Đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm lừa đảo qua mạng

Thứ hai, 07/03/2022 11:08

Thời gian qua, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều nạn nhân vì nhẹ dạ, không rành công nghệ đã sập bẫy, bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Hai đối tượng Nguyễn Thị Anh và Lê Thị Bình bị khởi tố vì hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng.

Ngày 3-3, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng khởi tố 2 đối tượng về hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Các đối tượng gồm Nguyễn Thị Anh (31 tuổi) và Lê Thị Bình (30 tuổi) cùng quê Đắk Lắk tạm trú tại Hà Nội và Đà Nẵng. Trong lúc đang dịch bệnh khó khăn thì Anh và Bình được 1 đối tượng trên mạng xã hội đặt mua tài khoản ngân hàng với giá 1 triệu đồng/tài khoản. Dù không biết đối tượng mua tài khoản ngân hàng dùng vào mục đích gì, nhưng thấy "việc nhẹ lương cao" nên cả hai bàn bạc cùng tham gia. Bình đã liên hệ với người thân, bạn bè ở Đà Nẵng, Đắk Lắk để lập lên nhiều tài khoản ngân hàng, sau đó thu mua lại với giá 700 ngàn đồng/tài khoản. Tổng cộng 56 tài khoản ngân hàng mà Bình thu mua, sau đó bán lại cho đối tượng trên mạng thu lợi bất chính hơn 16 triệu đồng. Từ tháng 5 năm 2021 cho đến thời điểm bị phát hiện, Anh và Bình đã cấu kết, thu lợi bất chính gần 20 triệu đồng.

Anh và Bình chỉ mở hoặc mời gọi người thân, bạn bè kể cả người không quen biết mở tài khoản ngân hàng để bán lại, hưởng chênh lệch. Còn thực tế, số tài khoản đó sau khi được bán đi, các đối tượng phạm tội sẽ sử dụng cho mục đích lừa đảo. Sau khi dùng các thủ đoạn khác nhau lừa đảo, tiền sẽ được chuyển về các tài khoản này, chúng sẽ rút tiền, hủy tài khoản…để xóa dấu vết. Việc truy tìm tội phạm lừa đảo bằng hình thức công nghệ cao cũng vì thế rất khó khăn. Bởi lẽ, tài khoản chúng sử dụng mang tên người khác.

Trước đó, ngày 16-2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự bắt giữ đối tượng Phạm Văn Sơn (1987, quê quán Hải Dương) trú tại P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà. Đối tượng Sơn đã sử dụng các sim rác để đăng ký mở nhiều tài khoản ảo thuộc mạng xã hội Zalo như tài khoản zalo tên "Vốn Tư Nhân", "Hungvon", "Nguyenvon", "Camdotuanh"… Sơn sử dụng các tài khoản zalo này để đăng thông tin quảng cáo dịch vụ cho vay tiền online với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp nhằm thu hút người dân có nhu cầu vay tiền liên hệ.  Khi có người liên hệ hỏi vay tiền thì Sơn hướng dẫn thủ tục cơ bản rồi yêu cầu họ phải nộp trước tiền phí bảo hiểm khoản vay vào tài khoản ngân hàng do Sơn cung cấp. Nếu người vay nộp tiền thì Sơn cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt số tiền này. Trong thời gian từ tháng 4-2021 đến tháng    10-2021 Sơn đã thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn nửa tỷ đồng của khoảng 60 bị hại tại nhiều địa phương khác nhau.

Theo khuyến cáo của Công an TP Đà Nẵng, khi phát hiện đối tượng có hành vi nhờ mở thẻ, làm tài khoản ngân hàng hoặc mua bán tài khoản ngân hàng với số lượng lớn, người dân cần cảnh giác, báo ngay cho cơ quan công an để tránh rủi ro cho bản thân. Ngoài ra, người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán thẻ cho người khác.Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản là hành vi vi phạm phạm pháp luật, cũng là một hình thức tiếp tay cho các đối tượng sử dụng với mục đích phạm tội, kéo theo nhiều hệ lụy.

Để tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, người dân cần hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại, email và địa chỉ...

Cũng trong ngày 3-3, Công an TP Đà Nẵng phát đi thông báo cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, lợi dụng nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đối tượng sử dụng không gian mạng để thực hiện lừa đảo bằng thủ đoạn đăng bài tuyển cộng tác viên bán hàng - một chiêu trò nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội "ảo" đăng bài và chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với nội dung "tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử shopee, Lazada, Tiki" với mỗi lần mua hàng, người bị hại sẽ được hoàn trả lại tiền cộng thêm tiền "hoa hồng" từ 10 đến 20% giá trị đơn hàng.

Sau khi kết nối, đối tượng sẽ hướng dẫn bị hại thực hiện thao tác cụ thể. Những đơn hàng nhỏ đầu tiên, bị hại sẽ được thanh toán kèm hoa hồng đầy đủ như đã hứa nhằm tạo niềm tin. Tuy nhiên, những lần tiếp theo, đơn hàng giá trị lớn hơn đối tượng đưa ra các lý do như cú pháp soạn tin sai, hệ thống lỗi, bị hại muốn nhận lại tiền thì phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng, nếu không sẽ bị mất. Bị hại với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả mà liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chi trả thì bị các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt.

Bên cạnh việc khuyến cáo người dân cảnh giác, Công an TP Đà Nẵng cũng sẽ tập trung đấu tranh mạnh mẽ để xử lý các loại tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

HẢI QUỲNH