Dấu tích loài người nơi thượng nguồn sông Ba

Thứ tư, 27/12/2017 10:08

Dưới những lớp trầm tích đôi bờ sông Ba thuộc TX An Khê (Gia Lai) đang dần hé lộ một di sản văn hóa cổ xưa đặc sắc của nhân loại và giới khảo cổ học quốc tế đánh giá đây là một phát hiện mang tính lịch sử. Từ những hiện vật được tìm thấy có niên đại khoảng 700.000 – 800.000 năm trước, một nhận định chấn động về sự xuất hiện của loài người tại vùng đất An Khê – nơi thượng nguồn sông Ba đã được đặt ra.

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử trong buổi giới thiệu những hiện vật được tìm thấy trong quá trình khảo cổ. 

Dưới lớp trầm tích

Tháng 4-2016 những thông báo ban đầu về kết quả khảo cổ tại vùng đất An Khê của Viện Khảo cổ (Viện Hàn lâm và Khoa học xã hội Việt Nam) đã chấn động giới khảo cổ học quốc tế: một di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại Đá cũ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Trong đó, những công cụ bằng đá được tìm thấy ở vùng đất An Khê có niên đại từ 770.000 – 800.000 năm trước liên quan đến văn hóa của người đứng thẳng (Homo erectus), tổ tiên trực tiếp của loài người (Homo sapiens). Một nhận định về sự xuất hiện cái nôi của loài người ở vùng đất An Khê được đặt ra. Chỉ vài tháng sau, tại cuộc Hội thảo khoa học mang tầm cỡ quốc tế, các nhà khoa học đã ghi nhận những công cụ mà đợt khảo cổ tại An Khê của Viện khảo cổ học Việt Nam mang tính đặc trưng sơ kỳ Đá cũ của nhân loại, như: ghè 2 mặt, rìu tay… Đặc biệt với công cụ mũi nhọn tam diện được tìm thấy ở đây trở thành kỹ nghệ hiếm có trong sơ kỳ Đá cũ. Từ đó, đặt ra nhiều tiền đề, ý nghĩa quan trọng trong nhận thức về lịch sử vùng đất và vết tích của tổ tiên loài người gần cả triệu năm trước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử và chuyên gia khảo cổ học Phan Thanh Toàn, Viện Khảo cổ học là một trong những người đã đặt nền móng cho cuộc phát hiện vĩ đại này. Những công cụ bằng đá thạch anh và thạch anh biến tính được phát hiện mang những vết ghè đẽo thô sơ của con người đến việc các công cụ nằm trong một địa tầng nguyên vẹn đã thu hút sự quan tâm của giới khảo cổ quốc tế. Trong đó, có các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học cộng hòa Liên bang Nga với sự tham gia của Giáo sư, Viện sĩ Anatoliy Panteleevich Derevianko, Viện trưởng Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk – một trong những chuyên gia khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ hàng đầu thế giới. Với sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học Cộng hòa Liên bang Nga, liên tục trong các đợt khảo cổ năm 2015, 2016 và 2017, nhiều địa điểm mới ở vùng An Khê được phát hiện. Từ đây, dưới những lớp trầm tích dần hé lộ về một phát hiện mang tính lịch sử không chỉ của Việt Nam mà cả khu vực và của cả nhân loại.

Tiến sĩ Aleksander Alekseevich Tsybankov và PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (giữa) cùng các nhà khảo cổ học tại hố khảo cổ Rộc Tưng.

Kho tàng quý báu

Vào mùa khô các năm 2014 đến nay, đoàn khảo cổ Việt – Nga đã phát hiện 21 địa điểm sơ kỳ Đá cũ tại vùng đất An Khê. Trong đó, có 4 địa điểm được khai quật là: Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7. Dưới những địa tầng nguyên vẹn, các nhà khảo cổ đã thu được hàng nghìn hiện vật đá, xác lập sự hiện diện của kỹ nghệ sơ kỳ Đá cũ An Khê. PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết: “Với những công cụ được tìm thấy qua nghiên cứu có thể khẳng định: ở Gò Đá là 806.000 năm và ở Rộc Tưng là 782.000 nghìn năm. Với những kết quả thu thập và nghiên cứu, phần nào đã xác lập vị trí về kỹ nghệ An Khê trong di sản văn hóa nhân loại”. Qua nghiên cứu với hơn 700 di vật được tìm thấy, các nhà khoa học, khảo cổ đã xác định tổ hợp công cụ kỹ nghệ An Khê gồm công cụ ghè hai mặt, rìu tay, công cụ ghè hết một mặt, mũi nhọn, mũi nhọn tam diện...

Tiến sĩ Aleksander Alekseevich Tsybankov, Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk khẳng định: “Việc tồn tại 1 nhóm di tích của cư dân sơ kỳ thời đại đồ Đá cũ tại An Khê, Gia Lai là điều chắc chắn. Các di tích ở đây có niên đại rất sớm so với khu vực Châu Âu, tương đương niên đại so với vùng Bách Sắc của Trung Quốc. Đây là một trong những địa điểm để giúp chúng ta nhìn nhận lại sự phát triển tiến hóa, di cư của những con người đầu tiên trên trái đất”. Với các phát hiện này, kỹ nghệ An Khê được bổ sung vào bản đồ kỹ nghệ công cụ ghè hai mặt trên thế giới. Trong đó, các di tích ở châu Âu (có tuổi 0,5 – 0,6 triệu năm), Saudi Arabia (0,4 triệu năm), Kazakhstan: Tukmeniastan(0,2 – 0,3 triệu năm), Ấn Độ: Isampur (1,2 triệu năm), Trung Quốc: Bách Sắc (0,9 triệu năm)…Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Khắc Sử: “Đó là những phát hiện bước đầu và còn rất nhiều việc phải làm! Thế nhưng, những phát hiện của các nhà khảo cổ học Việt- Nga về kỹ nghệ đồ Đá cũ ở An Khê đã làm thay đổi nhận thức chung về lịch sử vùng đất này”…

Mùa khô của Tây Nguyên cũng đã đến, những nhà khảo cổ học Việt – Nga lại trở lại đôi bờ sông Ba để tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm. Bởi ẩn sâu dưới những lớp trầm tích kia là kho tàng quý báu của nhân loại - những di tích ghi dấu văn hóa tổ tiên của loài người – chủ nhân của kỹ nghệ An Khê, Việt Nam.

MINH TÂN