Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong thời kỳ mới

Thứ hai, 03/02/2020 15:17

Kể từ đầu thế kỷ XX đến nay, nhân loại đạt được những thành tựu vô cùng vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa - xã hội.., nhưng cũng chưa bao giờ con người phải đối mặt với những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chính mình như hiện nay.

Diễn tập chống khủng bố ở sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Chính sự phát triển đó đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, dịch bệnh... Đặc biệt là nạn khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia đang trở thành mối đe dọa vô cùng nguy hiểm cho nhân loại tiến bộ...

Nhất là trong bối cảnh khoa học phát triển, mạng Internet trở nên phổ biến; sự giao thoa sâu rộng giữa các quốc gia, giữa các nền kinh tế nên đó vừa là cơ hội hợp tác phát triển nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm xuyên quốc gia tìm mọi cách xâm nhập, xây dựng cơ sở, tiến hành các hoạt động phạm pháp, gây nên sự bất ổn xã hội.

Nhìn lại một chặng đường 20 năm đầu của thế kỷ XXI, khi Việt Nam thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập sâu rộng thì cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của nước ta ngày càng trở nên cấp bách, bức thiết và vô cùng cam go, phức tạp.

Trong đó nổi lên là một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, bằng con đường công khai và bí mật xâm nhập vào Việt Nam để móc nối các phần tử thoái hóa, biến chất, bất mãn để gây dựng cơ sở, hình thành tổ chức nhằm khuếch trương thanh thế, kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh - chính trị - xã hội, thậm chí mưu toan gây bạo loạn, tấn công vũ trang lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhưng lực lượng Công an đã được sự hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, đấu tranh truy bắt hàng trăm vụ lớn nhỏ, ngăn chặn những toan tính đen tối của chúng và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng về sự bình an của đất nước. Điển hình một số vụ bị lực lượng Công an bắt đưa ra xét xử trong năm 2018-2019 như: Đảng “Việt tân” tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin; đưa người ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại; tán phát lên mạng Internet hướng dẫn cách chế tạo bom xăng để phục vụ hoạt động khủng bố, phá hoại, ám sát... Cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt, xử lý một số đối tượng là thành viên “Việt tân” phạm tội khủng bố như Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Leon...; vụ Tổ chức phản động “Quốc nội quật khởi” do Nguyen Michael Phuong Minh (quốc tịch Hoa Kỳ, cư trú tại Hoa Kỳ), cầm đầu lập kế hoạch, âm mưu mua vũ khí, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia biểu tình, chiếm trụ sở chính quyền ở Hà Nội và TPHCM;  hay Tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” tiền thân là tổ chức “Tân Dân Chủ”, trụ sở đặt tại 2807 Anaheim, CA 92814, Mỹ, do Đào Minh Quân (tức Đào Văn) tự xưng là “Thủ tướng” và Phạm Lisa (tức Phạm Anh Đào) cầm đầu nhằm tuyên truyền, kích động biểu tình, phá hoại nhân dịp các ngày lễ, Tết của đất nước nhằm lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Bọn chúng đã thực hiện vụ ném bom xăng, gây cháy 320 chiếc xe tại kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vào ngày 8-4-2017 và đặt bom xăng tại nhà xe, cổng ga đến quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22-4-2017; và gây ra vụ nổ ở Cục Thuế tỉnh Bình Dương tháng 9-2019 đã bị cơ quan Công an truy tố bắt kẻ gây án và truy tố kẻ cầm đầu.

Diễn tập chống khủng bố ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Bên cạnh đó, loại tội phạm ma túy xuyên quốc gia đã trở thành một cuộc đấu tranh vô cùng khốc liệt trên bình diện cả nước. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN chịu tác động bởi tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới. Do vị trí địa lý nằm tiếp giáp và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình ma túy ở khu vực Tam Giác Vàng, “điểm nóng” về trồng cây thuốc phiện và là một trong những trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới, tình hình ma túy tại Việt Nam trong những năm gần đây diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an nước ta đã đấu tranh, phát hiện gần 17.000 vụ, hơn 26.000 đối tượng có liên quan đến tội phạm ma túy, trong đó có hàng trăm vụ xuyên quốc gia. Chúng ta thu giữ gần 600 kg heroin, hơn 4.000 kg cần sa và gần 700.000 viên ma túy tổng hợp... Điều quan ngại là khối lượng ma túy tổng hợp bị thu giữ tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018. Một số vụ tại TPHCM, Nghệ An, Kon Tum... chúng ta đã triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia không chỉ vận chuyển, tuồn vào nước ta tiêu thụ hoặc trung chuyển sang nước thứ ba mà chúng còn nấp dưới cái bóng “đầu tư, sản xuất, kinh doanh” để xây dựng cơ sở sản xuất ma túy quy mô lớn ngay trên đất nước ta như vụ ở Kon Tum vào tháng 8-2019 là một điển hình.

