Đầu bếp chuyên nghiệp - nhìn từ một cuộc thi

Thứ sáu, 07/08/2015 10:59

(Cadn.com.vn) - Vòng sơ tuyển cuộc thi "Chiếc thìa vàng năm 2015" khu vực Trung Trung Bộ đã khép lại với việc 18 đầu bếp của 6 đội/42 đầu bếp của 14 đội dự thi được ban giám khảo (BGK) chọn lựa để đi tiếp vào vòng tranh tài cùng các đầu bếp chuyên nghiệp đến từ các vùng, miền trên cả nước. Trong 6 đội được chọn, Huế có 4 đội, Đà Nẵng, Quảng Nam, mỗi tỉnh thành 1 đội.

Bên cạnh việc tôn vinh và nâng văn hóa ẩm thực Việt ngang tầm với quốc tế, cuộc thi còn là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các đầu bếp Việt Nam đam mê, tìm tòi, sáng tạo các món ăn Việt. Có tận mắt chứng kiến các đầu bếp trổ tài nghệ tại cuộc thi dưới sự giám sát chi li của BGK "khó tính", mới thấy, đầu bếp Việt Nam nói chung, đầu bếp khu vực Trung Trung Bộ nói riêng không thiếu tài năng, sự tinh tế cũng như tính sáng tạo, phá cách, nhưng lại để mất điểm ở những điều tưởng như... rất nhỏ. Trong đêm trao giải, sau khi chỉ ra các lỗi đáng tiếc này, đại diện 7 vị trong Ban cố vấn, BGK chuyên môn và BGK khách mời, chuyên gia ẩm thực dân gian Việt Chiêm Thành Long đã cho rằng, muốn trở thành đầu bếp chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế, các đầu bếp Việt Nam không được khinh suất, xem nhẹ vấn đề này...

Trước hết, đây đã là mùa thi thứ ba và dù đã được BGK nhắc nhở rất nhiều, nhưng vẫn có không ít đầu bếp không thực hiện đúng tác phong, trang phục theo quy chuẩn quy định như mang giày, dép không đúng quy chuẩn, đeo trang sức, nhẫn đeo tay trong khi chế biến thức ăn. Trong quá trình thực hiện các thao tác chế biến món ăn, một số đội chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp như còn thiếu ngăn nắp, bừa bộn trong bày biện thực phẩm trong gian bếp. Một số đội thiết kế thực đơn chưa được hài hòa, phù hợp về chế độ dinh dưỡng. Tuy không nhiều, nhưng vẫn có một số đầu bếp chưa đảm bảo quy trình chế biến, còn vi phạm lỗi kỹ thuật như khi sử dụng chảo chống dính không dùng dụng cụ bằng gỗ  mà dùng dụng cụ bằng kim loại... Đặc biệt hơn, có một số đầu bếp xem nhẹ việc phân loại rác sau khi chế biến thức ăn...





Các món ăn đậm đà hương vị, bản sắc Việt được các đầu bếp khu vực Trung Trung Bộ phá cách tạo nên những món ăn vừa lạ, vừa quen... Ảnh: P.T

Trên hành trình đưa văn hóa ẩm thực Việt cạnh tranh thị trường quốc tế, các đầu bếp phải đạt được tính chuyên nghiệp theo quy chuẩn quốc tế. Vì thế, không nên xem nhẹ những lỗi mà BGK chỉ ra trong cuộc thi vừa qua...Thông qua cuộc thi này, điều mà "Chiếc thìa vàng" muốn hướng tới là: Nâng tinh hoa ẩm thực nước nhà ngang tầm quốc tế, góp phần phát triển và làm giàu nền văn hóa ẩm thực Việt, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực quốc gia để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Để làm được điều này, đầu bếp chuyên nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Nói như chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long rằng, phải làm sao để nâng cấp được những món ăn mang đậm hương vị vùng miền lên một tầm cao hơn, để du khách nước ngoài khi thưởng thức văn hóa ẩm thực Việt Nam vừa thấy nó vừa quen mà vừa rất lạ, vừa ngon mà phải vừa lành...

Một trong những điểm tạo nên sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực của mỗi quốc gia chính là nguyên liệu và gia vị. Gia vị trong văn hóa ẩm thực Việt rất độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng, miền. Tuy nhiên, giá trị của nó đến nay vẫn chưa được các chuyên gia ẩm thực, các đầu bếp Việt khai thác, tìm tòi, khám phá hết. Nói như ông Chiêm Thành Long: "Chúng ta quen sử dụng gia vị tươi, chưa tính toán việc sơ chế hoặc tinh chế, làm tăng giá trị thương mại của nguyên liệu, gia vị. Nhiều loại gia vị đặc biệt ở các địa phương vẫn chưa phát huy hết giá trị...Vẽ ra được bản đồ gia vị Việt Nam đồng nghĩa với việc tìm ra con đường giao thoa văn hóa ẩm thực, phát triển nền ẩm thực chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế".

Đồng hành cùng với các đầu bếp, chuyên gia trong hành trình đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ra toàn thế giới còn phải kể đến vai trò quan trọng của công tác tổ chức quảng bá, truyền thông... Ví như ở đất nước Hàn Quốc, có thể nói, gần 20 năm qua, ngành công nghệ điện ảnh Hàn Quốc đã đóng góp một vai trò vô cùng lớn trong việc xây dựng thương hiệu, đưa văn hóa ẩm thực của xứ sở Kim Chi ra toàn thế giới. Không ít người sau khi xem xong bộ phim "Nàng Dae Jang Geum" đều mong muốn đặt chân đến xứ sở này để được thưởng thức những món ăn được chiếu trong phim. Ngành du lịch ở đất nước này đã thu về tiền tỷ nhờ công nghệ quảng bá từ bộ môn nghệ thuật thứ 7 này... Thực tế, ẩm thực Việt Nam không thua kém gì nước bạn, thậm chí có khi còn tươi, ngon, bổ, rẻ hơn. Vì sao đến nay, văn hóa ẩm thực Việt vẫn chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế? Vấn đề này không chỉ thuộc về trách nhiệm của các chuyên gia ẩm thực, của các đầu bếp tài nghệ, yêu và đam mê sáng tạo các món ăn Việt, mà còn là trách nhiệm của giới truyền thông, của chính mỗi người dân Việt Nam...

P.T