Đầu tư cho thành phố thông minh là phương thức phát triển bền vững nhất

Thứ năm, 24/10/2019 12:08

Xây dựng thành phố thông minh (TPTM) trên nền tảng công nghệ mới để quản lý đô thị tốt hơn, mang lại tiện ích cao hơn cho người dân là xu hướng của thế giới. Với Đà Nẵng, xây dựng TPTM còn là nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết 43. Vì lẽ đó, Hội nghị thượng đỉnh về TPTM 2019 diễn ra tại Đà Nẵng ngày 23-10 là cơ hội quý báu để Đà Nẵng tham vấn kinh nghiệm, giải pháp từ các chuyên gia công nghệ hàng đầu châu lục trong lĩnh vực này.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chia sẻ về Đề án TPTM Đà Nẵng đang triển khai.

Đà Nẵng chi 2.200 tỷ đồng

Quá trình đô thị hóa chóng mặt khiến nhiều “siêu đô thị” ra đời, kéo theo hàng loạt áp lực về môi trường, giao thông, y tế, cấp thoát nước… Vì vậy, việc xây dựng TPTM là một giải pháp nền tảng để đối phó với những áp lực đó. Ở Việt Nam hiện có hơn 30 đô thị hợp tác với các đối tác công nghệ để thiết kế và phát triển lộ trình TPTM, trong đó Đà Nẵng là địa phương đầu tiên cả nước ban hành Đề án xây dựng TPTM.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TPTM không chỉ chuyển quản lý điều hành từ truyền thông qua dữ liệu và công nghệ mà còn là một dự án động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của TP trong tương lai. Hiện Đà Nẵng đã triển khai đề án TPTM với mục tiêu, lộ trình, các công nghệ áp dụng có tổng kinh phí khoảng 2.200 tỷ đồng.

Theo ông Thơ, trong nhiều giải pháp xây dựng TPTM có giải pháp hợp tác với các tập đoàn uy tín như VNPT, FPT, Viettel, VietinBank… Bên cạnh đó là giải pháp tiếp cận tư vấn của các chuyên gia; chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp, địa phương; ban hành cơ chế, chính sách về đầu tư, bố trí tài chính trong quá trình triển khai như hợp tác công tư, thuê dịch vụ... Hội nghị thượng đỉnh TPTM này cũng là dịp quan trọng để TP tiếp cận đối tác, chuyên gia về mô hình, giải pháp, công nghệ, chính sách để áp dụng xây dựng thành công mô hình TPTM tại Đà Nẵng.

Phải có mạng 5G

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Khung tham chiếu CNTT – Truyền thông (ICT) phát triển TPTM. Trong đó, yếu tố tiên quyết của TPTM là phải thông minh hóa các Hạ tầng hiện có (giao thông, năng lượng, trường học, y tế…). Ngoài ra, cần tập trung phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu, coi đây là xương sống trong phát triển TPTM. Bên cạnh đó, ông Tâm cũng cho biết,  các  địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ xây dựng chính sách liên quan đến dữ liệu mở (Opendata). Từ đó, tạo đà và nền tảng cho việc cung cấp các dịch vụ mới, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp và phục vụ người dân.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng TPTM ở Malaysia, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp – Điện toán Châu Á- Châu Đại Dương (ASOCIO) nói: TPTM phải đặt người dân lên hàng đầu chứ không phải công nghệ. Công nghệ dù mạnh mẽ, tối ưu thế nào nhưng nếu người dân không được tham gia vào quá trình đó thì cũng không hiệu quả. Ở Mỹ, lần đầu tiên hàng hóa được vận chuyển tới tận nhà người dân mà không có người lái xe. Tương lai của TPTM là như vậy. Theo ông Wong, muốn xây dựng tốt TPTM cần chú ý một số yếu tố, trước tiên là mạng 5G để truyền dữ liệu mạnh. Thứ nữa là sự hợp tác của chính quyền và doanh nghiệp. Ở Kuala Lampur có hợp tác với tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) xây dựng trung tâm điều khiển giao thông. Giải pháp công nghệ này của Alibaba từng giúp TP Quảng Châu (Trung Quốc) đứng thứ 3 về ùn tắc giao thông xuống thứ 17. Hoặc đơn cử như hợp tác với Grab (giao thông chia sẻ) đã giúp giảm ùn tắc giao thông ở Malaysia, quốc gia 90% người dân có ô-tô. Ông Wong kết luận, chuyển đổi số hay công nghệ gì, mục tiêu cuối cùng vẫn là phát triển thịnh vượng, bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

Một ứng dụng công nghệ thông minh được giới thiệu để phục vụ xây dựng TPTM.

Phương thức cơ bản phát triển kinh tế

Chủ tịch VINASA, ông Trương Gia Bình nói rằng, TPTM là phương thức cơ bản phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu một Việt Nam hùng cường. Bởi lẽ  80% nền kinh tế quốc gia nằm ở các thành phố. Mà để phát triển thành phố vào kỷ nguyên này, chỉ có 1 cách là xây dựng TPTM. Đây là phương thức phát triển nhanh nhất, bền vững nhất đem lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Cũng theo ông Bình, điều quan trọng nhất khi nói về TPTM là hạ tầng thông minh và cách vận hành TP đó (chính quyền). Để có hạ tầng thông minh thì phải có dữ liệu thông minh. Hiện nay công nghệ về dữ liệu đã có bước phát triển lịch sử nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Khi có dữ liệu thì sẽ vận hành hiệu quả nhất chính quyền. Không có đầu tư nào thông minh, hiệu quả như đầu tư vào TPTM.

Tại Hội nghị thượng đỉnh TPTM 2019, đại diện các tập đoàn công nghệ và dữ liệu hàng đầu thế giới như Cisco, Samsung, VISA, PwC, FPT, MISA… đã mang đến những thông tin hữu ích và cập nhật về cách thức mà các công nghệ mới như AI, IoT, Big Data, Blockchain… hiện hữu và hỗ trợ việc vận hành, quản lý các TPTM để chia sẻ. Hội nghị thượng đỉnh TPTM 2019 tại Đà Nẵng đã thực sự lan tỏa công nghệ, chia sẻ nhiều giải pháp hữu ích để phát triển TPTM tại Việt Nam.

HẢI HẬU