Dấu vết lên tiếng (Bài cuối: Hành trình tìm sự thật)

Thứ ba, 29/08/2017 09:15

Có rất nhiều hồ sơ, tài liệu được làm giả hết sức tinh vi nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc che giấu tội lỗi mình gây ra. Tuy vậy, bằng nghiệp vụ và phương tiện hiện đại, đối tượng dẫu tinh quái đến đâu vẫn bị các cán bộ Kỹ thuật hình sự (KTHS) bóc mẽ, phơi bày ra ánh sáng. Hành trình tìm ra sự thực đó khá nhọc nhằn và không hề giản đơn.

 

Hơn 30 năm trong nghề, Thượng tá Lê Minh Sùng - Phó trưởng Phòng KTHS CATP Đà Nẵng đã trực tiếp “giải mã” hàng trăm vụ án lớn nhỏ, trong đó có những vụ đã trở thành kinh điển của lực lượng KTHS. Đơn cử như vụ đối tượng Nguyễn Văn Hùng (1957, trú Hòa Vang, Đà Nẵng) cách đây 10 năm đã gây ra 4 vụ trộm, cướp tài sản giá trị tới 10 tỷ đồng tại các ngân hàng, tiệm vàng, Cty, ban giải tỏa đền bù. Vụ án làm rúng động dư luận, tạo tâm lý bất an trong nhân dân, việc tìm ra thủ phạm đôi lúc rơi vào bế tắc. Tuy vậy, bằng sự kiên trì, cẩn trọng, bằng kinh nghiệm và phân tích khoa học, hung thủ đã dần lộ diện. Thượng tá Lê Minh Sùng kể, bên cạnh các dấu vết truyền thống thì lần đầu tiên tại Đà Nẵng cũng như cả nước, dấu vết ADN trên mẩu đầu lọc thuốc lá của đối tượng để lại hiện trường đã được sử dụng giám định. Sau khi sàng lọc gần 1.000 yêu cầu, loại khỏi diện nghi vấn hàng trăm đối tượng, cuối cùng lực lượng KTHS cũng kết luận được đối tượng gây án chính là Nguyễn Văn Hùng. Từ đây, nút thắt vụ án được mở, phần lớn tài sản bị chiếm đoạt được thu hồi, uy tín của lực lượng CATP được tăng lên rõ rệt.

Những năm gần đây, hiện tượng làm giả giấy tờ, con dấu của các cơ quan, tổ chức, Cty để chiếm đoạt tài sản xuất hiện ngày càng nhiều. Với sự phát triển của công nghệ, các đối tượng giả mạo rất tinh vi và tìm tới Đà Nẵng để thực hiện hành vi phạm tội. Thượng tá Lê Minh Sùng nhớ lại vài năm trước tại Vietcombank Đà Nẵng chi trả 50.000USD cho Nguyễn Anh Tuấn (1980, trú P. Hàng Bột, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Tuấn đã trưng ra giấy rút tiền của Cty AB Mauri Việt Nam, địa chỉ Định Quán, Đồng Nai có chữ ký của tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng và đóng dấu của Cty. Sau khi chi trả số tiền này, tài khoản của Cty AB Mauri báo nợ 50.000USD. Khi phát hiện nợ 50.000USD, Cty Mauri khẳng định không phát hành Giấy rút tiền trên. Ngay lập tức, Giấy rút tiền với chữ ký, con dấu của Cty Mauri đã được gửi tới Phòng KTHS CATP Đà Nẵng giám định. Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng KTHS xác định đây là giấy tờ giả mạo và Nguyễn Anh Tuấn - nhân viên giao dịch Vietcombank Hà Nội bị bắt, đã thừa nhận hành vi phạm pháp của mình.

