Đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”: Ngọn lửa thắp sáng nguồn hy vọng
(Cadn.com.vn) - Ngày 17-1, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Tổng Liên đoàn Lao Động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ đặt đá, khởi công xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”. Công trình nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn những người con của Mẹ Việt Nam đã nằm xuống trong quá trình bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như nhắc nhở, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Biểu tượng người mẹ với ngọn lửa là biểu tượng xuyên suốt của thiết kế của công trình. Ngọn lửa ở đây là ngọn lửa tưởng niệm những người đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa, cũng là ngọn lửa thắp sáng nguồn hy vọng đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa. Ngọn lửa phát sáng có hình trái tim trên tay người mẹ, đêm đến ngọn lửa ấy như ngọn hải đăng thắp sáng cho các ngư dân ra khơi. Người mẹ ấy thắp lửa, đốt đèn ngóng những người con sớm trở về đất liền, và người mẹ ấy cũng đang hy vọng mong ngóng một ngày quần đảo Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam với một niềm tin son sắt Hoàng Sa - Trường Sa mãi là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam” (trích phát biểu của ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tại buổi lễ). |
Toàn bộ khu tưởng niệm được xây dựng trên khuôn viên diện tích gần 2 ha ở phía Đông Bắc của đỉnh núi Thới Lới (xã An Hải, H. Lý Sơn), với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng, được huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” có tên “Người mẹ thắp lửa” do Kiến trúc sư Trần Văn Dũng- Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư bất động sản Việt Tín thực hiện, được chọn từ 100 bản vẽ, 5 mô hình, 21 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 21 đơn vị, tập thể và cá nhân tham gia, trong cuộc thi phác thảo đồ án thiết kế xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa cách đây một năm, do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Tượng đài “Người mẹ thắp lửa” - một trong những hạng mục quan trọng của Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” sẽ được làm bằng inox - chất liệu đặc biệt mà từ trước đến nay chưa từng sử dụng để làm tượng đài tại Việt Nam. Tượng nhìn ra khơi xa, một tay cầm ngọn đèn bão giơ lên trước ngực, một tay đỡ dưới đèn, chân trụ vững trước gió. Sau lưng tượng đài là dốc núi được chặn bởi bởi một bức tường cong kết hợp bức phù điêu lớn bằng đá xám mô tả “Đoàn hùng binh Hoàng Sa” - trang sử hào hùng của các bậc tiền nhân đã ra đi mở cõi về phía đông.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đặt đá, khởi công xây dựng |
Theo ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ 17. Đảo Lý Sơn như một bảo tàng sống về Hoàng Sa với những di tích lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là những di chỉ, những chỉ thị của Triều đình Nhà Nguyễn cho ngư dân Lý Sơn ra khai phá ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Công trình được khởi công đúng vào thời điểm cách đây 42 năm trước (19-1-1974) Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tượng đài nhằm mục đích tưởng niệm những người con của Tổ quốc Việt Nam đã ngã xuống ở Hoàng Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng ghi nhận: “Người mẹ thắp lửa” thể hiện ý nghĩa hướng về các bậc tiền nhân, bởi tổ tiên chúng ta đã phát hiện và xác lập chủ quyền Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn, đến thời thực dân Pháp, người dân Việt Nam đã ra xây dựng ngọn hải đăng, nhiều người làm việc và nằm lại ở Hoàng Sa. Ngoài ra nhiều ngư dân khi đi đánh bắt gặp bão gió cũng đã nằm lại Hoàng Sa... Ở bất kỳ thời điểm nào, Hoàng Sa cũng luôn nằm trong trái tim của người dân Việt Nam. Đến nay, trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam luôn đau đáu hướng về Hoàng Sa - một phần máu thịt của đất mẹ Việt Nam. Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” gợi lên tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông. Nhân dân Việt Nam luôn mong mỏi, trăn trở và có một niềm tin vững chắc rằng sẽ có một ngày Hoàng Sa sẽ trở về với Tổ quốc Việt Nam một cách trọn vẹn...
Theo kiến trúc sư Trần Văn Dũng, Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” giúp tái tạo lại một phần của bức tranh lịch sử hào hùng dựng nước, mở mang bờ cõi và giữ nước của dân tộc ta, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho đông đảo người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài. Giới thiệu với du khách nước ngoài lịch sử hình thành và chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông Dũng cho biết: Do công trình nằm ở hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc, chịu đựng sương gió của biển nên sẽ được làm bằng vật liệu Inox. Công trình người mẹ thắp lửa được thiết kế trên hình tượng những người phụ nữ làng biển thắp đèn cúng vọng khi chồng, cha, con họ tử nạn trên biển. Ngọn đèn cúng vọng là để linh hồn người chết trên biển tìm đường về với quê nhà. Tôi sử dụng hình ảnh đó trong thiết kế để người mẹ thắp lửa chờ đón quần đảo Hoàng Sa trở về với Tổ quốc”, ông Dũng cho hay.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, ở bất kỳ thời điểm nào, Hoàng Sa cũng luôn nằm trong trái tim của người dân Việt Nam. Ông Tùng khẳng định: Cùng với sự tri ân đối với những thế hệ đi trước của đất nước đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của dân tộc, việc xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa tại núi Thới Lới, một lần nữa khẳng định vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Đồng thời có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ mai sau về tinh thần quật cường của bao lớp cha ông đã không tiếc máu xương trong việc bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là công trình văn hóa, là nơi để đồng bào ta trong và ngoài nước, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đến thăm viếng, ngưỡng vọng, tưởng nhớ và tri ân các thế hệ người con đất Việt đã hiến dâng thân mình cho công cuộc xác lập, thực thi bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Máu thịt và tâm hồn của họ đã hòa quyện với cát, đá và biển khơi của Tổ quốc, trở thành tinh anh của nghĩa sĩ Hoàng Sa.
Được biết, đây là công trình thứ 2 nằm trong chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam phát động. Công trình thứ nhất là “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Gạc Ma” được xây dựng tại bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa vào tháng 3-2015.
Tuấn Kiệt