Việc mua bán, vận chuyển ma túy đã mang lại siêu lợi nhuận, khiến các tổ chức tội phạm không từ bỏ mọi thủ đoạn, phương thức tinh vi, sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ. Vì thế, trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy đầy cam go, khốc liệt đó, đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và nhân dân anh dũng hy sinh. Trong số đó, có cán bộ, chiến sĩ Công an chiếm số đông; cùng hàng trăm đồng chí khác bị thương, bị phơi nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ. Nhiều chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm tiếc thương cho gia đình, đồng đội.

Với chính sách mở cửa, thông thương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu... của nước ta nên các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đã lợi dụng chính sách này luôn tìm mọi cách câu kết các tổ chức tội phạm trong nước để hình thành các đường dây vận chuyển, phân phối hoặc biến Việt Nam thành nơi trung chuyển ma túy đến nước thứ ba.

Ngoài hai loại tội phạm nói trên, thì tội phạm công nghệ cao cũng đang là thách thức to lớn đối với nước ta. Trong năm 2019, lực lượng Công an đã điều tra khám phá nhiều vụ án sử dụng công nghệ cao. Điển hình là 12 công ty Trung Quốc đã thuê “căn cứ” trong khu đô thị Our City (Hải Phòng) làm địa điểm đặt máy chủ điều hành đường dây đánh bạc xuyên quốc gia lên tới 10.000 tỷ đồng. Ngày 27-7, khoảng 500 cảnh sát của Bộ Công an và Hải Phòng đột kích nhiều địa điểm tại Our City, phát hiện 380 người Trung Quốc tham gia điều hành đường dây đánh bạc tại đây.

Cơ quan Công an đã thu giữ gần 2.000 điện thoại thông minh, hơn 530 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt, cùng nhiều đồ vật. Đây là vụ án có số lượng người nước ngoài và số tiền đánh bạc, cá cược trên mạng lớn nhất tại Việt Nam.

Ngay trên địa bàn Đà Nẵng, ngày 15-9, CAQ Ngũ Hành Sơn phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Đà Nẵng ập vào khách sạn Chula (388 - Võ Nguyên Giáp, P.Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn), khống chế 34 người Trung Quốc đang lưu trú tại đây. Tang vật tạm giữ tại hiện trường gồm nhiều laptop, điện thoại di động kết nối mạng để truy cập vào các trang web ở Trung Quốc để thực hiện đầu tư phi pháp, thao túng chứng khoán...

Một loại tội phạm xuyên quốc gia khác là nạn buôn người gây bao đau thương cho nhiều gia đình. Bọn tội phạm đã lừa đảo hàng trăm người nhất là phụ nữ trẻ em để đưa lên biên giới bán cho nước ngoài, đẩy họ vào cảnh làm nô lệ, hoặc mại dâm... Ngoài ra, chúng còn gây nên tình trạng đưa lậu hàng ngàn lao động bất hợp pháp ra nước ngoài bằng những con đường khác nhau cũng đang trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng an ninh của đất nước và cuộc sống của nhiều người.

Nhất là vụ một số người Việt Nam quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã bị đường dây buôn người tìm cách đưa lậu sang nước Anh, nhưng bị phát hiện ngày 23-10-2019 khi đã thiệt mạng ngay trong xe container vận chuyển họ từ Bỉ sang Anh, gây đau thương mất mát vô cùng to lớn.

Diễn biến nói trên đặt ra cho lực lượng Công an chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, liên quan tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhiều tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tăng cường các hoạt động với những mục đích khác nhau về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh -quốc phòng...

Trong đó, tội phạm lừa đảo có tổ chức sẽ xuất hiện với quy mô, mức độ nghiêm trọng sẽ ngày càng cao. Tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại sẽ đa dạng về hình thức, ngày càng tinh vi về thủ đoạn. Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, nhất là nạn sản xuất, lưu hành tiền giả, đột nhập hệ thống ngân hàng phá vỡ hệ thống bảo mật để ăn cắp dữ liệu nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; tội phạm đánh bạc xuyên quốc gia sẽ có chiều hướng gia tăng. Tội phạm trộm cắp cước viễn thông tiếp tục xảy ra một cách tinh vi và đa dạng. Tội phạm sản xuất, buôn bán ma túy diễn biến khó lường; trong thời kỳ hội nhập chúng ta phải hết sức cảnh giác với xu thế ma túy gắn liền với tội phạm có tổ chức, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”... Ngoài ra, những tội phạm khác, như xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn bán động vật quý hiếm, hủy hoại môi trường... cũng có những diễn biến phức tạp.

Do vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của nước ta nói chung, trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng là nhiệm vụ rất nặng nề và vô cùng cấp bách.

Với vai trò là lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh, lực lượng Công an, bên cạnh tăng cường sự hợp tác với các cơ quan an ninh-cảnh sát quốc tế, chúng ta huy động sức mạnh của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác, tăng cường giám sát, phát hiện và đấu tranh kiên quyết, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Thông qua các phương tiện truyền thông, lực lượng nòng cốt ở cơ sở chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan thi hành pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; không ngừng xây dựng thế trận “an ninh nhân dân” vững chắc làm nền tảng cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng nhằm góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.  

TUYẾT MINH