Sau vụ việc đó không lâu, lực lượng KTHS CATP Đà Nẵng tiếp tục giám định, kết luận vụ việc làm giả mạo giấy tờ của Cty bao bì Sinh Phú (đường số 5 KCN Hòa Cầm) nhằm chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Tiên Phong chi nhánh Đà Nẵng. Cụ thể, phía Ngân hàng Tiên Phong ký hợp đồng tín dụng trung, dài hạn với Cty Sinh Phú hạn mức vay là 40 tỷ đồng, tài sản thế chấp gồm tổng toàn bộ giá trị máy thế chấp hơn 118 tỷ đồng, quyền sử dụng 5.995m2 đất và tài sản gắn liền đất. Cty Sinh Phú đã nộp cho Ngân hàng Tiên Phong hợp đồng, tờ khai hải quan, hóa đơn mua hàng. Qua công tác điều tra xác minh nhiều khả năng Cty Sinh Phú đã làm giả giấy tờ hải quan để nâng khống số tiền nhằm chiếm đoạt của Ngân hàng Tiên Phong. Tiến hành giám định hình dấu trên “tờ khai hàng hóa nhập khẩu” là không do cùng một con dấu đóng ra, làm cơ sở để Cơ quan An ninh điều tra xử lý vụ việc.

 

Với phương tiện kỹ thuật hiện đại cùng khả năng phân tích nhạy bén, nhiều vụ việc đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn cũng được lực lượng KTHS bóc mẽ. Thượng tá Lê Minh Sùng kể, cách đây không lâu, tài khoản email của Cty Mây tre An Khê (Đà Nẵng) đã bị đối tượng đột nhập đánh cắp thông tin để lừa đảo chiếm đoạt 30 tỷ đồng. Qua giám định chữ viết trên hồ sơ đăng ký mở tài khoản tại NH TMCP ACB tại TPHCM đã xác định được đối tượng là Lê Thị Bích Chi (trú 26/6-Trần Quang Diệu, TPHCM).

Trong thời gian trước đó, lực lượng KTHS cũng đã tiến hành giám định 80 hồ sơ có con dấu của UBND P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) và chữ ký của ông Đàm Quang Hưng. Qua công tác giám định đã phát hiện đối tượng dùng giấy nhám mài tẩy xóa chữ viết tay trên các bộ giấy tờ nhà đất, công văn có chữ ký hình dấu thật sau đó điền những thông tin cần thiết lừa đảo để bán đất cho người dân. Thậm chí, các đối tượng còn giả chữ viết, chữ ký của nguyên lãnh đạo TP ở mục bút phê trên hàng loạt “Đơn giải quyết và xử lý đất tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa” để lừa đảo các hộ dân bị giải tỏa cũng như qua mặt các cơ quan chức năng trong việc bố trí tái định cư. Vụ việc giả chữ ký, bút phê, hình dấu của UBND TP Đà Nẵng đã bị lực lượng KTHS giám định, phanh phui khi đối tượng Trần Văn Sơn (1972, trú tổ 41, Hòa Cường Nam) tới P. Hòa Thọ Đông để sao y bản chính.

Có thể nói, những người làm công tác giám định KTHS được ví như “mắt thần” để “soi” ra sự thực. Ở đây, ngoài sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật luôn phải được trang bị bắt kịp xu thế công nghệ mà các đối tượng sử dụng thì cũng cần có kinh nghiệm, năng lực phân tích, phán đoán và sự nhạy bén nghề nghiệp. Các thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sự thật được chúng che đậy trong vỏ bọc kín kẽ. Tuy vậy, bằng bản lĩnh, trí tuệ của lực lượng KTHS, những lớp vỏ bọc được tháo gỡ, sự thật dần lộ diện, phơi bày, và đó là hành trình gian nan mà vinh quang của các cán bộ KTHS.

Thành Nam

Cán bộ KTHS thực hiện công tác giám định để “soi” ra sự thật.

Các loại chữ ký giả nhằm thực hiện hành vi phạm tội dù tinh vi đến đâu cũng sẽ bị lực lượng KTHS phát hiện.