Đất Quảng anh hùng (Kỳ cuối: Xây dựng Quảng Nam ngày càng giàu đẹp)

Thứ tư, 28/03/2018 09:05

Sau ngày đất nước giải phóng, Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung bắt tay ngay vào việc kiến thiết, hàn gắn lại những vết thương, những nỗi đau mất mát với quyết tâm dựng xây lại quê hương giàu đẹp. Cùng với TP Đà Nẵng anh em, Quảng Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, đạt được những thành tích đáng tự hào. Hiện, Quảng Nam đã tạo ra được thế và lực mới, một sức bật mới cho chặng đường phát triển mới. Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Cụ thể, quy mô kinh tế tăng hơn 30 lần, trong đó, công nghiệp - dịch vụ chiếm hơn 88% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng, vượt mức bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được mở rộng…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy Ô-tô Trường Hải - đơn vị mỗi năm đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách Quảng Nam. 

Những thành quả đạt được minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, quyết liệt, ý chí không cam chịu đói nghèo, tụt hậu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam.

Trong các chuyến thăm, làm việc tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định: Hiếm có vùng đất nào, trên cùng một địa phương mà có đến 2 di sản thế giới độc đáo, huyền bí đó là Hội An và thánh địa Mỹ Sơn; và hiếm nơi đâu có mật độ dày đặc các vịnh, biển, cù lao, khu dự trữ sinh quyển, cao nguyên tươi xanh, di sản văn hóa tâm linh tầm cỡ thế giới như Quảng Nam… Nhằm tận dụng những lợi thế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, đặc biệt thu hút, phát huy một cách bền vững vai trò các thành phần kinh tế. Trong đó, động lực của kinh tế tư nhân trong cả ba trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ. Bao gồm cả kinh tế biển và kinh tế rừng, dựa trên nền tảng cạnh tranh về năng suất, tính sáng tạo, tính liên kết trong tư duy sản phẩm cùng với việc giữ gìn, bảo tồn không gian sống và giá trị di sản đã làm nên huyền thoại, làm nên một trong những trung tâm giao thương phồn thịnh nhất châu Á những thế kỷ trước.

Một góc TP Tam Kỳ - Quảng Nam ngày nay.

Để phát triển giàu mạnh, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là vấn đề không khó, bởi Quảng Nam là một trong những địa phương có năng lực cạnh tranh tốt trong khu vực miền Trung cũng như của cả nước. Đồng thời Quảng Nam có rất nhiều lợi thế, hướng đi mang tính bền vững và toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tạo cơ hội tốt cho các ngành có tiềm năng phát triển, như cơ khí, ô-tô, du lịch, dệt may, khí điện, các ngành công nghiệp phụ trợ... Quảng Nam cũng là địa phương phát triển hiệu quả các dự án trọng điểm về đô thị, công nghiệp, du lịch ở Khu kinh tế mở Chu Lai, ở phía bắc Quảng Nam (Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc...), các nhà đầu tư nhìn thấy Quảng Nam là vùng đất có tiềm năng phát triển lâu dài. Cùng với đó là sự quyết tâm, quyết liệt của lãnh đạo các cấp trong công tác lãnh đạo, điều hành tạo dựng niềm tin, sự đồng hành với các nhà đầu tư. Nói một cách khác, chìa khóa cho sự thành công của Quảng Nam nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, vận dụng tốt các yếu tố tài nguyên, địa lý sẵn có và không gian liên kết kinh tế với Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải miền Trung cùng với liên kết chiến lược chuỗi giá trị với các địa phương có lợi thế trong cả nước…

 Với lịch sử hào hùng của vùng đất đi lên bằng ý chí, tính can trường và tinh thần ham học hỏi, chắc chắn không lâu nữa, Quảng Nam sẽ thay đổi ngoạn mục, một xứ Quảng ngày càng giàu đẹp và toàn diện hơn.

Trần Tân