Đất Quảng anh hùng (Kỳ 3: Gặp thiếu niên 5 lần rạch bụng phản đối Mỹ - ngụy trong nhà lao)
Chứng kiến cảnh người anh trai Thái Bá Trấu nằm dưới họng súng của bọn Mỹ- ngụy, Thái Bá Trọng (1954, trú thôn La Thọ 2, xã Điện Hòa, TX Điện Bàn, Quảng Nam) ôm lòng thù hận, quyết cầm súng giết giặc trả thù. Sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng, Trọng đã đi theo người chú ruột Thái Thắng làm giao liên, du kích. Tuy tuổi nhỏ, nhưng Trọng chiến đấu rất dũng cảm, hoàn thành nhiều nhiệm vụ cấp trên giao phó. Ở tuổi 13, Trọng đã đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt ác. Đặc biệt, Trọng là người dám tự mổ bụng để phản đối chính sách cai trị của bọn Mỹ-ngụy trong nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt năm xưa.
Ông Thái Bá Trọng trò chuyện với P.V. |
Dũng sĩ diệt ác khi tuổi thiếu niên
Chúng tôi biết ông Thái Bá Trọng trong tập sách “Tuổi trẻ bất khuất nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt”. Đây là tác phẩm phần nào lên án chính sách cai trị tàn bạo của Mỹ-ngụy, nội dung miêu tả chân thật những hoạt động trong nhà tù suốt những năm tháng chiến tranh. Trong đó, Thái Bá Trọng được xem như một nhân vật điển hình, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc bởi tinh thần đấu tranh ngoan cường, bất khuất.
Gặp lại người thiếu niên năm xưa trong những ngày tháng 3 lịch sử này, khi chúng tôi hỏi, động lực nào khiến ông quyết tâm cầm súng đánh giặc khi chỉ mới 12 tuổi? ông Trọng bồi hồi nhớ lại: “Tận mắt chứng kiến người thân của mình bị giặc sát hại dã man, nỗi đau đó không thể diễn tả nên lời. Từ ngày đó, tôi quyết tâm cầm súng giết giặc trả thù cho người thân”. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Trọng đã đi theo các anh, chú làm giao liên, du kích, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh và tiêu diệt được hàng chục tên giặc. Lúc đó căn cứ cách mạng nằm ở xã Điện An, H. Điện Bàn, Quảng Nam-Đà Nẵng, do ông Nguyễn Văn Tòng làm Bí thư xã. Sau một thời gian hoạt động, Mỹ-ngụy ráo riết truy lùng, để đảm bảo lực lượng, căn cứ buộc phải chuyển lên vùng núi phía Tây Điện Hồng (Quảng Nam). Thấy tôi tuổi nhỏ nhanh nhẹn, dũng cảm nên ông Nguyễn Tấn Quang- Trưởng CAX quyết định huấn luyện để giao những nhiệm vụ quan trọng, đặt cho tôi bí danh là “Tro”.
Được tổ chức tin tưởng, cuối tháng 3 năm 1967, Tro đã thực hiện thành công nhiệm vụ đánh bốt Cảnh sát Thanh Khê (Đà Nẵng). “Lúc đó tôi giả làm cậu bé bán kem đạp xe từ xã Điện An (Quảng Nam) ra Thanh Khê (Đà Nẵng), trong thùng giấu 1 quả lựu đạn. Khi đến bốt Thanh Khê, tôi dừng lại bán kem rồi quan sát, khi bọn lính canh không để mắt đến, phát hiện 5 tên lính canh ngồi lại trò chuyện, tôi lặng lẽ tiếp cận ném quả lựu đạn, 2 tên chết tại chỗ, 3 tên bị thương nặng. Sau trận này, tổ chức đã phong cho tôi danh hiệu Dũng sĩ diệt ác”- ông Trọng kể lại.
Hưởng ứng cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tổ chức quyết định thành lập một Trung đội gồm 90 người do đồng chí Hà Bân (chính trị viên) chỉ huy. Theo kế hoạch, 1 giờ sáng mồng 1 Tết tiến đánh tỉnh Hội và Đài phát thanh đóng tại đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng), nhận tiếp viện vũ khí tại Kiệt 6 Quang Diệu nhưng do thông tin bị lộ, bọn chúng đã kịp thời đối phó, gần 60 chiến sĩ bị bắt giữ. “Lúc đó tôi vẫn giả dạng cậu bé bán kem, trong thùng đựng 3 băng đạn AK, 3 quả lựu đạn, 1 băng K54 và 1 khẩu K54 di chuyển đến Kiệt 6 Quang Diệu thì địch phát hiện, bọn chúng liền tiếp cận khống chế, không cho tôi có cơ hội chống trả”- ông Trọng nhớ lại.
