Dấu mốc mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam và Ai Cập

Thứ hai, 27/08/2018 06:18

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ai Cập là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của nguyên thủ nước ta tới Ai Cập. Chuyến thăm tạo một dấu mốc mới trong lịch sử quan hệ hai nước và góp phần tạo một xung lực mới cho quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. Chuyến thăm càng có ý nghĩa hơn khi hai nước đang có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2-9-1963 – 2-9-2018). Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Ai Cập - Đại sứ Đỗ Hoàng Long đã trả lời báo chí nhiều nội dung liên quan.

Thống đốc tỉnh Luxor Mohamed Badr đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tại sân bay quốc tế Luxor. Ảnh: TTXVN 

P.V: Thưa Đại sứ, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam đến Cộng hòa Arab Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa như thế nào cho quan hệ hợp tác hai nước, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Chuyến thăm của Chủ tịch nước ta tới Ai Cập trong năm nay có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước hết đây là chuyến thăm đáp lại chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Fatah El Sisi tới Việt Nam năm 2017. Hai nước đã đạt được nhiều thành tựu rất có ý nghĩa trong 1 năm qua.

Chuyến thăm năm nay của Chủ tịch nước ta tới Ai Cập có ý nghĩa khẳng định lại các kết quả đã được thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Nhà nước và sẽ tiếp tục có những lĩnh vực hợp tác mới sẽ được mở ra.

P.V: Việt Nam và Ai Cập có nhiều điểm tương đồng. Vậy trong thời gian tới, những lĩnh vực ưu tiên nào sẽ được hai nước tập trung thúc đẩy nhằm phát huy những lợi thế và tiềm năng mỗi nước?

Đại sứ Đỗ Hoàng Long: Phía Ai Cập rất quan tâm kỹ năng, bí quyết và kỹ thuật canh tác của chúng ta. Do vậy nếu chúng ta hợp tác, Ai Cập rất mong muốn hợp tác chia sẻ kinh nghiệm canh tác trong cả trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất. Những sản phẩm chế tạo như đồ điện, điện tử đang được ưa chuộng tại Ai Cập và Việt Nam xuất khẩu tương đối nhiều sang Ai Cập. Phía bạn mong muốn hợp tác tốt hơn trong lĩnh vực này.

Còn trong các lĩnh vực khác, như dịch vụ Ai Cập có thế mạnh về du lịch, dịch vụ du lịch, kỹ năng dịch vụ du lịch của Ai Cập rất tốt. Tôi cho rằng đây là lĩnh vực có thể chia sẻ và khai thác. Bên cạnh các tiềm năng hợp tác về kinh tế, chúng ta có thể hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, hai bên có nhiều sự chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau cả song phương và đa phương trên các diễn đàn hợp tác quốc tế.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Ai Cập Đỗ Hoàng Long.

P.V: Để đạt được kim ngạch thương mại 1 tỷ USD như kỳ vọng của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong thời gian tới Chính phủ, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai bên cần phải làm gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Đỗ Hoàng Long:  Có thể nói đây là nỗ lực mang tính tổng hợp từ nhiều bộ ngành và lĩnh vực khác nhau. Trước hết chúng ta phải nhìn đâu là sức cản lớn nhất để hai bên chưa đạt được 1 tỷ USD/năm.

Tôi cho rằng sức cản lớn nhất là nhận thức của doanh nghiệp hai bên về thị trường của nhau. Đối với doanh nghiệp Ai Cập, họ có cái nhìn tương đối mở, nhìn Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển và họ đang có nhu cầu tiếp cận thị trường một cách mạnh mẽ, tuy nhiên nguồn lực của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Thứ hai, thông tin về Việt Nam tới Ai Cập chưa được đầy đủ, thậm chí còn có phần chưa chính xác, chưa toàn diện, đó là những bước cản đối với Ai Cập.

Còn đối với Việt Nam, các doanh nghiệp nhìn Ai Cập là một thị trường thuộc khu vực Châu Phi. Với cách nhìn đó, đôi khi họ sẽ có những quyết định dè dặt, chưa mạnh dạn để tiếp cận thị trường này bởi lo lắng về các thủ tục thanh toán, văn hóa. Đó là rào cản lớn nhất.

Rào cản thứ hai là cơ chế, hành lang pháp lý của hai bên dành cho nhau đang trong quá trình hoàn thiện. Chưa kể tới các thỏa thuận, hiệp định thương mại, lao động và các hiệp định hợp tác khác giữa hai nước chưa đầy đủ.

Rào cản thứ ba, các cơ quan hai bên phải tính đến là giao lưu giữa hai nước, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân còn dừng lại ở mức độ.

Chính phủ hai bên phải tiếp tục rà soát các văn bản đã ký xem mức độ triển khai tới đâu, điều gì cản trở việc triển khai trên thực tế các văn bản, hiệp định đã ký. Rà soát và xem xét lại các lĩnh vực, tiềm năng hợp tác phải có những văn bản, biên bản hợp tác để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp làm việc. Đối với doanh nghiệp phải có những cơ chế chia sẻ thông tin.

Về chính trị, cần sự nỗ lực, hỗ trợ về chính trị to lớn của lãnh đạo hai bên. Do đó chuyến thăm của Chủ tịch nước ta lần này tới Ai Cập có ý nghĩa rất là to lớn.

P.V: Cảm ơn Đại sứ.

V.O