Đầu tư cơ sở vật chất cho ngành GD-ĐT: Bao giờ hết cảnh "đuổi hình, bắt bóng"?

Thứ năm, 01/09/2016 07:50

(Cadn.com.vn) - Còn vài ngày nữa, học sinh ở tất cả các bậc học đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ tựu trường, chính thức bước vào năm học mới 2016-2017. Mặc dù thành phố đã quan tâm, đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới, nhất là ở bậc tiểu học (TH), nhưng năm học này, Đà Nẵng vẫn tiếp tục "lỗi hẹn" với chủ trương 100% HS bậc TH được học 2 buổi/ngày.

* Năm học mới 2016-2017, toàn TP Đà Nẵng có thêm 13 trường học mới, trong đó, đối với trường MN có 9 trường xây dựng mới (chủ yếu ngoài công lập); bậc TH: 2 trường; THCS: 1 trường và THPT: 1 trường. Có 238.135 HS ở tất cả các bậc học, tăng 13.490 HS ở tất cả các bậc học.

"Lỗi hẹn" vì ... bất khả kháng!

Năm học trước, toàn TP chỉ có 4 quận, huyện: Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang có 100% HS TH được học 2 buổi/ngày; các quận, huyện còn lại đều chưa đạt tỉ lệ này. Trong đó, thấp nhất là Q. Liên Chiểu rồi đến Q. Hải Châu. Năm học mới 2016-2017, Liên Chiểu tiếp tục "nóng" về cơ sở vật chất, do sĩ số HS tiếp tục tăng. Thậm chí, trường TH Võ Thị Sáu được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 mới đưa vào sử dụng trong năm học này cũng không còn chỗ tiếp nhận HS do quá tải. 

Theo số liệu do bà Lữ Thị Kim Hoa- Trưởng phòng GD-ĐT Q. Liên Chiểu cung cấp, năm học mới 2016-2017, không tính bậc THPT, toàn quận dự kiến có 28.423 HS với 990 nhóm lớp, tăng 1.850 HS và 64 nhóm lớp so với năm học 2015-2016. Trong đó, bậc mầm non (MN) tăng 663 cháu; bậc TH tăng 500 HS, bậc THCS tăng 687 HS. Tính đến tháng 8, toàn quận có 55 cơ sở giáo dục, trong đó có 35 trường MN thì có đến 27 trường ngoài công lập; 13 trường TH và 7 trường THCS. Để đáp ứng cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới, ngoài 10 tỉ đồng được đầu tư từ nguồn ngân sách quận, ngành GD-ĐT Liên Chiểu đã được TP quan tâm đầu tư khoảng 64 tỉ đồng (vốn đầu tư năm 2016) để xây dựng 7 công trình cơ bản với 41 phòng học tại 7 trường TH còn thiếu phòng học gồm: Bùi Thị Xuân, Duy Tân, Triệu Thị Trinh, Âu Cơ, Hồng Quang, Trần Bình Trọng và Hải Vân.

Tuy nhiên, các công trình này phần lớn khởi công xây dựng từ tháng 7-2016, nên theo kế hoạch phải đến tháng 12-2016 mới hoàn thành. Nếu các công trình này bàn giao đúng tiến độ thì phải đến đầu học kỳ II, Liên Chiểu mới đạt được 95% HS TH được học 2 buổi/ngày. Trong đó, Trường TH Nguyễn Văn Trỗi có số lượng HS được học 2 buổi/ngày thấp nhất với 40%. Còn trong học kỳ I, vẫn giữ mức trên  60% HS TH được học 2 buổi/ngày. Bà Lữ Thị Kim Hoa cho biết thêm, đấy cũng là chỉ tính cho năm học 2016-2017, còn các năm học tiếp theo chưa biết sẽ như thế nào. Bởi dân số trên địa bàn Liên Chiểu mỗi năm mỗi tăng...  

 Dãy phòng học 2 tầng của trường TH Nguyễn Du đã xuống cấp được đập ra xây dựng mới thành 4 tầng, đến tháng 11-2016 mới bàn giao.

So với Liên Chiểu, tỉ lệ HS bậc TH được học 2 buổi/ngày tại Q. Hải Châu tuy có cao hơn, nhưng trong học kỳ I này, một số trường TH tại địa bàn phải chấp nhận tổ chức cho HS học 1 buổi/ngày do cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo việc dạy học 2 buổi/ngày theo kế hoạch đến tháng 11 và tháng 12 mới bàn giao.

