Đất sạch, nhưng... tai tiếng?

Thứ ba, 31/12/2019 16:32

Trong phiên họp HĐND thứ XVII, kéo dài 3 ngày và kết thúc vào chiều ngày 11-12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã trả lời chất vấn về việc 107 khu đô thị, khu dân cư khắp địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ góp phần chỉnh trang đô thị. Nhưng hệ lụy việc phát triển "nóng" là có những nơi đất sạch, nhưng đầy rẫy tai tiếng...

Khu dân cư Đông Phương đã san đất sạch, nhưng đầy tai tiếng.

Trong vai người đi mua đất, tôi đến Khu dân cư Đông Phương ở trước UBND xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) để thăm dò, kiểm tra thực tế và mua đất. Khi thấy có người hỏi đặc điểm vùng đất này từng có mồ mả, có tranh chấp gì chưa được giải quyết không... thì lập tức tôi nhận được phản hồi từ một số người dân. Điều tôi sững sờ là người dân mang ra trình đầy đủ giấy tờ chủ quyền đất và cho biết, vụ việc đất của người dân có nguồn gốc, chưa được giải quyết thì đã giao cho doanh nghiệp phân lô rao bán. Đáng chú ý là trong số những người dân có ý kiến này có ông Lê Thích, thương binh hạng 3/4 ngồi trên xe lăn, hiện sống trong ngôi nhà xập xệ.

Trong giấy tờ chủ quyền của ông Lê Thích bao gồm: giấy chứng khoán ruộng lúa công điền của Ty điền địa cấp năm 1972; Chứng thư cấp quyền sở hữu của chính quyền miền Nam thực hiện chính sách "người cày có ruộng", do Tổng trưởng cải cách điền địa và phát triển nông ngư mục Cao Văn Thân ký vào năm 1972, bản đồ Đại Nam Trung Kỳ chánh phủ của Sở Địa chính Quảng Ngãi ký năm 1938. Tổng cộng diện tích đất của ông Thích là hơn 2.000m2, cha ruột ông Thích là 940m2. Đối với miền quê chiêm trũng như xã Nghĩa Hà, việc cá nhân có trong tay 2.000m2 đất là điều khá bình thường.

Nhiều người dân ở địa phương cũng có giấy tờ chủ quyền như ông Thích, nhưng diện tích đất của họ bây giờ rơi vào tay doanh nghiệp và đang bị rao bán, đơn cử như hộ ông Lê Giỏi ở trước nhà của  ông Thích.

Vì sao diện tích đất của cá nhân nhưng lại rơi vào tay doanh nghiệp? Người dân địa phương cho biết, năm 1982, chủ trương vào hợp tác xã và phần lớn người dân tự nguyện tham gia, còn những hộ gia đình như ông Thích thì chưa đồng ý. Những diện tích đất này sau đó bỏ hoang, ông Thích liên tục ra canh tác nhưng bị địa phương làm khó. Ông Thích cho biết, nếu khu đất của gia đình ông sử dụng vào việc xây dựng nhà trẻ, bệnh xá, trường học thì ông không ý kiến, vì cả đời ông đã hy sinh cho cách mạng. Còn nếu bây giờ giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền thì đó là điều khó chấp nhận.

Thương binh 3/4 Lê Thích với giấy tờ chủ quyền đất.

Trong hồ sơ pháp lý của Khu dân cư Đông Phương, ngày 9-3-2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ký quyết định chủ trương đầu tư (số 375), chủ đầu tư là Cty CP đầu tư xây dựng dịch vụ Đông Phương thực hiện bằng nguồn vốn của chủ đầu tư. Tổng diện tích dự án là 64.900m2 (trong đó thu hồi 24.456m2 đất lúa), phân ra 245 lô đất ở, còn lại là đất giáo dục, thương mại dịch vụ. Trước đó, Trung tâm quỹ đất thuộc Sở TN và MT tỉnh này ra thông báo về dự án từ ngày 19-5-2016 đến 23-5-2017. Ngày 17-3-2017, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng ra Thông báo thu hồi đất số 73/TB-UBND. Ngày 31-3-2017, UBND xã Nghĩa Hà tổ chức họp dân thông báo dự án, công bố chi tiết tỷ lệ 1/500. Tại cuộc họp này, hộ dân Đặng Văn Vũ ý kiến tại sao đất nhiều, nhưng Cty đo xong thì bị mất diện tích; ông Nguyễn Hoàng ý kiến xã đột nhiên thu hồi đất mà không thông báo trước; ông Phạm Văn Tể, Đặng Vương Vũ không đồng tình và nói để đất làm ăn... 

Trong biên bản làm việc vào ngày 24-8-2018 giữa Sở TN- MT và TP Quảng Ngãi với gia đình ông Lê Thích, chính quyền và cán bộ Sở TN-MT cũng có ý kiến thừa nhận, thửa đất 398 được đo vẽ vào năm 1937 có diện tích 4 sào 9 thước là của ông Lê Thích; thửa đất số 99 đo vẽ năm 1963 của cha ruột ông Lê Thích tập kết ra Bắc giao lại cho con 940m2... Nội dung buổi giải quyết cũng ghi rõ ý kiến là căn cứ vào giấy tờ hiện có thì ông Thích phải được bồi thường về đất đai khi doanh nghiệp thu hồi để phân lô. Tuy nhiên ông Thích không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào.

Khi một số hộ dân liên tục có ý kiến đấu tranh với Cty Đông Phương thì xuất hiện một số đối tượng đến dọa nạt và người dân cho biết, đó là đối tượng có tiền án, tiền sự. Người dân đã điểm mặt từng đối tượng là người ở các địa phương lân cận có lý lịch từng ở tù. Người dân còn tố cáo việc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nên lén bốc cả mồ mả vào lúc mờ sáng, để lại lỗ huyệt nằm giữa khu dân cư...

Ông Trần Thanh Trọn- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà trả lời phóng viên và cho rằng, không có giang hồ xuất hiện ở Cty như người dân phản ảnh; mặt bằng của Cty Đông Phương không có mồ mả. Tuy nhiên nhiều người dân địa phương đã chụp ảnh hố khai quật; các đối tượng đầu gấu bị người dân quay phim và đưa lên facebook để tố cáo... Vấn đề này, chính quyền và ngành chức năng Quảng Ngãi giải thích sao đây?

HÀ ĐỨC