Đầu xuân đi hái lộc rừng
(Cadn.com.vn) - Cây đót từ bao đời nay gắn liền với cuộc sống của đồng bào miền núi. Hằng năm, cứ vào giai đoạn giáp và sau Tết Nguyên đán, những rừng hoa đót lại phủ bạt ngàn các triền núi. Năm nay, trời nắng thuận lợi cho việc khai thác và phơi đót. Những bông đót dài, được nắng nên thân trắng đẹp. Đã thế năm nay đót lại được giá, thương lái thu mua tận nơi 5 ngàn đồng/kg đót tươi... Theo anh Đinh Văn Rơi (trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng), từ sáng mồng 3 Tết, đồng bào Cơ Tu nơi đây đã kéo nhau vào rừng khai thác đót. Gia đình anh đi 4 người, mỗi ngày cũng được hơn 50kg đót tươi. Đầu năm nắng dịu, thuận lợi cho việc khai thác đót nên có nhà cả gia đình kéo nhau đi bứt đót, mỗi ngày được hơn tạ đót. Sáng đi thật sớm tới trưa, chiều lại về bán cho các tư thương. So với làm rẫy, phát keo thuê thì cây đót có thu nhập cao hơn. “Năm nay, nhiều triền núi đót mọc dày, non và đẹp nên việc khai thác rất thuận lợi là không phải đi xa, người thu mua lại nhiều nên dễ bán. Chứ như mọi năm, phải lặn lội lên tận các xã vùng cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) khai thác. Vất vả lắm, nhưng đây là “lộc rừng” đầu năm được thiên nhiên ban tặng nên không ai muốn bỏ lỡ cơ hội này”, anh Rơi cho biết thêm.
Người dân Cơ Tu thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) phơi đót chờ tư thương thu mua. |
Tuy nhiên, công việc bứt đót cũng không hề đơn giản. Người dân nơi đây phải men theo những sườn núi dựng đứng, bất chấp hiểm nguy mới có thể bứt được đót chở về nhà và phân loại thành đót dài, ngắn khác nhau với giá cũng khác nhau, từ đó những thương lái từ miền xuôi lên thu mua, phơi khô và bán lại cho các cơ sở sản xuất chổi đót. Vừa trở về với bó đót trên vai, chị Đinh Thị Lụa chia sẻ, năm nay, được cái thời tiết ôn hòa “lộc rừng” đua nở, nên bà con Cơ Tu có cơ hội giải quyết việc làm lúc nông nhàn, cải thiện thu nhập trong dịp năm mới. Muốn có được những bó đót đẹp phải đi sớm vào rừng sâu, len lỏi chênh vênh trên từng vách núi. Chịu khó từ sáng đến trưa, mỗi người cũng kiếm được vài bó đót tươi chừng 20kg, bán với giá 100 ngàn đồng... Bà Năm (trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang), người chuyên thu mua “lộc rừng” ở các địa phương miền núi bộc bạch: “Gắn bó với bà con Cơ Tu hàng chục năm nay nên tôi cũng phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân bản địa. Hằng ngày, từ tờ mờ sáng đã nghe họ í ới gọi nhau vào rừng, đến chiều tối họ mới mang những thứ tìm được ra đổi hàng hoặc bán lấy tiền. Mỗi mùa như vậy, tôi thu mua được hơn chục tấn đót tươi”...
Được mùa, được giá, đót rộn ràng khắp mọi nẻo đường chở về những địa điểm thu mua, có khi nằm ngay bên đường, hay ở sát cửa rừng. Mùa đót chỉ kéo dài 1 tháng, nên hầu hết người dân vùng cao đều tranh thủ kiếm thêm nguồn thu nhập, góp phần làm vơi bớt cái khó, cái nghèo... “Có cây đót người dân làng mình thêm no ấm, có tiền tổ chức lễ hội to hơn, vui hơn. Mấy năm trước rừng ít bị tác động nên cây đót còn nhiều, giờ người ta phát rừng trồng keo, đầu tư các dự án du lịch sinh thái hết rồi nên mỗi năm, dân làng mình muốn bứt đót phải đi xa lắm, không dễ mô”, ông Đinh Văn Nhom, Trưởng thôn Phú Túc xác nhận.
An Dương