Ông Thái Bá Trọng chỉ dấu vết của những lần rạch bụng năm xưa. |
5 lần rạch bụng phản đối
Sau khi bị bắt, bọn chúng đưa tôi vào Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình (Đà Nẵng) tra khảo. Tại đây, bọn “CA” Mỹ trực tiếp hỏi cung, chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn ép tôi phải khai báo căn cứ đầu não và danh tính những người đứng sau, nhưng tôi nhất quyết không khai. Sau 51 ngày tra khảo, chúng đưa tôi vào Ty Gia Long tra tấn 40 ngày rồi đưa vào nhà tù Kho Đạn (Đà Nẵng). Sau một thời gian tra khảo, không được kết quả, chúng đưa tôi ra nhà tù Côn Đảo kết án 3 năm tù về tội “Phá rối trị an”. Tại đây, tôi chứng kiến tận mắt những phương thức tra tấn dã man của bọn cai ngục, khi đó tuổi còn nhỏ nên bọn chúng dùng những chiêu trò tâm lý để đối phó với tôi. Năm 1971, chúng đưa tôi lên nhà tù Thiếu nhi Đà Lạt (Lâm Đồng). Khi vào đây, chúng trang bị trang phục cho các tù nhân như một trường học, nhưng thực chất là thực hiện âm mưu đầu độc tư tưởng những chiến sĩ nhỏ tuổi thành “Thiếu Thanh Quân” phục vụ cho chúng.
Nắm được nhiều kinh nghiệm đấu tranh của đàn anh tại nhà tù Phú Quốc. Khi vào đây, tôi cùng lãnh đạo nhà lao khởi xướng nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ như: ăn uống đầy đủ, tự do đi lại, chống đàn áp và chống chào cờ. Để gây áp lực cho bọn cai ngục, chúng tôi quyết định biểu tình bằng cách tuyệt thực, “Lúc đó, hơn 400 chiến sĩ quyết tuyệt thực, không chịu vào nhà giam. Trước tình hình đó, bọn chúng đã dùng hơi cay đàn áp, khi chúng ném hơi cay vào thì chúng tôi tìm cách ném ra, dùng khăn ướt để chống hơi cay khiến bọn chúng gặp không ít khó khăn. Cuộc đấu tranh diễn ra suốt 1 ngày đêm, bọn chúng huy động lực lượng tiến hành đàn áp, tiến hành tra tấn những người cầm đầu, phong trào đấu tranh tạm lắng xuống”-ông Trọng nhớ lại thời gian ở tù thiếu nhi Đà lạt.
Sau khi Mỹ kí hiệp định Paris 1972, để không rơi vào thế bị động, lãnh đạo nhà giam quyết định đề xuất phương án mổ bụng tập thể, với phương châm “Mổ bụng phải lòi ruột nhưng không được chết”, mổ đến khi nào bọn cai ngục đồng ý những điều kiện của ta thì mới dừng. Phương án trên được rất nhiều người xung phong thực hiện, tinh thần chiến đấu sôi sục khắp ngục giam. Đồng chí Mai Bốn và Nguyễn Thu thực hiện đầu tiên, máu me lênh láng nhưng bọn chúng vẫn không chịu nhượng bộ. “Đến lượt tôi, trong đầu nảy sinh ý nghĩ: phải làm mạnh tay hơn, nếu chúng không xuống nước thì tôi sẽ tự sát, tôi dùng dao lam rạch 3 nhát nhưng da bụng dày chưa đổ ruột, tôi liền rạch tiếp 2 nhát nữa ruột đổ ra. Tôi đứng lên tuyên bố, nếu không chịu đồng ý những yêu cầu đưa ra thì sẽ moi ruột, tự sát. Trước tình thế đó, ông Ông Dân Bá- Trưởng Ban cải huấn chạy xuống nói: Thôi được rồi, anh đồng ý những yêu cầu của bọn em”- ông Trọng vén áo chỉ vết mổ năm xưa.
Năm 1973, ông được trả tự do, tiếp tục nhận nhiệm vụ làm Ban An Ninh Quận 2 (Quảng nam-Đà Nẵng), sau thời gian hoạt động bị lộ, bọn ngụy quân ráo riết truy lùng. Trước tình hình đó, tổ chức đã đưa tôi vào làm An Ninh Q.Tân Bình TPHCM. Sau ngày giải phóng, giữ chức Phó Trưởng CAP 24, sau đó Trưởng CAP 22 (Q. Tân Bình). Đến năm 1989, về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quỳ- Phó Chủ tịch hội tù yêu nước H. Hòa Vang, nguyên là chiến sĩ tù Thiếu nhi Đà Lạt năm xưa chia sẻ: Anh Thái Bá Trọng được xem là người anh có một tinh thần chiến đấu rất anh dũng, bất khuất mà thế hệ đàn em chúng tôi phải học tập. “Điều đáng khâm phục ở anh là trong lúc mổ bụng tập thể, bọn cai ngục tiến hành đàn áp những người cản trở, anh đã xông ra đỡ đòn thay cho các em bị đánh, máu me đầy người. Khi đến lượt anh mổ bụng, ghê sợ nhất là đoạn anh đứng lên cầm đoạn ruột lòi ra tuyên bố sẽ moi bụng tự sát thì bọn cai ngục mới chịu nhượng bộ”- ông Quỳ kể lại.
Sau khi về hưu, ông Trọng tích cực tham gia nhiều hoạt động tại địa phương, làm Ban Chấp hành hội tù yêu nước TX Điện Bàn, Trưởng Ban liên lạc hội tù Thiếu nhi Đà Lạt. Ngày 1-10-1989 vinh dự nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba. Năm 2009, cùng với nhiều hội viên chiến sĩ tù Thiếu nhi Đà Lạt, ông Trọng được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…
Lê Vương (còn nữa)