"Đất Phật" trong mắt ai

Thứ hai, 10/03/2014 10:30

(Cadn.com.vn) - Đất 5 chùa -  vùng đồi Trại Thủy, dưới chân tượng Phật Trắng từ lâu đã được biết đến là "đất Phật" Nha Trang. Quanh đồi, số hộ dân hướng theo Phật đạo phải lên đến hàng ngàn. Xa rồi câu chuyện về khu vực đặc biệt nhưng lại có nhiều tệ nạn, Trại Thủy giờ đây khoác lên mình chiếc áo mới dẫu còn nhiều điều vẫn làm người dân chưa thể sinh sống tốt nhất.

1 trong những bể nước còn lại từ thời chống Mỹ, bên dưới và xung quanh là nhà dân

Bình minh đồi Trại Thủy

Đồi Trại Thủy, thuộc P. Phương Sơn, nằm đơn độc giữa Nha Trang, dọc dài 3 miền Tổ quốc, chưa từng thấy ngọn đồi thứ 2 có 5 ngôi chùa ẩn tọa như thế. Tượng Phật Trắng xây dựng năm 1963, hoàn thành năm 1964, từ đó khắc theo dấu ấn thời gian và những tên tuổi các thiền sư đã hỏa thiêu vì đạo thiền. "Ngọn đồi này, từ thời phong kiến đến hiện đại, đã từng diễn ra nhiều trận chiến lớn, máu đổ không hề ít, nhưng giờ trên đồi có 5 chốn thiền môn, lớn nhất là chùa Long Sơn với tượng Kim Thân Phật Tổ", bà Nguyễn Thị Vân, 80 tuổi, người địa phương tự hào.

Miền Trung có nhiều thành phố lớn, nhưng ít nơi nào có con đường mang tên Phật Học như ở Nha Trang. Về ý nghĩa tên gọi này, có nhiều ý kiến khác nhau: vì đó là đường dẫn vào bên hông chùa Long Sơn, nơi dạy lý thuyết Phật giáo, hoặc vì dân cư theo đạo Phật quá đông nên mới có tên gọi như vậy. "Người không biết đi ngang cứ nghĩ đây còn ngọn đồi bình thường, nhưng mà thực ra nơi này đã từng nhiều lần là chiến trường trong chiến tranh, người chết chắc chắn không ít. Quá khứ tăm tối một thời đã qua, giờ thì tươi sáng, đời sống khá giả hơn nhiều rồi", ông Đạt, phật tử trong vùng tâm sự.

    Trên đồi là cuộc sống của  hàng trăm hộ dân. Điều đáng buồn là 80% trong số đó phải sống trong nhà tạm vì chờ đợi giải tỏa mặt bằng thuộc dự án xây dựng cảnh quan đồi Trại Thủy. Hầu hết đều sống bằng nghề tự do, hay còn gọi là "thợ đụng", tức là đụng gì làm nấy, ai thuê gì thì làm vậy. Theo lời kể từ những bậc cao niên, thời chống Mỹ chỉ những gia đình có tiền mới lên đồi để ở được, vì nơi đây là điểm cao nhất trong thành phố, vị trí đẹp.

    Đồi Trại Thủy có 2 tổ dân cư chủ yếu là số 11 và số 7. Tổ 11 án ngữ phía trước tượng Kim Thân Phật Tổ. Ngoài ra, các tổ dân cư khác tại P. Phương Sơn đều đóng góp phần nào dân số sinh sống tại vùng đồi. Dân cư trong vùng luôn có nhiều biến động và phát sinh. Từ sơ khởi vài chục hộ di dân, năm 2006 đã có hơn 500 hộ gia đình sinh sống. Đến nay thống kê này chắc chắn đã khác, kéo theo đó là những khó khăn trong di dời giải tỏa.

Sau giải phóng, đồi Trại Thủy sau một thời hoang vắng, đã trở lại với nhộn nhịp phố phường. Hiện nay, đường lớn đã được xây dựng, tạo điều kiện cho dân cư trong vùng đi lại dễ dàng hơn, ánh sáng cũng theo đó len lỏi sâu hơn vào từng ngõ phố, con đường. Dù vậy, khi trời mưa gió đường đồi nhỏ hẹp, vừa dốc lại trơn trượt, vẫn tạo nên những cú ngã đáng tiếc.

 "Phố chân Phật"

   Tổ trưởng Tổ dân phố 11- đồi Trại Thủy Huỳnh Đình Huy cho biết: "Dân cư sinh sống trên đồi từ trước giải phóng. Hiện nay, tình hình an ninh trật tự tốt hơn, tiêm chích ma túy thì đã giảm hẳn. Trẻ con học hành thuận lợi, có trường học dưới chân núi. Lúc trước thì kinh tế khó khăn, giờ đời sống nhân dân cải thiện người ta cho con em đi học hành đầy đủ". Đường Phật Học - con đường "xương sống" dẫn lên đồi, luôn sáng ánh đèn điện. Dự án cảnh quan đồi Trại Thủy hiện đang được nhân dân trong vùng mong ngóng với hy vọng sẽ làm tươi mới cảnh quan vùng đồi, thu hút nhiều hơn khách du lịch.

   Phải nói thêm rằng, đồi Trại Thủy là điểm cao nhất Nha Trang, cũng là ngọn đồi duy nhất trong lòng thành phố. Cũng bởi vị trí như thế, nên nơi đây thường được lựa chọn để xây dựng những bể chứa nước khổng lồ hoặc những kho lương thực lớn từ thời phong kiến đến nay. Tên gọi "hồ trên núi" cũng xuất phát từ đó. Trên đỉnh đồi còn 5 bể nước khác được xây dựng trước 1975 nhưng bị hư hỏng và bỏ hoang.

Hàng ngàn người dân trong vùng đều hướng Phật, ít nhất 50% dân cư trên đồi theo Phật đạo. "Trước đây chỉ những rằm lớn người dân mới lên chùa, còn bây giờ thì tối nào họ cũng lên chùa chơi, chủ yếu là phụ nữ trong vùng. Ngoài ra, những ngày lễ lớn của Phật giáo, Trung Thu hay rằm tháng giêng, tháng 2, tháng 4, tháng 7, hầu như nhà nào cũng lên chùa, thành kính lễ bái", anh Huy cho biết thêm. Những ngôi chùa nằm dưới chân tượng Kim Thân Phật Tổ vẫn hay làm từ thiện, nhận nuôi trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, hoặc phát quà cho trẻ em trong vùng.

Đức Thọ