Đau đáu biển khơi
Ở những ngôi làng chạy dọc theo bờ biển Đà Nẵng như Nam Ô, Mân Thái, Nam Thọ hay Phước Mỹ, vẫn còn đó những ngư dân đau đáu với chuyện nghề, chuyện biển. Biển không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế, mà còn nuôi dưỡng giấc mơ một đời gắn bó với con nục, con tôm...
Dù không trực tiếp ra biển nhưng ông Cao Văn Minh (thứ 2, từ phải sang) luôn đồng hành cùng ngư dân trong các hoạt động vươn khơi bám biển. Ảnh: Tuấn Lê |
“Gần 20 năm trước, trong một bài viết về những con đường ven biển Đà Nẵng, tôi đã hình dung đường ven biển không nên chỗ nào cũng nằm sát biển, càng không nên nằm sát theo kiểu biển một bên và đường một bên. Và, Đà Nẵng sẽ hấp dẫn hơn, gợi cảm hơn khi dọc đường biển cứ thoắt ẩn thoắt hiện, lúc gần lúc xa là những khu nghỉ dưỡng ven biển xen kẽ với cánh rừng, với công viên và những làng chài, nơi có những ngư dân luôn đau đáu chuyện nghề, chuyện biển”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng. |
Làng Nam Thọ, P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà) giờ không mấy người theo nghề biển, hoặc có ra khơi cũng chỉ quanh quẩn ven bờ bằng thuyền công suất nhỏ. Biển trở thành nỗi nhớ của người già. Ông Nguyễn Văn Hưng (76 tuổi) nói rằng, mình lớn lên ở làng Nam Thọ, từ thời chập chững biết đi đã theo ba má lăn lóc trên bãi biển và gắn với nghề biển giã như điều tất yếu của thanh niên, trai tráng trong làng. Thế hệ của ông Hưng đã giã từ “lộc biển”, nhường con thuyền cho lớp trẻ mưu sinh.
Ngư dân Trần Ngọc Vinh, người làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam(quận Liên Chiểu) có kinh nghiệm hơn 40 năm đi biển, cũng bắt đầu thưa dần những chuyến ra khơi, dồn tâm sức cho việc bảo tồn văn hóa biển. Hơn 10 năm qua, ông luôn đảm nhận vai trò Ban tổ chức Lễ hội cầu ngư làng Nam Ô, thuộc lòng các bài văn khấn, các bước tế cáo của làng. “70 tuổi, việc ra biển của tôi bây giờ dựa vào con nước, khỏe thì đi, mệt quá thì thôi. Chuyện kinh tế bây giờ không còn quan trọng nữa, đi vì nhớ nghề, nhớ biển là chính”, ông Vinh nói. Giờ làng Nam Ô hiện không còn thuyền công suất lớn. Cả làng còn hơn 100 hộ dân làm nghề đánh bắt hải sản bằng ghe nhỏ và thúng chai. Hằng ngày, dân làng Nam Ô bắt đầu ra khơi từ 17-18 giờ chiều và trở về bến khi đồng hồ nhảy sang 4-5 giờ sáng hôm sau. Bãi biển Nam Ô trở nên nhộn nhịp từ 5-7 giờ sáng, khi người dân mua, bán, trao đổi cá, tôm mang từ biển về.
Vừa đi biển, một số lão ngư vừa tham gia vào “Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản” (gọi tắt là Tổ cộng đồng - P.V). Nhiệm vụ của các Tổ cộng đồng là theo sát các hoạt động khai thác vùng biển, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng về hành vi khai thác tận diệt bằng mổ mìn hoặc xung điện, tuyên truyền, vận động du khách, người dân địa phương chung tay bảo vệ môi trường biển. Ông Nguyễn Dinh, Tổ trưởng Tổ cộng đồng phường Thọ Quang cho biết, 21 thành viên trong tổ đều xuất thân từ nghề biển, khai thác kết hợp tuần tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, rạn san hô ven bờ. Ông Dinh cho hay: “Bảo vệ biển nghĩa là bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho mình. Chúng tôi không cho phép những đối tượng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, xâm hại môi trường biển và các rạn san hô”.
Dành nhiều tâm huyết cho hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Từ Văn Sáu, Tổ phó Tổ cộng đồng phường Thọ Quang chia sẻ, vài năm trở lại đây, khi xu hướng du lịch sinh thái ngày càng phát triển, nhiều tàu du lịch chở khách đi lặn ngắm san hô ở các bãi quanh bán đảo Sơn Trà như Bãi Nam, Bãi Nồm, Bãi Bụt, Bãi Cát Vàng... khiến lượng công việc của tổ khá lớn. Theo ông Sáu, các hoạt động đưa khách lặn ngắm san hô ở Đà Nẵng hiện còn manh nha, sơ sài, tự phát, người lặn lẫn người lái tàu chưa có kỹ năng bảo vệ rạn san hô, chỉ cần thả con neo không đúng vị trí là cả rạn san hô bị cào đứt.
Đà Nẵng hiện có 4 tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản với hàng trăm ngư dân đang sinh hoạt và âm thầm bảo vệ tài nguyên biển.
Chuyện biển, chuyện đời làm những lão ngư xích lại gần nhau. Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà) có 2 con trai theo nghề biển. Dịp cuối năm, ông thường đến chung vui với các tổ sản xuất trên địa bàn, mừng một năm đánh bắt trên biển bình yên. Nhiều ngư dân ở phường Nại Hiên Đông nói, ông Minh cái gì cũng biết, không chỉ là văn hóa vùng biển, nơi ông nhiều năm làm chủ tế lễ hội cầu ngư, mà ông còn theo sát chuyện vươn khơi, chuyện tàu đóng theo Nghị định 67, chuyện con cái nhà ai theo nghề, ai bỏ ngang nửa chừng và đưa ra những nhận định, đánh giá khá chính xác.
Ông Minh luôn mang nỗi niềm bám biển. Là chủ hai con tàu công suất lớn chuyên đánh bắt dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ông luôn động viên con trai mỗi khi chúng có biểu hiện chùn chân. Ông Minh chia sẻ: “Nói gì thì nói, vất vả đó, nhưng biển đã mang lại cho vợ chồng tôi và con cái sự ấm no. Nhờ khoản tiền dành dụm từ “lộc biển”, các con đã xây dựng được nhà riêng, trở thành thuyền trưởng, thay cha bám biển, theo những chuyến hải trình dài ngày”.
Là người đau đáu với văn hóa vùng biển, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng nói rằng, quá trình đô thị hóa sôi động vài thập niên khiến miền biển Đà Nẵng dần mất đi các làng chài, kéo theo quy mô cộng đồng cư dân ngư nghiệp bản địa ngày càng ít dần. Cùng với đó, những di sản vật thể của văn hóa dân gian miền biển như đền thờ Cá Ông, lăng, miếu hoặc bị xóa sổ, hoặc trở nên vô hồn, lạc lõng giữa các dãy nhà cao tầng. Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, có rất nhiều di sản vật thể văn hóa dân gian vùng biển nay không còn nữa vì quyết định quy hoạch chưa hợp lý từ những người chưa thực sự hiểu biết về quá khứ, về lịch sử, văn hóa vùng biển. Những điều này vô hình chung khiến văn hóa làng biển ngày càng mai một, sai lệch so với nguyên bản truyền thống.
TIỂU YẾN