Dạy con trẻ biết Tết
(Cadn.com.vn) - Sáng 23 tháng Chạp, tranh thủ trước giờ đi làm, bạn í ới rủ tôi cà-phê sáng. Trong câu chuyện ngày cận Tết, bạn kể cho tôi nghe chuyện về cô con gái mới học lớp 10. Giọng bạn nghe có vẻ buồn như là người có lỗi...
Chuyện rằng, tối ngày đưa Ông Táo về chầu Trời, con gái bạn đi học thêm về chợt sà đến bên mẹ than thở: “Bạn con nói, Tết đến nơi rồi mà sao chẳng thấy có không khí chi hết. Sao càng ngày, Tết càng buồn vậy hả mẹ?”. Đang loay hoay sửa soạn bàn thờ chuẩn bị cúng Ông Táo, nghe con gái nói vậy, bạn tôi hơi bị bất ngờ. Bởi lâu nay, ngoài việc học, con gái bạn chẳng mấy khi quan tâm chuyện khác, kể cả chuyện tết nhứt. Với nó, Tết chỉ khác ngày thường là không phải đi học, được ăn ngon hơn mọi ngày và được mừng tuổi bằng những phong bao lì xì bắt mắt!...
Sau một phút thẫn thờ vì chợt thấy mình có lỗi, bạn tôi âu yếm bảo con gái: “Con muốn thấy không khí Tết phải không? Giúp mẹ chuẩn bị mâm cỗ đưa Ông Táo về trời nhé? Mấy ngày tới, tranh thủ thời gian rỗi không phải học bài, phụ mẹ dọn dẹp lại nhà cửa, cùng mẹ làm bánh mứt và phụ ba gói bánh chưng... Lúc đó, con sẽ thấy Tết về đầu ngõ thôi mà!”. Nghe nói phụ mẹ làm việc nhà, cô bé liền lắc đầu cười và kết một câu trước khi về phòng riêng học bài: “Thôi! Mấy việc đó có chi vui đâu mẹ! Ngày thường, con thấy mẹ vẫn gọi người về nhà dọn dẹp rồi trả tiền công đấy thôi. Sao giờ bắt con làm? Mọi năm, nhà mình đâu có gói bánh chưng, bánh tét, năm nay lại gói chi cho cực? Cứ đặt hàng sẽ có dịch vụ cung cấp tận nơi, như các năm trước nhà mình vẫn làm vậy mà! Mẹ thường nói với con như vậy mà!”. Nói xong, cô bé ba chân bốn cẳng chạy lên lầu trước đôi mắt thất vọng của mẹ...
Ngày Hội văn hóa dân gian tại trường học. Ảnh: P.T |
Kể xong, bạn tôi chia sẻ: “Ban đầu, mình cũng thấy buồn, thất vọng về con gái lắm. Nhưng ngẫm lại thì thấy muốn trách trước hết phải trách mình. Lâu nay, vì thương con học hành vất vả, mình cứ làm thay hết mọi việc, kể cả việc giặt quần áo cho con. Riêng đến Tết, phần vì công việc bận rộn, phần vì ngại mệt, mình cứ thế thuê người về dọn nhà cho nhanh. Thức ăn, thức uống cho 3 ngày Tết thì ra siêu thị hoặc đặt hàng làm cho khỏe. Không như ba mẹ mình ngày xưa, những việc nào vừa sức thì cứ giao cho con cái làm, nào là lau dọn nhà cửa, phụ ba sơn lại cổng ngõ, lau lá để gói bánh tét, bánh chưng. Chẳng những thế, lại còn bắt mình phải ngồi phụ mẹ sên mứt gừng, mứt dừa, mứt dẻo, làm bánh trái. Rồi phụ mẹ gọt tỉa đu đủ, cà rốt, ngâm củ kiệu với nước tro để phơi làm dưa món... Vì thế, mình mới có không khí Tết, mới biết Tết là gì... Không khí Tết chính là sự tất bật lo sửa soạn trước Tết chứ đâu ra. Mình muốn nói với con như vậy, nhưng lại thôi, vì thấy lỗi là do lâu nay mình không bày vẽ gì cho nó. Giờ mình mới thấy thương, thấy quý và trân trọng những gì mà ba mẹ mình bắt làm lúc còn nhỏ. Làm cha, làm mẹ chẳng có ai không thương con, nhưng thương không đúng cách như mình nên giờ mới “bị” con than là không thấy không khí Tết!!!”.
Tôi lặng thinh khi nghe bạn tâm sự. Chợt nhớ đến vẻ mặt hớn hở, thái độ lăng xăng của thằng cháu khi được ba nó tin cẩn giao làm cái “chân sai vặt” phụ sơn cửa ngõ. Với thằng bé, Tết là vui nhất! Bởi ngoài việc được ăn ngon hơn ngày thường, ngày Tết, nhà nội nó bao giờ cũng đông vui do tất cả mọi thành viên trong gia đình đều về đây sum vầy. Thế nên, những ngày cận Tết, cu cậu cứ chạy lăng xăng hết giúp mẹ bưng cái này, lại sang lấy giúp ba cái giẻ lau cửa, ngồi chờ ba quét cho xong cánh cửa mới chịu đi ngủ, rồi cứ hỏi bao giờ lên sân bay đón cô nó từ Sài Gòn về...
Thật ra, Tết chính là không khí rộn ràng, tất bật chuẩn bị trước Tết. Với trẻ nhỏ, để cảm nhận được không khí Tết, người lớn phải truyền được hơi ấm, hương vị, sắc thái biểu cảm của Tết đến với chúng. Cuộc sống hiện đại với bao tất bật lo toan khiến không ít gia đình vì muốn tiện, muốn khỏe mà quên mất việc phải giữ hương vị Tết cổ truyền cho chính con cái mình... Từ câu chuyện nhà bạn, tôi chợt nghĩ đến trách nhiệm của người lớn trong việc giữ ấm hương vị ngày Tết cổ truyền cho trẻ nhỏ.
Hãy dạy cho con trẻ biết yêu quý những giá trị của cái Tết cổ truyền thông qua những việc làm thiết thực nhất!
Khánh Yên