Đau lòng trẻ đuối nước ngày hè
Nửa tháng trở lại đây, tại Quảng Bình đã có 14 người tử vong do đuối nước, trong đó có 9 học sinh. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý các em học sinh trong mỗi dịp hè về.
Một số trường học ở Quảng Bình dạy bơi cho học sinh. |
Vào những ngày nắng nóng này, đi dọc các con sông hoặc bãi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ rủ nhau tắm, đùa giỡn. Giữa trưa nắng, nhiều nhóm trẻ tắm sông nhưng không có người lớn đi cùng, cũng không thấy ai giám sát. Năm học vừa kết thúc, đây là thời điểm trẻ em được tự do vui chơi thì việc tự ý rủ nhau đi tắm sông, biển là chuyện bình thường nên dễ dẫn đến nguy cơ đuối nước.
Vụ đuối nước mới nhất xảy ra ngày 4-6: khoảng 10 giờ cùng ngày, cháu Cao Văn Q. (2015, trú bản Kè, xã Lâm Hóa, H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) trên đường lội qua sông Gianh, đoạn chảy qua bản Kè để tìm mẹ đang đi xúc cá thì bị đuối nước, tử vong. Trước đó, cũng trên sông Gianh, khoảng 9 giờ ngày 23-5, chỉ sau hơn một giờ tổng kết năm học 2018-2019, thầy, cô giáo và các học sinh Trường THCS Thanh Thạch, H. Tuyên Hóa (Quảng Bình) nhận được hung tin: 3 nữ sinh lớp 6 của trường gồm Nguyễn Thị H. T., Nguyễn C. L và Nguyễn T. H (cùng sinh năm 2007) bị đuối nước khi ra chơi ven bờ con sông này. Khi chính quyền địa phương đang hỗ trợ các gia đình lo khâu hậu sự cho 3 em thì khoảng 13 giờ cùng ngày, tin từ xã Trọng Hóa, H. Minh Hóa báo về có 2 em nhỏ là Hồ Thị A. T và Hồ Thị K. Y, trú bản La Trọng cũng đuối nước trong lúc cùng mẹ lên rẫy và rủ nhau xuống tắm tại khu vực thượng nguồn sông Gianh.
Chỉ trong 1 ngày, tại Quảng Bình xảy ra hai vụ đuối nước làm 5 học sinh thiệt mạng, khiến ai nấy bàng hoàng. Chưa dừng lại ở đó, vào tối 28-5, tại xã Tân Hóa, H. Minh Hóa lại có thêm 3 học sinh gồm Đinh Thị Hồng Th. (13 tuổi) Trần Thị H. (10 tuổi) và Trương Thị H. (10 tuổi) trong lúc rủ nhau đi bắt cua ở hói Bụt (một nhánh của sông Rào Nan) cũng tử vong do đuối nước. Và gần đây nhất là trường hợp 2 chiến sĩ nghĩa vụ gồm Thái K.L (1999) và Trần V.T (1999), đầu trú tại xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) bị đuối nước tại bãi biển Quang Phú, TP Đồng Hới.
Theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong quý I-2019, tại tỉnh Quảng Bình cũng đã có 5 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Các trường hợp bị đuối nước chủ yếu sống ở các vùng miền núi, khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Có thể nói, ở thành thị, các bậc phụ huynh đã ý thức hơn trong việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ khi chủ động đưa con em mình đến các bể bơi để học bơi. Còn ở vùng nông thôn, miền núi, do điều kiện sống còn khó khăn, bố mẹ đang lo mưu sinh nên việc cho con em học bơi chưa được quan tâm. Phần lớn các em tự học bơi khi tiếp xúc với sông, suối, biển mỗi ngày. Vì vậy, đi đôi với việc sớm thành thục kỹ năng bơi là những hiểm nguy rình rập khi không có người lớn đi cùng.
Nỗi đau của một gia đình ở H. Minh Hóa trong vụ đuối nước khiến 3 nữ sinh tử vong. |
Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, trong số 21 trường hợp trẻ em đuối nước năm 2018 thì có đến 17 em ở vùng nông thôn, miền núi. Và phần lớn nạn nhân ở trong gia đình có bố, mẹ đi làm ăn xa.
Bà Đinh Thị Lựu (thị trấn Quy Đạt, H. Minh Hóa) trăn trở: "Chúng tôi thật sự lo lắng cho con em mình, sống gần khe suối, cuộc sống gia đình khó khăn, chạy ăn từng bữa nên các em cùng bố mẹ phải tranh thủ kỳ nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp bố mẹ, kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống lại kém nên xảy ra những vụ đuối nước rất thương tâm".
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, trong đó phổ biến là trẻ không biết bơi. Trời nắng nóng, các em thường tự ý xuống sông, biển tắm mà không biết mức độ nguy hiểm của việc này. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em được học bơi, học kỹ năng an toàn dưới nước tại Quảng Bình vẫn còn thấp. Ngoài ra, sự thiếu giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm, như: sông, hồ, biển... Mặt khác, môi trường sống ngay trong từng gia đình và cộng đồng dân cư chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em như các hố bom, giếng cạn, các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư... không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.
Theo ông Ngô Thanh Đá- Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, H. Minh Hóa: "Chúng tôi đã xây dựng các kế hoạch, tích cực tuyên truyền và kiểm tra các kế hoạch mình đã xây dựng, cái thứ hai là những điểm thường xảy ra thì phải cử lực lượng để bảo vệ hay là có những biển báo và có đội thanh niên xung kích kiểm tra và tuyên truyền. Chủ yếu là nhận thức thôi, còn quản lý con em tại hộ gia đình thì chính quyền rất là khó".
Hiện nay, nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình đã chú trọng việc dạy bơi cho trẻ. Trong đó, Trường tiểu học Đồng Phú (TP Đồng Hới) và Trường tiểu học Quán Hàu (Quảng Ninh) là hai trường được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp Tổ chức Golden West chọn triển khai dự án lắp đặt bể bơi nổi trong nhà và tổ chức dạy kỹ năng bơi an toàn, phòng tránh đuối nước. Đến nay, các trường đã làm tốt công tác quản lý, tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng bơi an toàn và phòng tránh đuối nước cho học sinh trong trường cũng như địa bàn thành phố. Mô hình đang được các cấp, các ngành tin tưởng và ủng hộ để nhân rộng.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhất là dịp nghỉ hè 2019, mới đây, ông Trần Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành với địa phương và gia đình trong công tác quản lý trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em ở cộng đồng và gia đình, để mỗi mùa hè về thực sự là mùa vui chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em.
D.N