), Cửa Tùng, Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh) những tháng bị "đóng băng" sau sự cố môi trường mới hiểu được niềm vui hôm nay dạt dào đến mức nào. "Hình ảnh bãi tắm nói lên tất cả", ông Vỹ chia sẻ. Còn nhớ thời gian mới xảy ra sự cố, đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi tắm lao đao, khốn đốn, thậm chí chính sách hỗ trợ cho đối tượng này được xét chậm nhưng chính quyền TT Cửa Việt đã hành động "khẩn" trích lương của cán bộ, công chức ủng hộ, chia sẻ kịp thời cho bà con. "Số tiền không nhiều nhưng bề tui thấy ấm lòng vô cùng", chị Nga bộc bạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cũng cho biết một khoản kinh phí không nhỏ thực hiện các nhiệm vụ, tuyên truyền, khôi phục, phát triển du lịch biển giai đoạn 2016 - 2020 đã khiến hộ kinh doanh thêm phần phấn khởi. Từ Cửa Việt ra đến bãi tắm Gio Hải rồi sang Cửa Tùng và đến tận Vĩnh Thái, bãi tắm hôm nay đều mang hơi thở của hồi sinh, của phát triển đến thổn thức. Du khách vừa đến đã nghĩ đến chuyện trở lại mai này rồi...
BẢO HÀ