Dấu chấm hết cho triều đại Mugabe

Thứ năm, 23/11/2017 09:47

Tuyên bố từ chức, vốn đặt dấu chấm hết cho triều đại kéo dài 37 năm của Tổng thống Robert Mugabe, đã mở đường cho những cuộc ăn mừng từ tòa nhà Quốc hội cho đến mọi ngóc ngách trên đường phố cả nước.

Ông Emmerson Mnangagwa (phải) - từng là nhân vật thân cận nhất của Tổng thống Robert Mugabe (trái) – được cho sẽ lên nắm quyền ở Zimbabwe.    㠼em>Ảnh: EPA

Tổng thống Robert Mugabe đã khiến Zimbabwe và cả thế giới đi từ giận dữ đến bất ngờ khi ông cuối cùng tuyên bố từ chức vào cuối ngày 21-11 ᠨgiờ địa phương), kết thúc 37 năm nắm quyền trong danh tiếng và cả tai tiếng.

Tuyên bố từ chức của ông Mugabe, dù là điều được dự đoán là không tránh khỏi, nhưng cũng khiến nhiều người bất ngờ vì nó đưa ra trong lúc các nghị sĩ bắt đầu họp để truất phế vị tổng thống 93 tuổi. Tại Quốc hội, các nghị sĩ ôm nhau, reo hò vui mừng. Hàng ngàn người dân Zimbabwe đổ ra đường ăn mừng trước sự kiện mà họ tuyên bố là “trọng đại nhất” trong hàng chục năm qua ở Zimbabwe. Khắp thủ đô Harare, ở đâu cũng vang lên tiếng reo hò, tiếng còi báo hiệu kết thúc thời đại Mugabe.

Thỏa thuận "ra đi trong hòa bình”

Dù thực tế, đã mất quyền lực từ hôm 15-11 khi các tướng lĩnh quyết định can thiệp chính trị, ông Mugabe vẫn phớt lờ và tỏ ra không hợp tác.

Thậm chí, ông Mugabe còn tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ. “Tổng thống Mugabe dùng nhiều thủ thuật khác nhau như tuyệt thực, đe dọa và từ chối nói chuyện”, một nguồn tin cho biết. Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 19-11, ông Mugabe cũng không nhắc đến khả năng từ chức dù Zanu-PF đã cho vị lãnh đạo 93 tuổi này 24 giờ đồng hồ để từ chức hoặc phải đối mặt với phiên luận tội. Động thái làm dấy lên những chỉ trích gay gắt và khiến Quốc hội quyết tâm mở quá trình luận tội tổng thống.

Giới quan sát cho rằng, trước khả năng bị kết tội với một tương lai mịt mờ, ông Mugabe đã quyết định từ chức để “ra đi trong hòa bình”. Theo CNN, các cuộc đàm phán về tương lai của ông Mugabe diễn ra và tổng thống chấp ፮hận từ chức với nhiều yêu sách, trong đó có quyền miễn trừ truy tố cho ông và vợ, bà Grace, đồng thời cho ông giữ lại toàn bộ tài sản. Theo nguồn tin ngoại giao mà WikiLeaks tiết lộ, Tổng thống Mugabe có tài sản khoảng 1,3 tỷ USD, chủ yếu là đầu tư bên ngoài Zimbabwe. Theo đó, ông Mugabe sở hữu nhiều tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ, quần đảo Bahamas. Bà Grace được cho là đã mua một số bất động sản tại khu ngoại ô giàu có ở Johannesburg, Nam Phi và có thể sở hữu nhiều bất động sản tại Malaysia, Singapore và Dubai.

Người dân Zimbabwe đổ xuống đường ăn mừng khi Tổng thống Mugabe từ chức.  Ảnh: AFP

Ai sẽ thay thế ông Mugabe?

Tuyên bố từ chức của ông Mugabe kích hoạt cuộc tranh cãi về việc ai sẽ lên nắm quyền ở Zimbabwe bởi trong thư từ chức, vị tổng thống 93 tuổi này không cho biết ai sẽ kế nhiệm ông.

