Dấu hiệu tan băng

Thứ năm, 06/08/2015 09:42

(Cadn.com.vn) - Tin vui liên tiếp dồn dập đến với bán đảo Triều Tiên trong ngày 5-8.

Trong động thái được nhận định là dấu hiệu tan băng hiếm hoi cho mối quan hệ Hàn-Triều, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tuyên bố trao cho Bình Nhưỡng cơ hội đi theo "con đường cải cách và mở cửa" khi bà tham dự buổi lễ động thổ dự án khôi phục tuyến đường sắt liên Triều - tuyến đường có thể liên kết hai miền Triều Tiên với Châu Âu qua tuyến Trans-Siberia.

Seoul lâu nay vẫn nuôi tham vọng nối lại tuyến đường này, như một sợi dây liên kết quan trọng đến với Châu Âu, nhằm giúp cắt giảm chi phí hậu cần thương mại đến lục địa già. Nhưng người ta cho rằng, qua dự án này, Hàn Quốc cũng muốn kết nối gần gũi hơn với Triều Tiên. Bà chủ Nhà Xanh cũng hy vọng Bình Nhưỡng sẽ tận dụng cơ hội này để xây dựng một tương lai thịnh vượng và phát triển chung bằng cách mở cửa và chọn con đường của sự thay đổi.

Tổng thống Park còn tuyên bố sẽ tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ, Trung và Nga liên quan đến sáng kiến của bà về việc kết nối các cơ sở hạ tầng về năng lượng và hậu cần xuyên suốt Châu Á và Châu Âu. Vì thế, theo bà, Bình Nhưỡng cần tin tưởng vào Seoul và cùng phấn đấu vì sự hòa giải giữa hai miền.

Trong khi tại Seoul, Tổng thống Park đã "chìa cành ô-liu", thì tại Bình Nhưỡng đã đón tiếp bà Lee Hee-Ho, phu nhân cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung. Đây là chuyến thăm được mong đợi từ lâu, bởi người ta hy vọng nó góp phần thúc đẩy sự hợp tác và đối thoại liên Triều trong năm đặc biệt này - khi cả hai kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh. Các bên hy vọng, hai miền Triều Tiên có thể hàn gắn những vết thương và làm dịu nỗi đau của 70 năm chia cắt và thúc đẩy hòa giải và hợp tác.

Bà Lee đến thăm Triều Tiên 3 lần, trong đó, chuyến đi cuối cùng là đến viếng cố Chủ tịch Kim Jong-Il vào tháng 10-2011. Chồng của bà Lee, cố Tổng thống Kim Dae-Jung là nhà lãnh đạo gây ấn tượng đặc biệt với Triều Tiên bằng chính sách "ánh dương", vốn thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hòa giải và giao lưu liên Triều.

Đặc biệt, ông Kim Dae-Jung đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên năm 2000 Kim Jong-Il. Tuy nhiên, chính sách này bị bỏ rơi khi một chính quyền bảo thủ lên nắm quyền vào năm 2008 và mối quan hệ xuyên biên giới trở nên xấu đi. Một loạt các vụ phóng tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng trong những năm gần đây cũng như các cuộc đụng độ quân sự thường xuyên khiến bán đảo Triều Tiên ngày càng sục sôi.

Chuyến đi kéo dài 4 ngày lần này của bà Lee Hee-Ho bề ngoài là mang mục đích nhân đạo nhưng đã có nhiều đồn đoán về một cuộc họp có thể diễn ra giữa bà với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un mặc dù Nhà Xanh cũng không đề nghị bà Lee thay mặt Seoul chuyển thông điệp đặc biệt nào. "Tôi hy vọng, chuyến đi này sẽ mở cửa sổ cho nhiều cuộc đối thoại, trao đổi và hợp tác", bà Lee nói với báo giới tại sân bay Seoul.

Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Và các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước - như chuyến đi của bà Lee và đoàn tùy tùng 18 thành viên- là cực kỳ hiếm. Và rõ ràng, đúng như nhận định của một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc, bản thân chuyến thăm này đã là một thông điệp hòa giải liên Triều.

Thanh Văn