Đâu là giải pháp cho vấn đề người di cư?

Thứ ba, 28/04/2015 12:39

(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn đang vật lộn để tìm cách ngăn dòng chảy người di cư qua Địa Trung Hải, sau khi một vụ lật tàu làm hơn 750 người chết và khiến cả thế giới phải lên tiếng.

Phần chính của kế hoạch là thúc đẩy nhiệm vụ quân sự tiêu diệt tàu của những kẻ buôn người trước khi chúng ra biển. Tuy nhiên, liệu hành động quân sự có mang lại kết quả hay sẽ gây thêm những hậu quả khác?

Phá hủy tàu

Chi tiết đề xuất của Liên minh Châu Âu (EU) cho nhiệm vụ quân sự là không rõ ràng ở giai đoạn này. Nhưng một kế hoạch hành động 10 điểm công bố trước Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp EU tuần trước cho biết: “Những kết quả tích cực đạt được từ Hoạt động Atalanta truyền cảm hứng cho chúng tôi”.

Ông Gerry Northwood, cựu giám đốc điều hành Hoạt động Atalanta, lực lượng đa quốc gia đầu tiên được triển khai tháng 12- 2008 ngăn chặn cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia, cho biết, việc sử dụng nhiệm vụ quân sự để tiêu diệt tàu trước khi chúng khởi hành chỉ có “giá trị giới hạn”. Theo ông, tàu chở người nhập cư “rẻ - phong phú” và dễ dàng thay thế. Theo ông Northwood, một cựu đội trưởng trong Hải quân Hoàng gia Anh, do không biết hình thức một cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào các tàu, cho biết, phương pháp này có thể gây ra những mất mát không mong muốn về con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, bất kỳ hành động quân sự nào đều phải dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Nghị quyết HĐBA LHQ.

Hiện vẫn chưa tìm ra được một giải pháp cho vấn đề người nhập cư trên Địa Trung Hải. Ảnh: BBC

Đưa trở về quê hương

Đầu tuần này, Thủ tướng Australia Tony Abbott kêu gọi Châu Âu làm theo cách của nước mình. “Cách duy nhất bạn có thể ngăn chặn những cái chết là ngăn chặn các tàu thuyền”, ông nói.

Australia bắt giữ tất cả những người tị nạn tới nước này bằng thuyền, giữ họ trong các trại ngoài bờ biển. Tàu quân sự cũng chặn các tàu thuyền di cư, kéo họ trở lại điểm xuất phát hoặc gửi người tị nạn trở lại bằng xuồng bơm hơi hoặc xuồng cứu sinh. Các kế hoạch của EU cũng bao gồm “tổ chức di dời khẩn cấp” và “nhanh chóng đưa người di cư bất hợp pháp trở về nước”. Cách tiếp cận của Australia được một số chính trị gia Châu Âu ca ngợi, nhưng bị các nhóm nhân quyền và LHQ chỉ trích vì “Nếu bạn đưa các tàu thuyền trở lại Libya, bạn đang đẩy họ trở lại mối nguy hiểm mà họ đã chạy trốn”.

Hãy để họ ở lại

Theo giới chuyên gia, giải pháp duy nhất thực sự cho vấn đề này là để cải thiện điều kiện sống của người nhập cư, trong khi đảm bảo các mạng lưới tội phạm “không tìm thấy bất kỳ mục tiêu nào”.

Nói rõ hơn, điều này có nghĩa là phải ngăn chặn dòng chảy người di cư. Trong tuyên bố bế mạc hội nghị hôm 23-4, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực để giải quyết xung đột và sự bất ổn định bởi đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy người di cư”. Đa số những người di cư đến Châu Âu bằng đường biển trong năm 2014 đến từ Syria, nơi cuộc nội chiến tàn bạo nổ ra trong hơn 4 năm. Năm 2013, Thụy Điển thông báo sẽ cấp chỗ ở thường trú cho người Syria xin tị nạn. Và cái chết của hơn 750 người ở Địa Trung Hải hôm 19-4 càng làm nổi bật lời kêu gọi các nước hãy để cho người di cư ở lại.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Châu Âu, hiện phải đối mặt với áp lực kinh tế và những lo ngại về nhập cư, không thể đột nhiên chuyển đổi chính sách của họ về vấn đề này.

An Bình
(Theo BBC)