Qua bà Trần Thị Thúy Hà- Trưởng phòng GD-ĐT Q. Hải Châu, được biết, trong năm học mới này, toàn quận có 7 công trình trường học được TP cấp vốn đầu tư xây dựng, trong đó có 6 trường TH và 1 trường THCS. Ngoài Trường TH Lê Lai do đã xuống cấp trầm trọng nên được đập ra xây dựng mới hoàn toàn và Trường Nguyễn Du đập một dãy cũ đã xuống cấp để xây dựng mới, các công trình trường TH còn lại được xây dựng mới thêm một số phòng học. Trong đó, Trường TH Lê Lai và Nguyễn Du đến tháng 12 này mới bàn giao công trình. Chính vì vậy, trong học kỳ I này, Trường TH Lê Lai phải thuê Trung tâm Thảo Viên tại đường Pasteur để tổ chức dạy-học, và không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tương tự, Trường TH Nguyễn Du cũng không tổ chức dạy 2 buổi/ngày trong hơn nửa học kỳ I. Ngoài ra, có 2 trường TH là trường TH Núi Thành và Trần Văn Ơn nhiều năm nay không thể tổ chức 100% HS  học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học.

Trao đổi với ông Nguyễn Đình Vĩnh- Giám đốc Sở GD-ĐT TP, được biết, trong 33 công trình trường TH được TP đầu tư xây dựng trong năm 2016 với số vốn đầu tư 277 tỉ đồng thì có 30 công trình đã triển khai, 3 công trình đã hoàn tất xong phần đấu thầu. Đa số các công trình đã triển khai xây dựng đều hoàn thành trong tháng 9, số còn lại theo kế hoạch đến hết tháng 12-2016 mới bàn giao. Chính vì vậy, dù nỗ lực đến đâu thì phải sang học kỳ II, toàn ngành mới cơ bản thực hiện học 2 buổi/ngày đối với HS bậc TH, nhưng cũng không thể đạt tỉ lệ tuyệt đối 100%.

Trước thềm năm học mới, Trường TH Triệu Thị Trinh (cơ sở II) vẫn ngổn ngang vì công trình đang thi công.

Bao giờ hết "đuổi hình bắt bóng"?

Đặc thù của ngành GD-ĐT là một năm học được vắt qua giữa 2 năm, trong khi đó, quy trình phân bổ ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của ngành phụ thuộc vào ngân sách phân bổ vốn đầu tư hàng năm. Theo cách tính năm của tài chính, một công trình trường học nếu được rót vốn đầu tư sau khi trải qua  các quy trình, thủ tục khá phức tạp, phải mất hơn nửa năm mới tiến hành xây dựng. Vì vậy, thời gian xúc tiến xây dựng cơ sở vật chất chỉ có thể thực hiện trong thời gian HS và giáo viên nghỉ hè (trừ xây dựng mới trên khuôn viên mới). Với những công trình đầu tư có quy mô lớn khó có thể hoàn thành trước thềm năm học mới.

Để thực trạng "đuổi hình bắt bóng" trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu dạy học trên địa bàn TP Đà Nẵng không còn xảy ra trong những năm học kế tiếp, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, ngành đã có một số giải pháp để tham mưu cho các cấp chính quyền. Cụ thể, đối với các cơ sở công sở hiện nay nếu chuyển đổi mục đích, chuyển đổi công năng sử dụng, ngành GD-ĐT chủ động tham mưu cho UBND các cấp chuyển đổi mô hình, lấy vị trí đó dành cho GD.  Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT, ý kiến này đã được Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ ghi nhận...

Ngoài ra, đối với các lô đất, vệt đất đang quy hoạch cho ngành GD thì sẽ thúc đẩy để sớm có quyết định đầu tư xây dựng. Ngành GD-ĐT các quận, huyện đã tham mưu UBND TP phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới trường lớp cơ sở giáo dục đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... Sở GD-ĐT cũng đang tham mưu cho TP về việc xác nhập một số Trung tâm GDTX trên địa bàn TP hoạt động không hiệu quả, tuyển sinh quá ít. Theo đó, đề xuất xác nhập, giữ 3 trung tâm GDTX TP, Thanh Khê và Cẩm Lệ, 5 trung tâm còn lại chuyển công năng thành trường học. Ông Nguyễn Đình Vĩnh còn cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP, đối với các khu chung cư được xây dựng mới, Sở Xây dựng phải có trách nhiệm  quy hoạch tại đây các cơ sở trường học.

Ngoài các giải pháp nói trên, để tránh tình trạng "đuổi hình bắt bóng" như hiện nay, thiết nghĩ, ngành GD-ĐT cần phối hợp cùng các ngành chức năng rà soát, thống kê và dự báo về tình hình tăng dân số cơ học. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển cơ sở vật chất trường học để có sự đầu tư xây dựng đảm bảo phục vụ công tác dạy-học.

P.Thủy