Đau đầu với vấn nạn văn bằng, chứng chỉ giả
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cứ mỗi năm lại “nóng” lên chuyện các cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các loại văn bằng, chứng chỉ giả, có người còn nhờ những văn bằng này để “ngồi” đến ghế giám đốc sở. Hay mới đây, có người còn làm đến cả Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy trong khi bị tố sử dụng bằng đại học dỏm.
CQĐT CA tỉnh Gia Lai tịch thu số lượng lớn văn bằng, chứng chỉ giả. |
Từ đường dây bằng giả...
Đầu năm 2017, TAND tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với 10 đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả. Đây là đường dây cung cấp loại chứng chỉ, bằng cấp giả trải dài từ Bắc - Trung - Nam và cả địa bàn Tây Nguyên đã bị CA tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ CA và CA nhiều tỉnh, thành phố triệt phá.
10 đối tượng bị đưa ra xét xử gồm: Hoàng Đức Huấn (1986, trú thôn Hạ, xã Liên Trung, H. Đan Phượng, Hà Nội, nguyên chuyên viên Phòng Nội vụ H. Đan Phượng), Trịnh Văn Chung (1989, xã Nghĩa Hưng, Nam Định), Lê Quang Phát (1991, trú Q. Thanh Xuân, Hà Nội), Lê Quang Lâm (1988, trú H. Yên Thế, Bắc Giang), Trịnh Văn Nam (1990, trú H. Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Võ Nguyễn Xuân Đan (1972, giáo viên tiểu học tại TX Tân Châu, An Giang), Nguyễn Quốc Hương (1976, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc), Phạm Thị Hồng An (1994, trú P. Tiền Phong, TP Thái Bình, Thái Bình), Bùi Thị Mỹ Phương (1990) và chồng là Đinh Thanh Lam (1987, trú xã Bàu Cạn, H. Chư Prông, Gia Lai). Điều đáng nói, 10 bị cáo đều có trình độ từ trung cấp đến đại học và Huấn là kẻ cầm đầu đường dây này.
Để sản xuất các văn bằng, chứng chỉ giả, Huấn đã mua hơn 14.000 phôi chứng chỉ tiếng Anh, Tin học với giá 130 triệu đồng. Sau đó, tiếp tục mua 4.400 tem bảy màu giả của Bộ Giáo dục từ một người tên Nguyên (không rõ địa chỉ) giá 30.000 đồng/tem và mua 2 con dấu giả của Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ một người tên Huy (không biết địa chỉ) qua mạng Internet giá 4 triệu đồng/con dấu.
Liên quan đến địa bàn tỉnh Gia Lai, ngay từ bước đầu, CQĐT xác định có hơn 20 đối tượng đã mua các loại văn bằng, chứng chỉ giả của Bùi Thị Mỹ Phương. Điều lo ngại là đa phần trong số những đối tượng mua, sử dụng chứng chỉ giả này lại có cả những công chức, nhân viên công tác tại các đơn vị sự nghiệp, thậm chí là giáo viên. Chỉ với giá 550 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, những đối tượng này đã mua các chứng chỉ giả như: Tin học, tiếng Anh để bổ sung vào hồ sơ của mình. Đối tượng Phương cùng chồng khi bán mỗi chứng chỉ thu lợi 400 - 500 ngàn đồng. CQĐT cũng đã xác định được 360 đối tượng mua chứng chỉ, văn bằng giả của các bị can; thu giữ được 273 chứng chỉ, bằng cấp giả. Cơ quan ANĐT CA tỉnh Gia Lai đã cung cấp thông tin, tài liệu và có văn bản đề nghị CA các địa phương, các cơ quan chủ quản xử lý riêng đối với các đối tượng này.
Nhờ giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT giả này mà ông Huỳnh Ngọc Tục đi học bổ sung các văn bằng khác để làm đến chức Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai. |
...Vấn nạn sử dụng bằng giả
Tại Gia Lai, câu chuyện ông Huỳnh Ngọc Tục - nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai sử dụng giấy chứng nhận tốt nghiệp Bổ túc văn hóa giả mạo để đi học lấy bằng Đại học Luật, bằng Cao cấp Lý luận Chính trị trở thành “tâm điểm” vào những năm trước. Nhờ các loại bằng cấp trên, ông Tục đã làm đến chức Giám đốc Sở Công Thương. Đồng thời, ông Tục khai man trình độ văn hóa 12/12 trong lý lịch đảng viên và hồ sơ cán bộ công chức nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện để theo học lớp cao cấp lý luận chính trị, để được nâng lương, đề bạt, bổ nhiệm... Có lẽ vì kiểu bằng cấp gian dối như vậy, khiến việc điều hành Sở này của ông Tục cũng không giống ai. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai, giai đoạn ông Tục được phân công phụ trách công tác cán bộ nhưng việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ chưa chặt chẽ, hầu hết cán bộ bổ nhiệm chưa đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính Nhà nước... Một số cán bộ được bổ nhiệm nhưng không nằm trong quy hoạch. Và ông Tục không phải là trường hợp ngoại lệ.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã có đến 4 cán bộ, công chức, viên chức tại các địa bàn của tỉnh Gia Lai bị phát hiện sử dụng bằng giả. Cuối tháng 1-2018, ông Rơ Châm Chel - Phó trưởng Phòng Dân tộc H. Ia Grai bị cách chức vì sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Đến đầu tháng 6-2018, Huyện ủy Chư Pưh cũng đã thi hành kỷ luật với hình thức cách chức đối với ông Nguyễn Thanh Đông (1984, trú H. Chư Sê, Gia Lai) - Phó Chủ tịch HĐND TT Nhơn Hòa (H. Chư Pưh) vì sử dụng bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc giả. Cũng trong tháng 6-2018, Huyện ủy Chư Pưh cách chức ông Huỳnh Anh Linh - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Chư Don vì sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp. Mới đây, ông Lê Kim Khoa (1972), Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chư Sê cũng bị tố sử dụng bằng đại học tại chức giả mạo.
May mắn là những vị cán bộ, công chức này bị phát hiện sớm bởi những người này vẫn được quy hoạch đề bạt, bổ nhiệm cho những vị trí cao hơn trong thời gian tới. Với việc giả mạo bằng cấp, hồ sơ đến khai man trình độ không chỉ gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín đơn vị mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng khi công việc và trình độ học vấn khập khiễng với nhau. Chưa kể, nguồn ngân sách Nhà nước bị thiệt hại khi bỏ ra để chi trả lương cho những người này trong suốt thời gian dài. Đối với những trường hợp giáo viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai sử dụng chứng chỉ giả mạo để bổ sung hồ sơ hoặc đăng ký tham gia tuyển dụng càng đặt ra nhiều bất ổn khi đây là những người góp phần đào tạo, giáo dục các học sinh.
Điều đáng lo ngại nhất là việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ở Gia Lai vẫn đang có vấn đề khi mỗi năm lại “tòi” ra các trường hợp sử dụng bằng cấp, chứng chỉ bất hợp pháp. Điều đó đặt ra ở khâu tuyển dụng, kiểm tra hồ sơ tại các địa phương vẫn đang thiếu sót khi hầu hết việc phát hiện sử dụng văn bằng giả mạo từ các cơ quan chức năng khác nhau. Và việc phát hiện cũng chỉ là... sự đã rồi.
Minh Tân