Đấu tranh mạnh với tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê

Thứ tư, 23/01/2019 09:41

Ngày 22-1, đoàn công tác Thanh tra Bộ Công an (CA) do Đại tá Trần Hải Quân- Phó Chánh Thanh tra Bộ CA làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công an TP Đà Nẵng nhằm khảo sát, nghe báo cáo đánh giá thực trạng tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ và hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn Đà Nẵng. Đại tá Trần Đình Chung- Phó giám đốc CA TP Đà Nẵng tiếp và làm việc với đoàn.

Đại tá Trần Hải Quân phát biểu tại buổi làm việc với CATP Đà Nẵng.

Trong chuyến công tác tại Đà Nẵng, đoàn công tác sẽ tập trung khảo sát 5 nội dung chính, gồm: Đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, các hoạt động kinh doanh tài chính trên địa bàn; công tác tham mưu của CA TP cho UBND TP chỉ đạo các cấp ngành thực hiện các chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm; việc phân công, bố trí cán bộ quản lý địa bàn quản lý các loại hình dịch vụ; công tác phối hợp giữa các lực lượng phòng chống tội phạm trong việc trao đổi thông tin lập án đấu tranh với các dịch vụ kinh doanh tài chính biến tướng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; lắng nghe ý kiến thực tiễn, khó khăn của CATP trong việc quản lý, xử lý vi phạm trên lĩnh vực cầm đồ, đòi nợ.

Theo CATP Đà Nẵng, trên địa bàn có 226 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý 61 vụ vi phạm hành chính, chủ yếu do tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, xử phạt hơn 150 triệu đồng, thu hồi giấy phép nhiều cơ sở. Riêng dịch vụ đòi nợ, có 6 cơ sở đăng ký kinh doanh, tuy nhiên đến thời điểm cuối năm 2018 chỉ còn 2 cơ sở đang hoạt động. Qua theo dõi chưa phát hiện các cơ sở này có dấu hiệu hoạt động đòi nợ theo kiểu xã hội đen, vi phạm pháp luật.

Tại buổi làm việc, Đại tá Trần Đình Chung yêu cầu các phòng ban nghiệp vụ có liên quan thảo luận một số nội dung liên quan đến hoạt động của dịch vụ cầm đồ, đòi nợ để tìm ra những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý các loại hình dịch vụ này, tránh để xảy ra biến tướng dẫn đến những hệ lụy. Đồng thời, yêu cầu các địa phương có khảo sát thực trạng đối tượng phát tờ rơi quảng cáo cho vay không thế chấp lãi suất cao, từ đó có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xảy ra các hành vi đòi nợ, siết nợ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Trần Hải Quân khẳng định: Thời gian qua, việc kinh doanh  dịch vụ cầm đồ, đòi nợ trên cả nước đã có nhiều biến tướng, trong đó có tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi dẫn tới đòi nợ thuê gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, Bộ CA đã giao cho Thanh tra Bộ tiến hành khảo sát tại 3 địa phương lớn là TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng nhằm khảo sát nắm tình hình, đánh giá tính chất của các hoạt động liên quan đến các loại hình kinh doanh này, từ đó có đề xuất lãnh đạo Bộ có chỉ đạo các lực lượng, địa phương có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các băng nhóm tội phạm. "Việc kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ đang có nhiều biến tướng dẫn đến phạm pháp hình sự và các hành vi vi phạm pháp luật. Qua theo dõi tại Đà Nẵng, dù chưa có những vụ việc lớn, phức tạp như nhiều địa phương khác, tuy nhiên không được quá chủ quan mà phải có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Lực lượng CATP Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và có phân công lập án theo cấp độ để đấu tranh mạnh với tội phạm liên quan đến hoạt động núp bóng dịch vụ cầm đồ, đòi nợ được cấp phép để cho vay lãi cao dẫn đến đòi nợ thuê ảnh hưởng đến ANTT", Đại tá Trần Hải Quân nhấn mạnh.

Công Hạnh