Theo hiến pháp, Phó Tổng thống sẽ tiếp quản quyền lực trong vòng 90 ngày. Như vậy, người nắm quyền sẽ là ông Mphoko Phelekezela, 77 tuổi, được cho là thân cận với bà Grace Mugabe. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, Phó Tổng thống Phelekezela hiện không ở trong nước. Mọi con mắt đổ dồn về cựu Phó Tổng thống Mnangagwa – nhân vật bị ông Mugabe cách chức để đưa vợ lên thay. Ông Mnangagwa được cho chính là người đứng đầu cuộc lật đổ Tổng thống Mugabe. Hôm 19-11, ông Mnangagwa được chỉ định làm Chủ tịch đảng cầm quyền Zanu-PF thay ông Mugabe.

Trả lời Reuters, Thư ký pháp lý của đảng cầm quyền Zanu-PF Patrick Chinamasa cho biết, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 22 hoặc 23-11, sẽ đảm đương phần còn lại trong nhiệm kỳ của ông Mugabe, cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử, sẽ phải được tổ chức vào tháng 9-2018. Vì sao cựu phó Tổng thống Mnangagwa được “chọn mặt gửi vàng”?

Vị chính trị gia 75 tuổi này là một trong những nhân vật “cánh tay phải” thân cận nhất của ông Mugabe, từng nắm giữ những vị trí quan trọng như Bộ trưởng An ninh, Quốc phòng và Tài chính, cũng như Chủ tịch Quốc hội. Với việc được bổ nhiệm chức vụ phó tổng thống vào năm 2014, ông Mnangagwa được xem như là người kế nhiệm của vị lãnh đạo nắm quyền lâu đời nhất ở Châu Phi. Tuy nhiên, ông Mnangagwa bất ngờ bị sa thải hồi đầu tháng này, trong động thái được cho là nhằm dọn đường cho bà Grace Mugabe lên nắm quyền ở nước này.

Nhưng ông Mnangagwa có quan hệ gần gũi với quân đội, lực lượng vốn lo sợ trước sự nổi lên của bà Grace, và các tướng quyết định can thiệp chỉ sau 1 tuần ông Mnangagwa bị sa thải. “Tôi nghĩ, cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ nhanh chóng tuyên thệ nhậm chức”, Derek Matyszak, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu An ninh Pretoria, nói với AFP.

Vẫn còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, cái tên Mnangagwa cũng không phải là “làn gió mới” cho nền chính trị Zimbabwe.

Ông Mnangagwa được biết đến với biệt danh “Ngwena” (Cá sấu) vì sức mạnh đáng sợ và sự tàn nhẫn. Vị chính trị gia này từng gây sốc với tuyên bố, đã được dạy để “tiêu diệt và giết người”. Ông Mnangagwa được cho là liên quan đến vụ thảm sát tộc người Ndebele ở Matabeleland, tây nam Zimbabwe trong hai năm 1983-1984. Việc ông Mnangagwa ủng hộ chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Mugabe, đặc biệt là việc ông buộc các Cty nước ngoài giao phần lớn cổ phần cho người dân địa phương, khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi về việc ông Mnangagwa sẽ lãnh đạo đất nước, vốn nằm trong vòng cai trị gần 40 năm qua của người tiền nhiệm Mugabe, như thế nào. Dù vậy, nhiều người vẫn kỳ vọng nhiều vào một sự thay đổi lớn dưới thời ông Mnangagwa. Trong tuyên bố đưa ra hôm 21-11, ông Mnangagwa nói rằng, tất cả các tầng lớp xã hội ở Zimbabwe phải đoàn kết cùng nhau để xây dựng lại nền kinh tế tan vỡ và xã hội phân cực sâu sắc. Tuy nhiên, căn bệnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng nghiêm trọng ở Zimbabwe không phải có thể dễ dàng chữa lành trong một sớm một chiều.

KHẢ AN

Phản ứng của các nước

* Trung Quốc ngày 22-11 tuyên bố  nước này tôn trọng quyết định từ chức của Tổng thống Mugabe.

* Mỹ gọi quyết định từ chức Tổng thống Zimbabwe của ông Robert Mugabe là “thời khắc lịch sử” và kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

* Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, quyết định từ chức Tổng thống Zimbabwe của ông Mugabe đã cho quốc gia Châu Phi này một cơ hội để tạo ra một con đường mới, và thoát khỏi áp bức.

* Liên minh Dân chủ Đối lập Nam Phi hoan nghênh động thái này, nói ông Mugabe đã chuyển từ “nhà giải phóng sang nhà độc tài”.