Dấu ấn văn hóa ChămPa trên vùng đất Tây Nguyên

Thứ hai, 11/06/2018 11:25

Trong số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, bức phù điêu Phật thuộc văn hóa Chămpa đã được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bởi không chỉ bảo vật này được tìm thấy tại địa phương mà còn đánh dấu sự hiện diện văn hóa Chăm xuất hiện sớm nhất trên vùng đất Tây Nguyên này.

Bức phù điêu Phật thuộc văn hóa Chămpa được công nhận là Bảo vật quốc gia. 

Bức phù điêu độc bản

Bức phù điêu Phật đã được PGS.TS Bùi Minh Trí và TS Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai công bố trong Hội nghị thông báo những phát hiện mới về Khảo cổ học vào năm 1992. Theo TS Nguyễn Thị Kim Vân, bức phù điêu được người dân địa phương tìm thấy năm 1978 ở khu vực H. Ayun Pa (gồm TX Ayun Pa và 3 huyện: Krông Pa, Ia Pa và Phú Thiện của tỉnh Gia Lai ngày nay) bên dấu vết đổ nát của một công trình kiến trúc, ngờ đó là tháp Chăm. Sau đó, bức phù điêu được giao lại cho Phòng Văn hóa–Thông tin H. Ayun Pa và đến năm 1988 được bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ngay sau khi công bố, bức phù điêu Phật đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu khi đây là hiện vật thuộc nền văn hóa Chămpa xuất hiện sớm nhất tại Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Phù điêu tạc hình một pho tượng Phật cao 44cm trên một phiến sa thạch hình chữ nhật màu xanh xám. Xung quanh tượng Phật là khung diềm hình lá bồ đề đường kính 36x23x50cm. Tượng Phật thể hiện tư thế tọa thiền khi đức Phật đi đến giác ngộ, Ngài xếp bằng, 2 tay đặt trước bụng, ngón tay duỗi thẳng, gan bàn tay ngửa lên trên. Bức phù điêu được tạc dù không mềm mại nhưng vẫn thể hiện được khuôn mặt hình trái xoan, đôn hậu, cặp lông mày rậm, dài cong xuống đôi mắt, sống mũi cao, thẳng, môi dày và khép vào nhau. Hai tai to và dài xuống tận cằm. Đầu tượng đội mũ chóp hình cánh sen, giữa trán tượng gần với vành mũ có 1 dấu chấm tròn nổi nằm trong một vòng tròn. Phần thân tượng Phật thể hiện bức tượng mình trần, bụng to, bờ vai nhô cao lên tạo thế cổ tượng bị rụt lại…

Đặc biệt, phía sau bức phù điêu được khắc kín chữ, theo Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn,  đó là 4 dòng chữ Chăm cổ được khắc dọc theo phiến đá thể hiện bài kệ Pháp thân. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, những dòng chữ này thuộc loại chữ Nam Ấn, có niên đại thế kỷ VI-VII (thuộc hệ Brahmi). Dựa vào đó, các nhà nghiên cứu đã dịch nghĩa: “1. Đạo pháp là căn nguyên. 2. Đức Chân Thiện (Tathàgatô = Phật) cũng nói về căn nguyên. 3. Dù không còn sự hiện hữu. 4. Đại Sa Môn (Mahàsramanah = Phật) đã nói như thế”. TS Nguyễn Thị Kim Vân cho biết: đây là hiện vật độc bản, độc đáo, đánh dấu sự hiện diện của văn hóa Chăm trên vùng đất Tây Nguyên. Bức phù điêu không chỉ có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thể hiện những giá trị tư tưởng, nhân văn, thẩm mỹ tiêu biểu của văn hóa Chămpa trong một giai đoạn lịch sử còn lưu lại trên mảnh đất này. Ngày 25-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận bức phù điêu Phật Chămpa là một trong những bảo vật Quốc gia.

Những hiện vật thuộc văn hóa Chăm Pa được tìm thấy tại khu vực tỉnh Gia Lai.

Dấu ấn văn hóa Chămpa

Trước đó, vào năm 2006, các cán bộ Bảo tàng tỉnh Gia Lai phát hiện di tích tháp Chăm Bang Keng tại khu vực xã Krông Năng (H. Krông Pa) – cùng với khu vực đã phát hiện bức phù điêu. Nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng bức phù điêu Phật là một hiện vật vốn ở ngôi tháp này. Tuy nhiên, ngôi tháp đã bị sập đổ hoàn toàn phần trên, lòng di tích bị đào bới nghiêm trọng, qua khai quật đã làm xuất lộ toàn bộ phần còn lại của di tích với phần chân móng. Kết quả khai quật xác định được di tích Bang Keng có bình đồ hình vuông, cửa mở về hướng Đông và có niên đại vào khoảng thế kỷ VII-VIII. Theo TS Nguyễn Thị Kim Vân, không chỉ có tháp Chăm Bang Keng mà ngay tại khu vực thị xã Ayun Pa vẫn còn những phế tích của các tháp Chăm khác như: Yang Mum, Dran Glai và phế tích nơi cư trú Kuai Kinh. Dù không còn nhiều hiện vật nhưng vẫn để lại những dấu ấn về một thời tồn tại cư dân người Chăm trên mảnh đất Tây Nguyên. “Văn hóa Chămpa không chỉ để lại dấu vết vật chất mà còn hòa quyện, đan xen vào đời sống tâm linh của cư dân bản địa. Người Gia Rai ở thung lũng Ayun Pa còn gọi Yang Mum là Yă HMum. Ngày nay, khi thực hiện những nghi lễ của đồng bào Gia Rai trong khu vực này vẫn gọi Yă HMum, Dran Lai… cùng về dự lễ như những vị thần của dân tộc mình, dù nhiều người không biết rõ xuất xứ”, TS Nguyễn Thị Kim Vân cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng lưu giữ bức phù điêu Phật thuộc văn hóa Chămpa tương tự như bức phù điêu được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là bức phù điêu cũng được tìm thấy tại khu vực Ayun Pa. Phía sau bức phù điêu này cũng được khắc kín chữ Chăm cổ, theo Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn thì còn 6 dòng  chữ với nghĩa được dịch là: “Các pháp đều do nhân duyên sinh ra. Đấng Như Lai đã thuyết về nguyên nhân cũng như sự tiêu diệt chúng, chính Người, Đức Đại Sa Môn đã nói như vậy”. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn, văn bản này được khắc bằng kiểu chữ có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI-VII.

Ngoài những di tích, hiện vật trên, Gia Lai cũng còn những di tích, di vật khác liên quan đến văn hóa Chămpa như: bia đá Chăm ở H. Đăk Pơ (có niên đại giữa thế kỷ XV), các di tích văn hóa Chăm nằm dưới lớp trầm tích văn hóa Tây Sơn thượng đạo tại cụm di tích nền nhà – Hồ nước ông Nhạc (xã Yang Nam, H. Kông Chro), bức tượng Phật bằng sa thạch được lưu giữ tại chùa Bửu Minh... Điều đó là bằng chứng một thời kỳ lịch sử hiện hữu của nền văn minh Chămpa trên mảnh đất Tây Nguyên.

MINH TÂN