Đầu năm khai hội đình làng
Trong hai ngày 13, 14-2 (mồng 9, 10 tháng Giêng), đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chính thức khai hội. Tham dự lễ hội chính là dịp để du khách gần xa hiểu thêm về một vùng đất, một phong tục và những con người chân chất đang gìn giữ truyền thống đáng quý của cha ông ngay trên mảnh đất quê hương mình. Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục tinh thần nhớ về tổ tiên cội nguồn, lễ hội còn thắt chặt tình đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Lễ hội cũng là dịp tôn vinh các làng nghề truyền thống của dân làng Túy Loan. |
Làng cổ Túy Loan có hơn 500 tuổi, do các vị tiền hiền thời vua Lê Thánh Tôn nhận chiếu chỉ đi mở mang bờ cõi phương Nam. Đình làng được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều Nguyễn. Đình nằm vị trí thuận lợi, có cây đa, bến nước, sân đình, không bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa, nên lễ hội đình làng Túy Loan luôn mang sắc thái riêng mà ít nơi nào có được. Ngoài ý nghĩa gắn kết cộng đồng, lễ hội còn là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ trẻ nhớ về công lao của cha ông và nâng cao niềm tự hào về truyền thống của quê hương. Giá trị giáo dục của lễ hội được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn. Điều đó nhắc nhở mỗi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc. Mỗi người đến với lễ hội là đến với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, do vậy, lễ hội có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước.
Hội làng Túy Loan tuy chưa phản ánh đầy đủ mọi mặt trong đời sống làng quê, song đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân địa phương. Những người nông dân vốn quanh năm vất vả "một nắng, hai sương", mùa xuân đến là lúc họ được thảnh thơi với công việc đồng áng. Với họ, ngày nay, dù diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi thay, nhiều tục lệ xưa không còn nữa, nhưng tiếng trống đình làng vẫn không ngừng vang lên mỗi độ Tết đến, xuân về. Và tiếng trống đình ấy vẫn là một trong những cái hồn của quá khứ, của văn hóa làng xã đã trở thành cơ sở vững chắc tạo nên tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ dân làng Túy Loan. Người người đều thành kính cầu nguyện cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà an lạc, thái bình... Theo ông Nguyễn Thông - Trưởng ban tổ chức lễ hội, nhân kỷ niệm 20 năm đình làng Túy Loan được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, ngoài phần lễ như: rước sắc phong ngoạn cảnh quanh làng, an vị sắc tại đình làng; các phần hội sẽ được tổ chức phong phú hơn như: đua ghe, hô bài chòi, hát hò khoan đối đáp trên sông và nhiều trò chơi dân gian vui nhộn kết hợp với các hoạt động tôn vinh làng nghề truyền thống như nướng bánh tráng, gói bánh tét... "Lễ hội năm nay sẽ tạo nên một sắc thái văn hóa rất riêng của dân làng trong việc góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc. Không chỉ mang ý nghĩa giáo dục tinh thần nhớ về tổ tiên cội nguồn, hội làng còn thắt chặt tình đoàn kết hướng về quê hương, ra sức xây dựng địa phương ngày càng ấm no, hạnh phúc, góp phần nâng chất bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới", ông Thông cho biết thêm.
Hội làng là dịp để cho mọi người được nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình. Từ những người con được sinh ra ở làng quê thân yêu đã trưởng thành đi công tác trên khắp mọi miền đất nước, đến những người đang sống xa xôi nơi đất khách quê người cũng khát khao được về cội nguồn. Với niềm tâm linh, hoài vọng tưởng nhớ người xưa, với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", ai đứng trước đình làng cũng muốn bày tỏ tấm lòng chân thật, tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân đã có công với nước, với dân"... Cũng chính từ lễ hội này, nhiều năm qua, các "lệ làng" ở 4 thôn Đông - Tây Túy Loan ngày càng thiết thực như: cưu mang, đùm bọc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh phí cho học sinh nghèo hiếu học, góp phần an sinh xã hội tại địa phương.
VY HẬU