Đau đáu với rừng Sơn Trà
(Cadn.com.vn) - “Qui trình, qui hoạch ai đẻ ra? Có những qui hoạch làm theo ý kiến của ai đó chứ chưa hẳn xuất phát từ cơ sở khoa học. Làm qui hoạch rừng phải hiểu đời rừng hàng trăm năm, phải nghĩ chu kỳ của rừng hàng nghìn năm, anh không biết lo xa sẽ vấp gần. Giờ phải mất hàng trăm năm mới phục hồi được rừng Sơn Trà”-nhà lâm học Hoàng Đình Bá, nguyên Phó trưởng Ty lâm nghiệp Quảng Nam- Đà Nẵng, người luôn đau đáu với rừng quốc gia Sơn Trà đã chia sẻ với chúng tôi như vậy khi đề cập tới hệ sinh thái rừng Sơn Trà đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Trong kho tàng khoảng 7.000 tài liệu về lâm học mà nhà lâm học Hoàng Đình Bá (trú đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng) đang sở hữu có nhiều tài liệu giá trị, nghiên cứu chuyên sâu về rừng Sơn Trà. Cụ Bá kể, cái biệt danh “thần rừng” gắn với mình nhờ cả đời tâm huyết nghiên cứu về rừng từ Cúc Phương, Yên Tử, Sơn Trà... Từng là sinh viên khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa về lâm nghiệp, năm 1957, khi cụ Bá sang Liên Xô dự hội nghị chuyên ngành đã gặp Bác Hồ, Bác đã nói một câu mà suốt đời cụ không quên, đại ý: Bây giờ cả nước lo đánh Mỹ, đó là địch họa. Nhưng khi giải phóng rồi chúng ta còn phải lo thiên tai. Ngay từ giờ, phải lo đến vấn đề đó. Năm 1970, cụ Bá được lệnh trở về chiến trường miền Nam nhưng không phải để chiến đấu mà là để nghiên cứu về kinh tế hậu chiến, trong đó đặc biệt là vấn đề thiên tai.
Rừng Sơn Trà là hòn ngọc quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt, không nên qui hoạch cho xây dựng các công trình khai thác du lịch. |
Trước đó, khi ở miền Bắc, cụ Bá được nghe báo về trận lụt lịch sử năm Thìn, cướp đi sinh mạng hàng ngàn người. Khi vừa về đến Đà Nẵng nhận nhiệm vụ, được lãnh đạo Khu ủy Khu V hỏi ý kiến liên quan tới trận lụt lịch sử năm Thìn, cụ Bá đã trả lời từ nay phải chấm dứt việc phá rừng trồng sắn. Ý kiến của cụ Bá được lãnh đạo Khu V lúc đó rất tán thành. Trong ngày thứ 2 về nhận nhiệm vụ, cụ Bá cùng với một cán bộ lâm nghiệp địa phương tức tốc đi vào rừng Sơn Trà để nghiên cứu thực địa. Lúc đó rừng Sơn Trà còn nguyên sinh, một số địa điểm nhỏ là thứ sinh. Địch cũng không làm gì nhiều ở Sơn Trà, ngoại trừ một sân bay trực thăng nhỏ và trên đỉnh có “mắt thần” có thể quan sát cả vùng Hòa Vang và ra tận Hoàng Sa.
Từng quản lý rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) nên cụ Bá hiểu rất rõ thế nào là rừng quốc gia, khi về rừng Sơn Trà thực địa, cụ Bá khẳng định đây đúng là rừng quốc gia. Trong bức thư gửi ra Hà Nội báo cáo cấp trên, cụ Bá kết luận Sơn Trà là rừng quốc gia, nhưng có những đặc điểm mà ngay cả Cúc Phương cũng không có được. Sau giải phóng, rừng Sơn Trà được công nhận là một trong 10 rừng quốc gia ở miền Nam. Về phía địa phương lúc đó cũng liên tiếp ban hành 2 văn bản cấm nghiêm ngặt việc phá rừng, mặc dù thời điểm đó tại khu vực Suối Đá của rừng quốc gia Sơn Trà người dân đã kéo lên phá rừng với diện tích khoảng 20 ha. Bằng việc kiểm tra nghiêm ngặt, rừng Sơn Trà lúc đó đã được bảo vệ...
Cụ Bá chia sẻ những nghiên cứu của mình về rừng Sơn Trà. |
Trở lại câu chuyện của rừng Sơn Trà hôm nay, qua những tài liệu nghiên cứu khoa học, cụ Bá nói giờ nó chẳng phải là nguyên sinh hay thứ sinh nữa, mà là rừng dây leo, bụi rậm. Quá trình đốn cây, phá rừng diễn ra âm ỉ vài chục năm nay. “Khoa học đã chứng minh rồi, 80% nguyên nhân của thiên tai do con người gây ra, chỉ có 20% do biến đổi khí hậu thôi”-cụ Bá nói. Từ sau giải phóng đến nay, tại khu vực Suối Đá nơi có 20ha rừng bị phá từ trước, cụ Bá và những nhà lâm học đã lập khu khảo cứu sinh quyển (gồm rừng, nước, đất, khí hậu) để cho ra những thông số khoa học xác thực về Sơn Trà. “Nhiệt độ cao nhất dưới tán rừng Sơn Trà lúc 14 giờ là khoảng 32 độ. Nhiệt độ tại những khu đồi trọc khoảng 35 độ, đặt biệt tới gần khu vực chùa Linh Ứng, nơi bị bê-tông hóa cao tới 46 độ. Khi có gió đông sẽ đẩy luồng không khí về phía Vũng Thùng, khiến nhiệt độ ở đây nóng bất thường”-cụ Bá giải thích.
Về nguồn nước, cụ Bá kể, khi mới giải phóng cụ xuống hồ ở bờ đập Suối Đá tắm, thực chất để xem độ sâu của hồ, nhiều người dân trông thấy bảo cụ phải lên ngay vì nước sâu phải qua ngọn tre. Nhưng giờ Suối Đá đã thành suối khô, kéo theo 16 con suối khác không có nước, các loài sinh vật, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu rất khó tồn tại. Những nghiên cứu của cụ Bá cũng cho thấy địa bàn cư trú, thức ăn, nguồn nước của các sinh vật trong rừng Sơn Trà đang bị thu hẹp. “Sơn Trà không chỉ là lá phổi của Đà Nẵng, hệ sinh thái rừng Sơn Trà là hòn ngọc quí của quốc gia và thế giới, phải tuyệt đối giữ yên tĩnh cho Sơn Trà. Đã là rừng quốc gia thì chỉ dành cho nghiên cứu khoa học để bảo tồn, không nên cho làm du lịch ồn ào, đưa khách ồ ạt lên rừng. Phải nghiên cứu bảo tồn rừng Sơn Trà để xây dựng nền tảng bền vững cho phát triển kinh thế, chứ không phải xẻ đất qui hoạch dự án du lịch, đưa khách vào phá vỡ đi không gian yên tĩnh của Sơn Trà. Nếu anh không biết lo xa thì sẽ vấp gần”- nhà lâm học lão luyện Hoàng Đình Bá bộc bạch.
Dành tâm huyết cả đời nghiên cứu về rừng, đặc biệt luôn đau đáu với Sơn Trà, cụ Bá cho biết vẫn có cách để cứu rừng Sơn Trà. Nhưng trước tiên, cần giữ nguyên hiện trạng rừng Sơn Trà, không nên qui hoạch làm du lịch, hoặc qui hoạch theo hướng để bảo tồn chứ không phải nặng về khai thác. “Qui hoạch chưa đúng thì phải sửa, qui hoạch do con người đẻ ra, nó phải xuất phát từ cơ sở khoa học”-cụ Bá kết luận.
Hải Quỳnh